Các chất thải rắn y tế bao gồm chất thải nguy hại và không nguy hại đều được thực hiện thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý theo đúng quy định của Luật Môi trường năm 2020, Thông tư 20/2021 của Bộ Y tế và Thông tư 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bệnh viện tổ chức tập huấn, đánh giá về công tác quản lý chất thải bệnh viện hàng năm. Cán bộ chuyên trách về quản lý chất thải được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

chat thai.png
Chất thải y tế phải được phân loại ngay từ ban đầu. Ảnh: Hà My.

Nguồn nước thải phát sinh từ khu vực rửa dụng cụ, khu phẫu thuật, điều trị, xét nghiệm, giặt giũ, nhà vệ sinh hàng ngày của bệnh viện rất lớn. Nếu nước thải từ bệnh viện không xử lý triệt để xả ra môi trường sẽ ảnh hưởng tới môi trường xung quanh có thể gây dịch bệnh, sức khỏe con người và hệ sinh thái động, thực vật. 
Vì vậy, ngay từ khi xây dựng, bệnh viện đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn công nghệ hiện đại nhất với công suất 1.500m3/ngày đêm.

Kỹ sư Đinh Công Bằng -Phòng Hành chính quản trị Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hệ thống nước thải này đảm bảo hoạt động đủ công suất cho công tác khám chữa bệnh, sinh hoạt của bệnh nhân, người nhà và cán bộ công nhân viên trong bệnh viện.

Theo kỹ sư Bằng, hệ thống xử lý nước thải này hoạt động theo phương pháp xử lý sinh học dạng hợp khối AAO sử dụng bùn hoạt tính kỵ khí, thiếu khí và hiếu khí kết hợp với phương pháp lọc màng MBR. Nước thải sau khi xử lý đạt mức A theo Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về nước thải y tế QCVN 28:2010/BTNMT.

Xử lý nước thải trước hết nhằm loại bỏ, triệt tiêu các yếu tố độc hại, loại bỏ các tạp chất đồng thời loại trừ khả năng gây bệnh của các loài vi sinh như giun sán, ký sinh trùng, virus, và các vi khuẩn khác. Các chất hữu cơ dễ phân hủy, kim loại nặng đều được loại bỏ.

Việc xử lý nguồn nước đạt chuẩn này đã ngăn ngừa được các sự cố về môi trường xung quanh bệnh viện, giảm thiểu chi phí đầu tư. Nước thải sau khi được xử lý đúng quy trình được tăng tái sử dụng. Hiện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố dùng nước qua xử lý để tưới cây. Tại hồ số 8 trong khuôn viên được sử dụng nuôi cá kết hợp cây thủy sinh như sen, chuối nước. Nước còn dùng pha hóa chất phục vụ vận hành trạm xử lý nước thải. Nguồn nước này cũng góp phần tích cực và công tác bảo vệ môi trường.

Quy trình xử lý nước thải bao gồm các bước chính sau:

Bước 1: Sử dụng phương pháp cơ học loại bỏ dầu mỡ, rác và tạp chất có kích thước lớn trong nước thải.

Bước 2: Sử dụng phương pháp phân hủy sinh học kỵ khí, thiếu khí và hiếu khí để loại bỏ các chất hữu cơ có trong nước thải.

Quá trình kỵ khí, thiếu khí: nhằm mục đích khử P-PO43-, N-NO3– có trong nước thải;

Quá trình hiếu khí: nhằm mục đích khử COD; BOD5; N-NH4+,… có trong nước thải.

Bước 3: Lọc qua màng lọc MBR, tăng hiệu quả xử lý sinh học do mật độ vi sinh cao, lọc một phần vi trùng gây bệnh và hầu hết cặn SS.

Bước 4: Khử trùng nước để tiêu diệt hoàn toàn các vi trùng gây bệnh trước khi xả nước thải ra môi trường.

Ngoài ra, những năm gần đây, Bệnh viện Nhi đồng thành phố còn tích cực đẩy mạnh kế hoạch “Chống rác thải nhựa” trong bệnh viện. Toàn bộ các hoạt động như cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn không sử dụng các loại đồ nhựa, chai nước nhựa. Bệnh viện tuyên truyền các hoạt động sử dụng các vật dụng, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất…, thay thế bằng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng. 

Bệnh viện cũng tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, nhân viên vệ sinh những kiến thức về thu gom, phân loại, xử lý chất thải, tác hại của rác thải nhựa và túi nilon sử dụng một lần.

Hà My