Vài lần trong năm ngoái, nhiều phụ huynh, giáo viên và cảnh sát của hai thành phố Cloquet và Esko tin rằng con họ sắp bị sát hại trong lớp học. Các cuộc gọi bắt đầu vào mùa xuân với hai lời đe dọa đánh bom. Đầu tiên, một người đàn ông tuyên bố đã nhìn thấy một chiếc ba lô đáng ngờ với dây nổ chậm thò ra ngoài xuất hiện ở trường trung học Cloquet và Esko. Vào tháng 7, anh ta gọi lại lần nữa, lần này báo cáo về một quả bom trong ba lô màu đỏ tại trường Cao đẳng cộng đồng và bộ lạc Fond du Lac, theo hồ sơ của cảnh sát. Sau đó, vào tháng 9, cùng một người đàn ông có giọng Trung Đông đặc sệt, báo cáo rằng hai tay súng cầm AK-47 đã giết 10 người tại trường trung học Cloquet.
Tất cả những cuộc gọi này đều là trò lừa bịp. Theo Derrick Randall - Cảnh sát trưởng thành phố Cloquet, mỗi lần xảy ra vụ việc, bộ phận điều tra đều “bó tay”.
Theo Sở An toàn Công cộng Minnesota, ít nhất 26 trường học ở bang này đã nhận được báo cáo giả về các mối đe dọa đánh bom hoặc vụ xả súng từ cùng một cá nhân hoặc một nhóm. Đây là một trong hàng loạt cuộc gọi giả đang diễn ra mà phía cảnh sát cho rằng có thể đến từ nước ngoài, khiến cho nhiều trường học bị phong tỏa.
Đầu tháng 10, cảnh sát đã theo dõi hơn 90 báo cáo giả về xả súng nhằm vào các trường học ở 16 bang trên khắp nước Mỹ và phát hiện ra rằng con số cuộc gọi giả có thể cao hơn.
Hayley Katchenske đảm nhiệm công việc gửi tin nhắn cho phụ huynh khi có trường hợp khẩn cấp tại Trường Công lập Cloquet cho biết: “Sự thất vọng lớn nhất của các bậc cha mẹ là tại sao không ai có thể làm gì để ngăn chặn nó. Tại sao nó lại xảy ra với chúng tôi, tại sao điều này không thể điều tra, và tại sao nó vẫn tiếp diễn?".
Cơ quan thực thi pháp luật đang rốt ráo điều tra để trả lời những câu hỏi này. Họ tin rằng đã biết cách thức những kẻ khủng bố thực hiện những cuộc gọi giả nguy hiểm này, nhưng vẫn chưa phát hiện ra ai đứng sau và quan trọng là tại sao chúng lại thực hiện hành vi đó?
Những cuộc gọi ẩn danh sử dụng công nghệ VoIP
Theo hồ sơ hồi đầu tháng 10 mà FBI gửi tới các trường học ở New York, đối tượng gọi điện khủng bố là một nam giới có giọng lơ lớ tiếng Trung Đông hoặc châu Phi. Cơ quan điều tra ở một số bang ghi nhận rằng các cuộc gọi dường như từ quốc tế, có thể ở Ethiopia và sử dụng công nghệ VoIP gọi điện một cách có hệ thống nhằm đe dọa khủng bố trường học.
Sáu số điện thoại gọi khủng bố gần đây bị phát hiện sử dụng dịch vụ có tên TextNow, một nền tảng cho phép người dùng thực hiện cuộc gọi ẩn danh bằng số điện thoại của Mỹ. Không giống như dịch vụ điện thoại truyền thống phải có thẻ tín dụng và địa chỉ cụ thể để đăng ký dịch vụ, TextNow chỉ cần địa chỉ email để bắt đầu thực hiện cuộc gọi. Điều này hạn chế đáng kể thông tin mà công ty có thể cung cấp cho cơ quan điều tra.
Cũng trong hồ sơ của FBI, TextNow đã cung cấp cho phía cảnh sát thông tin về người đăng ký. Đáng chú ý, có một tài khoản email dùng TextNow thực hiện nhiều cuộc gọi giả mạo đến tổng đài cảnh sát 911 thông qua Công ty Viễn thông Ethiopia, thuộc sở hữu của chính phủ Ethiopia.
