TS. Nguyễn Tuấn Hoa, đại diện Nhóm chuyên gia Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam đã chia sẻ một số thông tin về những mô hình đó.

Hệ thống giám sát xả thải và tự động cập nhật bản đồ môi trường

Theo TS. Nguyễn Tuấn Hoa, thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai hệ thống giám sát xả thải từ các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các khu đô thị và tự động cập nhật bản đồ môi trường của thành phố.

Đối với các doanh nghiệp, phạm vi thí điểm là các doanh nghiệp trong danh sách phải kiểm kê khí nhà kính nhằm đáp ứng những quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, các thiết bị IoT (Internet kết nối vạn vật) chuyên dụng tự động đã được gắn tại từng doanh nghiệp để đo các thông số phát thải khí nhà kính.

Đối với các khu công nghiệp, hệ thống được triển khai thí điểm với các khu công nghiệp thải nhiều chất thải nhất trong thành phố. Thiết bị IoT chuyên dụng được gắn để tự động đo các thông số phát thải khí nhà kính tại cửa phát thải của từng khu công nghiệp.

anh bai 8.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai hệ thống giám sát xả thải từ các doanh nghiệp, các khu công nghiệp, các khu đô thị và tự động cập nhật bản đồ môi trường của thành phố.

Đối với các khu phố, thí điểm với các khu phố xả chất thải sinh hoạt nhiều nhất thành phố. Các thiết bị IoT được gắn tại các điểm tập kết rác và các xe chở rác để tự động thu thập dữ liệu của điểm tập kết rác và đo khối lượng rác.

Tất cả các dữ liệu thu thập được sẽ được tự động xử lý và cập nhật lên bản đồ môi trường thành phố. Bước này mang tính khởi động nhằm nhận diện các đối tượng và trạng thái phát thải của thành phố dựa trên ứng dụng công nghệ số.

Bước phát triển tiếp theo sẽ triển khai các quy trình tuần hoàn hóa, tái chế, xử lý rác thải biến chúng thành các sản phẩm khác (năng lượng, phân bón, gạch block…), vừa mang lại giá trị gia tăng vừa giảm ô nhiễm môi trường, tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao năng lực “cạnh tranh xanh” và tham gia thị trường carbon toàn cầu.

Hệ thống tuần hoàn nước trong nuôi thủy sản

Nước trong hồ nuôi thủy sản thường bị ô nhiễm bởi chất thải của vật nuôi và thức ăn thừa tạo ra. Thực tế cho thấy không thể thường xuyên thay toàn bộ lượng nước trong hồ. Vì vậy, cần có giải pháp xử lý, tái sử dụng nước theo một vòng tuần hoàn khép kín.

Mô hình “sông trong ao” và tuần hoàn nước của cố GS. Nguyễn Quang Thạch tại Hưng Yên đã góp phần cải thiện hiện trạng nêu trên.

Theo mô hình này, nước trong ao nuôi được xử lý lần lượt qua 3 bể lắng: Bể lắng cơ học thu gom thức ăn thừa và chất thải chuyển sang hệ thống xử lý, sản xuất phân bón hữu cơ. Sau đó, nước được chuyển sang bể lắng hóa - lý nơi kết tủa, lọc nước và làm sạch. Cuối cùng là bể lắng sinh học, nơi thực hiện cân bằng các thành phần sinh học trong nước dưới

tác động của các nhóm vi sinh vật được chọn lọc: cân bằng pH, oxy hòa tan, khoáng... Và rồi nước được bơm lại hồ nuôi thủy sản (tôm, cá…).

Toàn bộ quá trình được thực hiện tự động nhờ áp dụng hệ thống thông minh hoá quy trình.

Mô hình này cũng có thể áp dụng cho các cơ sở chế biến thủy sản hay chế biến thực phẩm nhằm tuần hoàn nước và biến chất thải thành phân bón hữu cơ. 

Hệ thống tuần hoàn năng lượng tái tạo

Mạng lưới lò sấy nông sản đốt bằng nguyên liệu hữu cơ (cánh, lá tỉa, lá rụng, rác hữu cơ các loại,…) có tác dụng không khói, không gây ô nhiễm môi trường, giá thành rẻ hơn ít nhất 4 lần so với sử dụng nguồn năng lượng khác để sấy nông sản.

Mô hình này tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là người dân ở các vùng nguyên liệu (đồi chè, đồi sắn, vùng lúa, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc ít người). 

Hệ thống tuần hoàn năng lượng tái tạo nêu trên được xem như một giải pháp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và dễ triển khai. 

Mô hình đang được triển khai tại Thái Nguyên (để sấy chè) và một vài địa phương khác. Sắp tới sẽ lan rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung bộ… vì tính hiệu quả về nhiều mặt.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV