Tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, các đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam giới thiệu nhiều trang thiết bị hiện đại, bao gồm các dòng máy bay không người lái (UAV).
Đại tá Nguyễn Huy Sơn, Trưởng phòng tư vấn chuyển giao công nghệ, Viện Cơ khí động lực (Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho biết, phương tiện không người lái (UVs) bao gồm phương tiện bay không người lái (UAV), phương tiện mặt đất không người lái (UGV), phương tiện dưới nước không người lái (UUV) đang phát triển mạnh mẽ và có tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp như quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp...
Đặc biệt trong quân sự, với ưu tiên bảo vệ và hỗ trợ người lính thì trong tương lai sẽ có sự kết hợp của tất cả các loại UVs. Thị trường UVs cũng phát triển nhanh, theo khảo sát trong năm 2024 quy mô thị trường đã đạt 38,6 tỷ USD, đến năm 2027 sẽ tăng lên 58 tỷ USD. Các khu vực thị trường UVs lớn nhất gồm bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ, Trung Quốc và Israel là các quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển UVs.
Đại tá Nguyễn Huy Sơn cũng nêu một số hạn chế của phương tiện không người lái như độ chính xác của cảm biến, khả năng ra quyết định trong tình huống phức tạp, tuổi thọ pin và năng lượng, va chạm và tai nạn, xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu... Đặc biệt là các vấn đề pháp lý, chi phí để triển khai và tác động đến xã hội, việc làm.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nguyễn Huy Sơn cho rằng phương tiện không người lái đang phát triển mạnh, có tác động đến nhiều ngành. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển lĩnh vực này nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhu cầu lớn từ các ngành. Ông dẫn chứng có những công ty cho thuê hàng nghìn UAV để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Đỗ Văn Long (kỹ sư) đến từ Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, trong chiến tranh hiện đại, UAV được sử dụng cho nhiều mục đích bao gồm giám sát, trinh sát, dẫn đường mục tiêu, nhiệm vụ tự sát và tấn công hỏa lực.
Thế hệ UAV tiếp theo thường được gọi là UAV đối kháng kết hợp các công nghệ tiên tiến, tấn công dựa trên camera và tự động hóa do AI điều khiển. Các chiến lược tấn công thông minh như bay lượn, bay ở độ cao thấp và tấn công theo bầy đàn phối hợp khiến những UAV này khó bị phát hiện, đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường.
Theo ông Long, rõ ràng một công nghệ đơn lẻ là không đủ để đối phó với sự đa dạng và chiến thuật thông minh của UAV hiện đại. Tích hợp nhiều cảm biến và trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng công nghệ chính trong các hệ thống chống UAV.
Ông Long cho biết, Viettel đã thành công trong phát triển nhiều sản phẩm chống UAV áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm tác chiến điện tử, radar, quang điện, UAV, EMP và vũ khí hỏa lực.
Các sản phẩm này cho phép cung cấp các giải pháp tích hợp linh hoạt để phát hiện sớm và đánh chặn hiệu quả các UAV thù địch, từ hệ thống giám sát tầm xa đến tầm trung, hệ thống chống UAV tầm ngắn và các giải pháp chống UAV chiến thuật.
Tại khu vực trưng bày ngoài trời ở Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024, mẫu xe chiến đấu bộ binh XCB-01 do Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng Việt Nam nghiên cứu, phát triển và chế tạo được ra mắt.
Spyder là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại của Quân chủng Phòng không - Không quân. Hệ thống phòng không này gây ấn tượng với việc bảo vệ khu vực mục tiêu diện tích lớn, độ chính xác cao.