PV: Thưa Bà, có nhiều ý kiến phản ứng với việc học online, đặc biệt với học sinh lớp 1, lớp 2. Cụ thể là thời gian học online kéo dài, quá nhiều bài tập về nhà… Ngoài ra, các cơ quan, doanh nghiệp đã yêu cầu người lao động trở lại làm việc, không hiếm gia đình buộc phải để trẻ ở nhà một mình, đối mặt với nhiều rủi ro cả về thể chất và tinh thần. Quan điểm của Ủy ban về việc này như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức dạy, học theo hình thức trực tuyến là việc bất khả kháng của ngành giáo dục. Việc dạy, học trực tuyến có tác động tích cực giúp cho hoạt động giáo dục không bị đứt gẫy. Ngành giáo dục và các ngành, các địa phương, các cơ sở giáo dục, các nhà giáo đã có nhiều nỗ lực khắc phục các khó khăn hạn chế trong dạy, học trực tuyến. Trên cơ sở rà soát, sắp xếp chương trình, kế hoạch giảng dạy theo hướng tinh giản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các thầy cô đã chú trọng giáo dục ý thức tự giác cho học sinh trong học tập, bảo đảm mỗi tiết học được quản lý hiệu quả và an toàn; dành nhiều công sức và thời gian phối hợp và đồng hành với các phụ huynh trong giám sát, chăm sóc, hướng dẫn các em học sinh học tập, nhất là đối với học sinh nhỏ tuổi, không để con em tiếp xúc với các nội dung xấu, độc trên mạng.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Cần giải pháp chiến lược về học online

Tuy nhiên, việc buộc phải chuyển đổi dạy, học sang hình trực tuyến trong khi chưa có điều kiện chuẩn bị đầy đủ: thiếu trang thiết bị phục vụ dạy, học trực tuyến; chất lượng đường truyền internet chưa bảo đảm, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, phương pháp giảng dạy của một số giáo viên và việc giám sát, hỗ trợ con em học trực tuyến của cha mẹ học sinh còn hạn chế... đã gây ra nhiều hệ lụy, trong đó có những vấn đề rất đáng lo ngại như Báo VietNamNet phản ánh.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã kiến nghị gì?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Trên cơ sở khảo sát thực tiễn về tác động của dịch Covid- 19 đến các lĩnh vực, đối tượng Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục phụ trách, Ủy ban đã có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đạo tạo, các địa phương: ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho nhà giáo, cán bộ, viên chức, người lao động ngành giáo dục và học sinh, sinh viên; tổ chức cho các em học sinh học trực tiếp sớm nhất trong điều kiện có thể. Nơi nào đủ điều kiện, bảo đảm an toàn thì tổ chức học trực tiếp; nơi nào không đủ an toàn thì tổ chức học trực tuyến bằng hình thức phù hợp. Đồng thời, có kế hoạch bổ sung, bồi đắp kiến thức cho học sinh ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, hướng tới chất lượng cuối cùng cao nhất. Ủy ban cũng đã có kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá thực trạng, khó khăn, bất cập trong triển khai dạy học trong bối cảnh dịch bệnh đối với từng cấp học, trình độ, địa bàn, loại hình cơ sở giáo dục; chủ động xây dựng phương án, kịch bản, giải pháp tổng thể về tổ chức dạy học, thi, đánh giá chất lượng giáo dục thích ứng với tình hình dịch bệnh tại các địa phương.

Ngoài ra, lưu ý có giải pháp dạy, học phù hợp cho từng đối tượng học sinh yếu thế, nhất là ở vùng nông thôn, vùng núi, biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, khu vực có nhiều học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số, các em F0, F1 tại khu phong tỏa, khu cách ly, các em học sinh khuyết tật. Xây dựng chương trình hướng dẫn chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non tại nhà đảm bảo yêu cầu giáo dục an toàn. Bảo đảm hoàn thành kế hoạch năm học đúng tiến độ, đạt mục tiêu về chất lượng.

