Mười năm trở lại đây, tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh chóng và trở thành hình mẫu về sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, điểm sáng trong huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng, đẩy mạnh công nghiệp hoá và đô thị hoá.

Nỗ lực vượt bậc là động lực, nguồn cảm hứng to lớn, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng phát triển trong mỗi người dân để Quảng Ninh tiếp tục lập nên những dấu mốc tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Đặc biệt, với thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh tích cực đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo nền tảng xây dựng và phát triển thương mại điện tử cho ngành thủy sản. 

quảng ninh nuôi trồng.jpeg
Quảng Ninh có lợi thế về đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Hoạt động khuyến ngư của tỉnh tập trung chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, bước đầu góp phần thay đổi tư duy của ngư dân từ khai thác, nuôi trồng truyền thống sang kinh tế ngư nghiệp. 

Nhiều tiến bộ, công nghệ đã được nghiên cứu áp dụng, như: Công nghệ nuôi siêu thâm canh mật độ cao, công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; quy trình nuôi tôm thâm canh tuần hoàn 2, 3 giai đoạn ít thay nước; quy trình nuôi tôm dựa trên công nghệ copefloc, biofloc; nuôi tôm sạch 5C. Hay mô hình nuôi cá lồng trên biển, kết hợp ứng dụng công nghệ thông minh để giám sát và điều khiển các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, ôxy hòa tan, thức ăn, sự phát triển của cá...; giúp tăng năng suất cá nuôi, giảm tỷ lệ chết, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.

Việc ứng dụng các mô hình nuôi biển tập trung theo hướng công nghiệp, hiện đại, ứng dụng vật liệu thân thiện môi trường như mô hình lồng tròn của Na Uy; các mô hình nuôi hàu Thái Bình Dương theo công nghệ của Nhật Bản, Úc cho năng suất và chất lượng cao. 

Ở phường Trưng Vương, TP Uông Bí, hộ kinh doanh anh Lê Đức Mạnh đang đẩy mạnh triển khai dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô lớn. Đây là dự án có mức đầu từ lớn trên 100 tỷ đồng, được kỳ vọng là mô hình nuôi tôm ao lớn cho sản lượng, giá trị cao khi công nghệ nuôi của dự án có hàm lượng khoa học công nghệ lớn, là công nghệ nuôi ao lót bạt linh động và nuôi theo 3 giai đoạn. Đến thời điểm này, dự án đã đạt 80% khối lượng xây lắp, có thể thả nuôi những ao tôm đầu tiên vào tháng 12 năm nay, thả nuôi toàn phần vào năm 2025.

W-IMG_20230525_165314~2.jpg
Nhiều mô hình nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế lớn. 

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất thủy sản cần nguồn lực đầu tư lớn nên bước đầu các hợp tác xã, trang trại nuôi lớn có thể liên kết với các doanh nghiệp lớn về nuôi trồng thủy sản trong cả nước. 

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng việc ứng dụng khoa học công nghệ phải thân thiện với môi trường, chuyển từ phao nổi bằng xốp sang phao nổi và lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE. Đặc biệt, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi biển, bằng nhựa HDPE còn thân thiện với môi trường, hạn chế ảnh hưởng tới môi trường nước, con giống sinh trưởng khỏe mạnh. Khi tích hợp với các ứng dụng khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ người nuôi một cách tốt nhất.

Điển hình như Công ty cổ phần Tập đoàn STP Group đầu tư toàn bộ hạ tầng cơ sở vật chất bằng vật liệu công nghệ HDPE an toàn cho môi trường và hệ sinh thái nuôi biển. Doanh nghiệp đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay trong nuôi trồng thủy sản, sau đó liên kết với các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản của huyện Vân Đồn để vừa lan tỏa mô hình nuôi xen canh, phát triển rong sụn và tạo sinh kế cho bà con địa phương đã mang lại hiệu quả rất khả quan. 

TP Cẩm Phả là địa phương chú trọng đến đầu tư, chuyển giao khoa học và công nghệ trong nuôi trồng thủy hải sản. Những năm qua, thành phố tập trung thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao, vật liệu nổi thân thiện môi trường, doanh nghiệp chuyển đổi số để nuôi trồng thủy sản.

Trong quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, TP Cẩm Phả dành trên 1.433ha để thu hút đầu tư ở các phường Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung. Đối với khu vực này, thành phố ưu tiên thu hút các dự án áp dụng khoa học công nghệ, sử dụng công nghệ cao để nuôi khép kín, sử dụng vật liệu nổi thân thiện môi trường, doanh nghiệp chuyển đổi số để nuôi trồng thủy sản.

Tại Hợp tác xã Nuôi thủy sản và xuất nhập khẩu Hướng Dương (TP Cẩm Phả) nuôi cá ở khu vực hòn Ông Cụ, phường Cẩm Đông do anh Đỗ Như Hạo làm giám đốc hiện đang áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi biển theo hướng tự động hóa từ khâu quản lý đến chăm sóc. Hộ nuôi được hướng đến đăng ký cấp mã cho vùng nuôi cá biển và cũng quy gọn được đầu mối sản xuất để tạo ra sản lượng nuôi trồng lớn để phục vụ xuất khẩu và nội tiêu. Anh Hạo khẳng định, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong hoạt động nuôi trồng thủy sản góp phần giảm sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước, thức ăn, thân thiện với môi trường...

Tháng 4/2024, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã cấp phép nuôi trồng thủy sản cho 6 hợp tác xã, doanh nghiệp. Đây đều là những đơn vị có công nghệ hiện đại, tiên tiến. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi tiên tiến, tiết kiệm nước và thức ăn, giảm sử dụng kháng sinh cho các hộ nuôi. Tăng cường chuyển giao công nghệ mới vào sản xuất và thúc đẩy tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế, liên kết trong chuyển giao công nghệ.

Trong quy hoạch, phát triển nuôi trồng thủy sản, tỉnh sẽ những cơ chế, chính sách để khuyến khích, thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã có tiềm lực kinh tế và công nghệ đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống, nuôi biển quy mô lớn, công nghệ cao. Qua đó, để khoa học công nghệ thực sự là bệ đỡ cho ngành thủy sản phát triển mạnh mẽ. 

Đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng đa lợi ích; phát triển khai thác và nuôi trông thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững. Khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển. Ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biển sâu, bảo quản sau thu hoạch... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển. 

Quỳnh Nga