Để ngăn chặn tình trạng các chiến binh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) phá hoại các di sản văn hóa hàng ngàn năm tuổi ở Syria và Iraq, Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đang tiến hành từng bước ký kết hợp đồng sử dụng vệ tinh theo dõi. Đồng thời, UNESCO cũng tham khảo phương cách bảo tồn di sản bằng tia bức xạ của Viện Nghiên cứu vật lý ứng dụng và tự động hóa (NITFA), thuộc Công ty Rosatom của Nga.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng The Guardian của Anh, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã tiết lộ rằng, UNESCO đang tiến hành các bước để ký kết hợp đồng sử dụng vệ tinh theo dõi các di tích văn hóa cổ tại Syria, Iraq, Yemen và Libya. Đây là một phần trong chiến dịch mà bà Irina Bokova gọi là "chống thanh trừng văn hóa" nhằm ngăn chặn IS phá hủy các di sản văn hóa của nhân loại.

Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định, các hình ảnh chụp từ vệ tinh với độ phân giải cao sẽ cho thấy các hành vi phá hoại của IS tại các di tích cổ rồi từ đó giúp tạo lập dữ liệu để Interpol vào cuộc điều tra, truy lùng, thậm chí bắt giữ những kẻ phá hoại di tích cổ. Chưa hết, cơ sở dữ liệu thu được qua vệ tinh cũng có thể được coi là bằng chứng cụ thể về mức độ tàn phá và cướp bóc của IS để đưa những thủ phạm này ra trước Tòa án Hình sự quốc tế.

Minh họa cho những tuyên bố của mình, bà Irina Bokova đã kể về những việc mà UNESCO làm được để bảo tồn di sản văn hóa ở Afghanistan trong thời kỳ xảy ra chiến tranh cách đây hơn 10 năm.

Cũng theo lời của Tổng Giám đốc UNESCO thì Cơ quan khảo sát địa hình của Mỹ (USGS) sẽ phối hợp với UNESCO để xây dựng tập bản đồ di sản thế giới mới. Tập bản đồ này có hình ảnh vệ tinh của các di sản thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là những di sản nằm ở Syria, Iraq, Yemen và Libya. Nhiều nước thành viên không thể tiếp cận công nghệ mới nhất để quan sát và đánh giá các mối đe dọa đang nổi lên với di sản để có biện pháp xử lý thích hợp.

{keywords}

Khu mộ cổ ở thị trấn sa mạc Palmyra, Syria cũng đã bị IS xâm hại và phá hủy.

Đồng thời, UNESCO sẽ cùng với Cơ quan vũ trụ Ấn Độ ký kết Hiệp định sử dụng thiết bị vệ tinh quan sát có tên Daichi. Từ năm 2008, thiết bị này được sử dụng để thực hiện công việc theo dõi 10 di sản văn hóa, tự nhiên như đền Angkor Wat tại Campuchia, Machu Picchu ở Peru, dãy núi Shirakami, bán đảo Shiretoko và đảo Yakushima tại Nhật Bản… Nhưng nay thiết bị này có thêm nhiệm vụ là theo dõi các di sản văn hóa ở Iraq.

Vệ tinh Daichi có khả năng quan sát với độ chính xác cao ngay cả khi qua mây hay lúc trời tối. Thiết bị này cũng từng sao chụp được những bức ảnh tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và các khu vực bị chặt đốn rừng bất hợp pháp với độ chính xác cao.

Được biết, hồi cuối tháng 6 vừa qua, Ủy ban di sản thuộc UNESCO đã thông qua tuyên bố Bonn về bảo vệ di sản văn hóa thế giới, đặc biệt là tại các khu vực bị đe dọa bởi các phần tử cực đoan và tội phạm. Trước đó, bà Irina Bokova cũng đã yêu cầu các lực lượng gìn giữ hòa bình phải bảo vệ các di sản văn hóa ở Iraq, Syria, đồng thời truy tố những kẻ phá hoại di sản lịch sử.

Tổng Giám đốc UNESCO còn đang khuyến khích Tòa án Hình sự quốc tế mở các cuộc điều tra về tình trạng phá hủy di sản văn hóa và Liên Hiệp Quốc triển khai các biện pháp nhằm cắt đứt nguồn tài chính mà IS thu được từ việc buôn bán lậu cổ vật. UNESCO cũng đã ban hành lệnh cấm bán cổ vật nhập từ Syria, trong khi lệnh cấm bán cổ vật từ Iraq, kéo dài 10 năm, vẫn giữ nguyên hiệu lực.