Trong tháng 11 này, Ủy ban Văn hoá, Giáo dục sẽ tổ chức Hội thảo giáo dục toàn quốc về chủ đề văn hóa học đường, qua đó sẽ có những kiến nghị chính sách đối với việc xây dựng văn hóa học đường nói chung, văn hóa mạng trong nhà trường nói riêng. 

Học online: Cần giải pháp mang tính chiến lược

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, học sinh sẽ trở lại trường để học trực tiếp. Theo Bà, những thành quả của học online nên duy trì và cải thiện như thế nào? 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Đây là vấn đề cần được nghiên cứu và có giải pháp sớm để tránh sự lãng phí về nguồn lực. Ở thời điểm hiện nay, thành quả học online lớn nhất là tạo sự chuyển biến trong nhận thức của toàn ngành giáo dục, của các em học sinh, các gia đình và các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình chuyển đổi số cho ngành giáo dục, bước đầu tạo thói quen dạy, học trong môi trường số; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy, học bước đầu được quan tâm đầu tư.   

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, việc dạy, học trực tuyến sẽ là một cấu phần quan trọng trong hoạt động của ngành giáo dục. Hơn nữa, tình hình dịch Covid-19 sẽ còn có nhiều diễn biến phức tạp, có nguy cơ kéo dài. Vì thế cần có giải pháp mang tính chiến lược. 

Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cũng đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cần có định hướng phát triển phương thức dạy học trực tuyến trong những năm tới, từng bước đẩy nhanh tiến độ thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng số; triển khai hiệu quả Chương trình "Sóng và máy tính cho em”, huy động các nguồn lực hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh, sinh viên có điều kiện khó khăn, bảo đảm bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục và đào tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và kho học liệu số; bồi dưỡng năng lực chuyển đổi số cho giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số trong ngành giáo dục với để triển khai hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo QĐ số 749 ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều kiến nghị xét tốt nghiệp, sửa Luật Giáo dục

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 tiếp tục có rất nhiều ý kiến đề xuất nên xét tốt nghiệp, đặc biệt khi có những vấn đề bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh... Quan điểm của Bà về những đề xuất này thế nào?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Vừa qua, vấn đề tổ chức thi tốt nghiệp hay chuyển sang xét tốt nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 nhận được sự quan tâm rất lớn. Ngành giáo dục đã có giải pháp linh hoạt để tổ chức thi tốt nghiệp THPT, bảo đảm an toàn và công bằng cho mọi người học. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều các kiến nghị của cử tri đối với vấn đề này.

Về phía Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có kiến nghị với Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đạo tạo chỉ đạo xây dựng sớm phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 và các năm tiếp theo, phù hợp với tình hình thực tiễn bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả; đồng thời, rà soát quy định của pháp luật về điều kiện công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông trong điều kiện không thể tổ chức thi do tình hình dịch bệnh. Trong thời gian tới, Uỷ ban sẽ tăng cường giám sát chuyên đề về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT; đề nghị Chính phủ đánh giá, hoàn thiện phương thức thi THPT cùng với việc bảo đảm cơ sở vật chất, công tác thanh tra, kiểm tra tổ chức kỳ thi THPT tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, hiệu quả.

Còn kiến nghị sửa Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 thì sao, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga: Trong việc tổ chức thực hiện Luật Giáo dục 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học 2018, cũng đã có một số ý kiến đề xuất chỉnh lý, hoàn chỉnh một số điều. Đặc biệt là các đề nghị tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy thực hiện tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. 

Tôi đánh giá cao các ý kiến góp ý với tinh thần xây dựng nhằm hoàn thiện thể chế giáo dục. Trong thời gian tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ tiếp tục giám sát thường xuyên việc triển khai thi hành Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tổng kết, đánh giá đánh giá đầy đủ kết quả, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện, mới có cơ sở để đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung.

Lê Huyền (thực hiện)

Báo cáo gửi Quốc hội: Lo ngại sức khỏe học sinh khi học trực tuyến

Báo cáo gửi Quốc hội: Lo ngại sức khỏe học sinh khi học trực tuyến

Theo Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học như trực tuyến, dạy học qua truyền hình,… tạo nhiều áp lực cho giáo viên. Trong khi đó, phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy học, sức khỏe của học sinh.