Ứng dụng gọi xe nào có thể cạnh tranh với Grab? |
Năm 2018 được xem là một năm nở rộ của thị trường gọi xe với sự xuất hiện của hàng loạt ứng dụng mới như Fastgo, ABer, Vato, hay đối thủ ngoại Go-Jek (Go-Việt), "be" và mới nhất là Tada.
Các đối thủ của Grab đều đặt những tham vọng lớn khi ra mắt nhưng có không ít ứng dụng đã im ắng và gần như không hoạt động. Nhiều người đặt câu hỏi, các ứng dụng gọi xe hiện nay đang cạnh tranh ra sao trước sự bành trướng của Grab và đâu là đối thủ mạnh của ứng dụng này tại thị trường Việt Nam?
Go-Viet
Từ khi tuyên bố ra mắt tại thị trường Việt Nam, Go-Viet được xem là một đối thủ xứng tầm nhất với Grab khi được hậu thuẫn bởi Go-Jek, đối thủ mạnh của Grab tại thị trường khu vực.
Ứng dụng này ra mắt rầm rộ hồi tháng 8 và cùng Grab tạo nên một cuộc chiến khốc liệt ở thị trường gọi xe khi liên tục chạy đua đốt tiền khuyến mại cho khách hàng, thưởng chuyến để thu hút tài xế với hàng loạt chuyến đi đồng giá. Và Go-Viet đã thu hút một lượng lớn tài xế cũng như khách hàng của đối thủ.
Ngày 21/1, Go-Viet bất ngờ tuyên bố thu chiết khấu với đối tác ở mức 20% trên mỗi chuyến xe. Mức phí dịch vụ này áp dụng cho cả 3 dịch vụ hiện có của Go-Viet là Go-Bike, Go-Send và Go-Food ở cả Hà Nội và TP.HCM. Dù đây động thái này đã gây ra phản ứng khá mạnh từ cộng đồng tài xế nhưng một số ý kiến cho rằng đây là điều đã được dự đoán trước và sẽ vẫn có những tài xế gắn bó với ứng dụng. Câu hỏi đặt ra là khi Go-Viet đã hết những chuyến đi giá rẻ (vốn đã rất quen thuộc kể từ khi ra mắt), khách hàng liệu có còn trung thành hay sẽ chuyển sang ứng dụng khác để được hưởng ưu đãi? Đó là chưa kể đến việc mở rộng các hoạt động của ứng dụng này còn gặp khó với cả ứng dụng Go-Car và Go-Pay.
FastGo
Ứng dụng gọi xe FastGo chính thức ra mắt thị trường tháng 6/2018, không lâu sau thời điểm Uber rút khỏi Việt Nam. FastGo không giấu tham vọng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và có thể đối đầu với Grab.
Nằm trong hệ sinh thái NextTech và nhận được nguồn vốn đầu tư ngay khi vừa hoạt động, FastGo có cả tiềm lực kinh tế và nền tảng công nghệ. Hiện ứng dụng này đã có mặt tại 7 tỉnh, thành với các dịch vụ gồm: FastCar, JustGo, FastTaxi, FastBike. Cuối năm 2018, FastGo đã đánh dấu bước tiến ra thị trường quốc tế khi ra mắt sản phẩm ở Myanmar.
Tuyên bố không thu chiết khấu, không tăng giá và tính đến thời điểm này, FastGo là một trong những ứng dụng gọi xe ổn định nhất trên thị trường và được nhiều tài xế đánh giá cao. Dù vậy, lượng khách hàng biết đến FastGo lại chưa nhiều. Thêm đó, ứng dụng này cung cấp chủ yếu các dịch vụ gọi xe thuần túy, chưa có dịch vụ khác như giao hàng hay giao đồ ăn.
Tân binh “be”
Sinh sau đẻ muộn, “be” là tân binh mới nhất có trên thị trường ứng dụng gọi xe tại Việt Nam. “be” tuyên bố đi một con đường khác ngay từ khi ra mắt, định vị mình là một công ty kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, đồng thời thu chiết khấu tới 25%, ngang với chiết khấu của Grab.
Theo thông tin được tiết lộ, “be” được đầu tư hàng trăm triệu USD trước khi xuất hiện và tự tin đặt mục tiêu có 110.000 tài xế tại Việt Nam vào cuối năm 2019. Ứng dụng này chính thức vận hành vào ngày 17/12 tới với 2 dịch vụ chính là beBike và beCar và sẽ cung cấp dịch vụ giao đồ ăn, giao hàng, thanh toán điện tử và tài chính trong tương lai. Đồng thời không loại trừ khả năng sẽ mở rộng ứng dụng này ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Ứng dụng ngoại Tada
Ứng dụng gọi xe blockchain có trụ sở tại Singapore, vừa tuyên bố có mặt tại Việt Nam vào hôm 21/1/2019, chưa đầy một tuần sau khi khai trương tại Campuchia.
Công ty đặt mục tiêu ra ứng dụng ví điện tử trong nửa đầu năm 2019 cũng như dịch vụ cho thuê xe, dịch vụ tài xế, hợp tác chia sẻ dữ liệu với các doanh nghiệp khác vào cuối năm.
Tada của MVL sử dụng công nghệ blockchain để lưu trữ các hồ sơ như thanh toán, bảo trì xe cộ. Tada nói đã có hơn 27.000 tài xế và 200.000 người dùng tại Singapore từ khi triển khai. Ngoài ra, Tada là ứng dụng gọi xe đầu tiên trên thế giới và cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam hoạt động dưới hình thức không thu phí hoa hồng tài xế trọn đời. Ứng dụng này kỳ vọng có 25.000 tài xế.