Nick de Pass - người đại diện phát ngôn của TextNow từ chối bình luận về các cuộc điều tra khủng bố gọi điện. Ông cho biết, công ty đã cấm những tài khoản gọi điện khủng bố và cấm người dùng Ethiopia. “Chúng tôi đã thêm Ethiopia vào danh sách các quốc gia không được hỗ trợ trên nền tảng TextNow, có nghĩa là tất cả cuộc gọi và nhắn tin từ quốc gia này đã bị cấm khỏi dịch vụ của chúng tôi”, ông Pass nói.
Tuy nhiên, người gọi TextNow bằng địa chỉ IP Ethiopia không có nghĩa là họ đang ở Ethiopia. James Turgal - Cựu trợ lý Giám đốc điều hành Công nghệ và Thông tin FBI, hiện là Phó Chủ tịch chiến lược và rủi ro mạng tại Optiv Security cho biết, địa chỉ IP không phải chứng cứ đáng tin cậy. Ông chỉ ra rằng nếu người gọi đang sử dụng VPN hoặc Tor, thì địa chỉ IP Ethiopia mà TextNow cung cấp cho FBI có thể không phải là nguồn gốc của cuộc gọi. “Có những cơ chế điều tra xem người gọi có đang sử dụng VPN hay không nhưng tốn nhiều công sức, thời gian”, Turgal nói.
Cảnh sát đã sử dụng chính dịch vụ TextNow để liên hệ với 6 số liên quan đến các cuộc gọi khủng bố gần đây và đều nhận được hộp thư thoại. Họ cố gắng nhắn tin cho từng số nhiều lần để hỏi xem động cơ thực hiện các cuộc gọi giả mạo khủng bố. Ngày 14/10, 1 trong 6 số điện thoại trên đã phản hồi bằng tin nhắn với nội dung “Bạn đang ở trên đất nước Mỹ”, một phút sau thêm tin nhắn “F**k you, F**k you”. Tin nhắn phản hồi này gửi vào sáng cùng ngày với vụ 8 quận ở New Jersey bị gọi điện đe dọa khủng bố. Ngày 20/10, một số điện thoại khác trong 6 số bị điều tra cũng trả lời với cùng nội dung tin nhắn. Trước đó, ít nhất 14 trường học ở Wisconsin bị gọi điện khủng bố.
Chưa rõ động cơ
Không có bằng chứng rõ ràng về động cơ, cơ quan điều tra nghi ngờ có thể liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Theo các quan chức ở Cloquet, những cuộc tấn công có thể liên quan đến vấn đề ô nhiễm do nhà máy giấy của thị trấn hoặc các đập thủy điện gần đó. Một cảnh sát cho rằng người Nga có thể đứng sau sự việc, giống như các cuộc gọi giả của Nga đe dọa đánh bom nhằm vào trường học và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine hồi tháng 2 năm nay.
Theo các công tố viên liên bang, luật chưa quy định một cá nhân gọi điện đe dọa sẽ bị xét vào “hành động khủng bố” nhưng người gọi điện đe dọa sẽ phải đối mặt với tội danh khác và chịu sự điều tra trực tiếp của FBI.
Anthony Mattivi, một cựu công tố viên liên bang, người từng là điều phối viên chống khủng bố và an ninh quốc gia cho quận Kansas nói rằng, đối với một người bị buộc tội liên quan đến khủng bố phải có cá nhân hoặc nhóm đứng sau nhận trách nhiệm như Al-Shabbab hoặc ISIL, hoặc phải chỉ ra động cơ chính trị rõ ràng. Mattivi nói: “Tôi chưa nghe thấy bất cứ điều gì liên quan đến yếu tố chính trị trong các cuộc gọi đe dọa vừa qua”.
Mattivi cho biết, nếu cuộc điều tra hiện tại chuyển thành điều tra về khủng bố hoặc an ninh quốc gia thì FBI có thể sử dụng kỹ thuật giám sát tiên tiến hơn, giúp truy tìm nguồn gốc của các cuộc gọi giả mạo.
Tấn An (Theo Wired)