Vườn quốc gia U Minh Hạ được thành lập năm 2006 với diện tích hơn 8.500 ha. Đây là 1 trong ba vườn quốc gia bảo tồn đa dạng sinh học rừng ngập nước tại Đồng Bằng Sông Cửu Long. Vườn quốc gia U Minh Hạ nằm trên địa phận huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Đây cũng khu vực dự trữ sinh quyển mũi Cà Mau được UNESCO đưa vào khu dự trữ sinh quyển của thế giới.

Vườn quốc gia U Minh Hạ có hệ sinh thái đa dạng với 176 loài thực vật và 150 loài động vật. Đặc trưng nhất của U Minh Hạ là hệ sinh thái rừng tràm nguyên sinh hình thành trên đất than bùn, loài cây tiêu biểu của Đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây cũng có nhiều chim, thú được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. 

Vùng lõi của U Minh Hạ được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm bảo tồn các loài động thực vật trên đất than bùn và bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và phát triển du lịch.

Các lực lượng tuần tra của Vườn quốc gia U Minh Hạ cũng thường xuyên tuần tra quản lý bảo vệ rừng phát hiện các đối tượng vào rừng khai thác động vật và các lâm sản khác trái phép. Các đối tượng sẽ được xử lý theo quy định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp chưa hiểu rõ về hành vi khai thác động vật, thực vật trong rừng có thể vi phạm pháp luật nên Vườn cũng phối hợp với địa phương tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng về phòng chống tội phạm đa dạng sinh học. 

Du khách .jpg
Du khách tham quan tại khu vực sinh quyển thế giới tỉnh Cà Mau. 

Hiện nay, Cà Mau đã xây dựng nhiều đề án phát triển du lịch bền vững để bảo tồn tài nguyên sẵn có và nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã và tạo sinh kế cho người dân sống quanh khu vực Vườn. Từ đó, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ rừng, không săn bắn động vật trái phép.

Năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau cũng ban hành Kế hoạch về tăng cường phòng chống tội phạm đa dạng sinh học đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 theo Quyết định số 1623 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Cà Mau sẽ đưa ra các giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền phòng ngừa tội phạm đa dạng sinh học, nâng cao nhận thức của người dân, các tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, người dân sinh sống ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ, khu đất ngập nước và tuyến di cư, điểm đến của các loài chim hoang dã. 

Các cơ quan Kiểm lâm, Ban quản lý rừng đẩy mạnh tuần tra, kiểm tra hoạt động khai thác, đánh bắt trái phép động thực vật hoang dã. Kiểm soát chặt chẽ việc gây nuôi động vật hoang dã, việc nhập khẩu động vật hoang dã trái quy định. Các vụ việc có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra theo quy định của pháp luật và công khai kết quả xử lý tội phạm đa dạng sinh học.
Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau giao trực tiếp cho Công an tỉnh thường xuyên thực hiện công tác xử lý, kiểm tra việc mua bán động thực vật hoang dã và thực các biện pháp nghiệp vụ đế phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm, triệt để các vụ án, đường dây tổ chức tội phạm liên tỉnh, xuyên quốc gia tác động xấu đến đa dạng sinh học.
Cà Mau huy động sức mạnh tổng hợp trong công tác bảo toàn đa dạng sinh học. Các lực lượng liên quan phải thường xuyên rà soát, xác định các địa bàn, tuyến trọng điểm về tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm dạng sinh học.

Cùng với đó, tỉnh Cà Mau cũng tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.  Đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại hóa, từ các trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ công tác phòng, chống tội phạm đa sinh học.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Mũi Cà Mau có diện tích 371.506ha với 3 vùng: vùng lõi 17.329ha, vùng đệm 43.309ha và vùng chuyển tiếp 310.868ha. Vùng lõi được chia làm 3 vùng nhỏ là các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn Quốc gia U Minh Hạ và dãy rừng phòng hộ ven biển.



 
 
 
 
 
 

Thục Anh và nhóm PV, BTV