- Sau khi báo VietNamNet có loạt bài phản ánh về tình trạng ung thư đáng báo động quanh khu vực mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh), Sở Y tế đã vào cuộc kiểm tra. Tuy nhiên, số liệu quá thấp so với thông tin trước đó chính quyền địa phương và người dân cung cấp.

Sai lệch số liệu?

Nội dung báo cáo của Sở Y tế Hà Tĩnh ngày 26/10/2012 kết luận, từ năm 2008 - tháng 9/2012, số bệnh nhân mắc ung thư còn sống tại xã Thạch Hải: 8, Thạch Khê: 2, Thạch Đỉnh: 0. Đã tử vong vì ung thư tại xã Thạch Hải: 18, Thạch Khê: 20, Thạch Đỉnh: 20.

Tỉ lệ tử vong/1 vạn dân/năm tại Thạch Hải: 10,5; Thạch Khê: 11,5; Thạch Đỉnh: 10,7. Bình quân của 3 xã là 10,9.

Chỉ riêng 2 xóm Đại Hải và Liên Hải, theo báo cáo của các xóm thì trong 10 năm qua đã có tới 56 người mắc bệnh ung thư, tăng mạnh trong thời gian 5 năm trở lại đây.

Báo cáo cũng nêu chỉ sổ ung thư cả nước/1 vạn dân/năm là 10, của tỉnh Hà Tĩnh là 11,1 và đưa ra nhận định, tỉ lệ ung thư tại 3 xã nói trên là tương đương so với cả nước và toàn tỉnh.

Riêng tại xóm Liên Hải của xã Thạch Hải với 460 khẩu, trong 5 năm có 7 trường hợp tử vung do ung thư, cao gấp 3 lần mức trung bình toàn xã.

Về số người đang mắc bệnh của 3 xã trên chiếm tỉ lệ 0,94/1 vạn dân/năm, tỉ lệ của toàn quốc là 1,5. Do đó, không cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Đối chiếu số liệu mà Sở Y tế báo cáo với số liệu mà chính quyền địa phương trước đó đã cung cấp cho PV thì đã có sự chênh lệch lớn. Đặc biệt là tại xã Thạch Hải.

Theo danh sách số người chết vì ung thư mà ông Nguyễn Trung Chiến, Chủ tịch UBND xã Thạch Hải cung cấp trong vòng 10 năm trở lại nay là gần 100 trường hợp (căn cứ văn bản thống kê của các xóm. Số người đang mắc bệnh ung thư là 7. Trong đó, riêng xóm Liên Hải chết 22, đang mắc bệnh là 4.

Trong đó số lượng người mắc bệnh tăng mạnh trong những năm gần đây.

Riêng số liệu mà trạm Y tế Thạch Khê cung cấp về số người đang mắc bệnh ung thư của địa phương này là 5, trong khi đó, Sở Y tế Hà Tĩnh báo cáo chỉ có 2 người.

"Độ đục, hàm lượng sắt vượt mức"

Sau khi lấy 3 mẫu nước sinh hoạt của người dân quanh mỏ sắt kiểm tra, Sở Y tế Hà Tĩnh cũng đã có kết luận: Độ đục từ 3,7 - 14,3 NTU, hàm lượng sắt 0,95 - 1,7 mg/l, trong khi giới hạn tối đa cho phép về độ đục là 5 NTU, hàm lượng sắt là 0,5 mg/l.

Nguồn nước sinh hoạt được xác định có độ đục và hàm lượng sắt vượt mức cho phép. Tuy nhiên, đối với các loại kim loại nặng như Asen, thuỷ ngân (cực độc) thì Sở Y tế Hà Tĩnh không đủ thiết bị để kiểm tra.

"Kết quả xét nghiệm cho thấy độ đục và hàm lượng sắt vượt quá giới hạn cho phép theo quy chuẩn về chất lượng nước ăn uống của Bộ Y tế. Các chỉ số khác trong giới hạn cho phép" - báo cáo nêu.

Báo cáo này cũng trình bày, do điều kiện về phương tiện và thiết bị không đầy đủ nên chưa kiểm tra hàm lượng Asen và thủy ngân trong nguồn nước sinh hoạt của người dân 3 xã Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Khê.

Đoàn khảo sát cũng chưa phát hiện thấy các yếu tố nguy cơ gây ung thư như hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu, ô nhiễm môi trường tại 3 xã đó.

Báo cáo cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo Sở TNMT đánh giá tác động môi trường tại các vùng dân cư quanh mỏ sắt Thạch Khê.

Báo cáo cũng kiến nghị Bộ Y tế và Cục quản lý môi trường y tế giúp đỡ ngành y tế Hà Tĩnh tiến hành xét nghiệm, kiểm tra các chỉ số kim loại nặng Asen, thủy ngân và các yếu tố nguy cơ khác trong nguồn nước sinh hoạt của người dân 3 xã Thạch Hải, Thạch Khê, Thạch Đỉnh, đặc biệt là xóm Liên Hải (Thạch Hải).

Trần Văn - Duy Tuấn