Trang RT dẫn nguồn tin chính phủ chuyển tiếp ở Kiev cho biết, Ukraina sẽ rời Cộng đồng các quốc gia độc lập, buộc người Nga phải nộp đơn xin thị thực và có kế hoạch kiến nghị Liên Hợp Quốc (LHQ) coi Crưm là khu vực phi quân sự.
Ukraina đã đưa ra một loạt biện pháp trên nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập Crưm vào lãnh thổ nước này sau cuộc trưng cầu dân ý hôm chủ nhật tuần trước, người đứng đầu Hội đồng an ninh và quốc phòng Ukraina Andrey Parubiy tuyên bố tại một cuộc họp báo ngắn ở Kiev.
Ukraina sẽ đề nghị LHQ tuyên bố Crưm là khu vực phi quân sự |
Theo BBC, quan chức này cũng cho biết, Ukraina đang vạch kế hoạch rút binh sĩ và người thân của họ khỏi Crưm một cách "nhanh chóng và hiệu quả". Trước đó, lực lượng ủng hộ người Nga đã chiếm hai căn cứ hải quân - gồm cả trụ sở chính của hải quân Ukraina ở Crưm. Kiev cho biết, chỉ huy hải quân cũng bị bắt.
Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) được thành lập để duy trì mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa các nước cộng hòa Xô viết cũ khi các nước trở thành các quốc gia độc lập năm 1991. Ban đầu, nó gồm 12 nước không ở Baltic, dù Grudia rời khỏi CIS sau cuộc xung đột Ossetia năm 2008.
Năm nay, Ukraina được giao chức Chủ tịch luân phiên của CIS song hiện giờ nước này tuyên bố sẽ không đảm đương nghĩa vụ của mình. "Chúng tôi quyết định không chỉ từ bỏ chức chủ tịch mà còn khởi động tiến trình rời khỏi khối này", ông Parubiy tuyên bố trước các phóng viên.
Parubiy nói, Ukraina sẽ đề nghị LHQ tuyên bố Crưm là khu vực phi quân sự sau khi thông báo quân Nga đã chiếm vùng này sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị lật đổ.
Các khu vực phi quân sự được LHQ công nhận hiện tồn tại giữa Kosovo và Serbia, Hàn Quốc và Triều Tiên cũng như các khu vực quanh Israel.
Ukraina sẽ tạo điều kiện những người muốn rời Crưm một cơ hội để rời khỏi nơi này. "Nội các đã chỉ thị lập kế hoạch sơ tán những ai không muốn ở lại vùng đất bị chiếm đóng", Parubiy nói.
Ukraina sẽ áp dụng chế độ thị thực với người Nga. "Trong vài giờ tới, chúng tôi sẽ đưa ra một cơ chế để chỉ có người Nga có hộ chiếu mới có thể vào Ukraina, cho tới khi thị thực chính thức được cấp", ông Parubiy nói.
Bộ Ngoại giao Nga cho hay, nước này sẽ không ban bố cơ chế thị thực cho tới khi biết những thay đổi thị thực mà Kiev đề xuất, các nguồn tin ở Bộ Ngoại giao Nga thông báo với hãng tin RIA Novosti.
Tổng thống tạm quyền của Ukraine ra thời hạn đòi Crưm trao trả Tư lệnh hải quân nước này, nếu không Nga sẽ phải đối mặt với "đòn đáp trả tương ứng".
Hoài Linh