Báo cáo của UNESCO công bố mới đây cho hay, ít nhất 300 di sản văn hóa của Syria đã bị phá hủy, trong đó có 24 địa điểm bị biến mất hoàn toàn, 190 di sản bị phá nghiêm trọng và gần 80 di sản khác đang có nguy cơ bị tấn công bất cứ lúc nào... Hàng chục ngàn hiện vật lịch sử trải dài 10.000 năm ở các bảo tàng ở Syria cũng đã bị loại bỏ. Nhà thờ Hồi giáo Umayyad ở thành phố Aleppo với di tích cổ kính nhất là tòa tháp có chiều cao 45m được xây dựng vào thế kỷ XI cùng khu phố cổ ở phía tây nam thành phố đã bị phá hủy. Đây là một tổn thất không thể bù đắp đối với nền văn hóa của nhân loại vì các di sản của Syria là những minh chứng vĩ đại cho đế chế Trung Đông tiêu biểu như khu mộ cổ ở thị trấn sa mạc Palmyra và một số đền thờ La Mã…

Trong khi đó, Viện nghiên cứu và đào tạo Liên Hiệp Quốc (UNITAR) cho hay, mức độ hư hại của 6 di sản được công nhận là Di sản thế giới ở Syria là vô cùng nghiêm trọng trong đó có thành cổ Damascus, vốn có người ở từ cách đây 4.000 năm; pháo đài Qal'at al-Hosn, nhà hát Bosra…

Nhưng kinh hoàng nhất vẫn là sự tàn phá của IS đối với cổ vật ở Iraq, nhất là thành phố cổ Nimrud ở phía bắc nước này; những bức tường thành Nineveh của người Assyria ở tỉnh Mosul có niên đại khoảng năm 700 trước Công nguyên, được xây dựng vào lúc nền văn minh cổ đại của người Assyria phát triển hưng thịnh ở Iraq; lăng mộ của Jonah, người được cả Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo tôn kính gọi là nhà tiên tri; hơn 20 đền thờ của người Hồi giáo dòng Shiite và các tác phẩm điêu khắc, các tấm phù điêu, các bức tường hoa văn cổ đại, các phiến đá có niên đại 3.000 năm tuổi… thuộc nền văn minh cổ đại Assyria.

{keywords}

Rất nhiều cổ vật ngàn năm tuổi của Syria đã bị IS phá hủy.

Chính phủ Iraq đã kêu gọi lực lượng liên quân chống IS do Mỹ dẫn đầu sử dụng sức mạnh không quân để bảo vệ các cổ vật vô giá này. Các nước Arập thì phát động chiến dịch mang tên "Đoàn kết vì di sản" với sự trợ giúp của UNESCO. Một trong những biện pháp được các nước này áp dụng nghiêm ngặt là việc hạn chế buôn lậu cổ vật.

Song song với việc này, UNESCO cũng đang lên kế hoạch trùng tu lại một số di tích cổ tại thành phố Aleppo của Syria và một số nơi ở Iraq. Hiện một đoàn chuyên gia của UNESCO đang nghiên cứu công nghệ bức xạ ion của Viện nghiên cứu vật lý ứng dụng và tự động hóa (NITFA) thuộc Công ty Rosatom của Nga. Các thí nghiệm trước đó của NITFA cho thấy, chiếu xạ mức 15 kilogray có thể đủ làm sạch mốc trên giấy.

Trong khi đó, vi sinh vật, nấm mốc và côn trùng là một trong những yếu tố gây hại nghiêm trọng tới các di sản văn hóa như sách, các bức họa cổ và những phương pháp thường được sử dụng nhất là: xử lí hóa chất, duy trì nhiệt độ bảo quản, và bọc bảo vệ ngoài không thể đảm bảo hiệu quả bảo vệ lâu dài.

Hơn nữa, NITFA lại sử dụng đồng vị cobalt - 60 để bảo tồn các di sản văn hóa. Công nghệ này an toàn bởi không có bức xạ còn tồn dư sau khi chiếu xạ, hay nói cách khác người ta có thể cầm ngay trên tay cuốn sách vừa được chiếu xạ xong.

Theo Quỹ di sản