Ủng hộ trao quyền cho phụ nữ
Vào tháng 8, Diễn đàn Doanh nghiệp “Bình đẳng là thịnh vượng” đã được Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam phối hợp tổ chức.
Tại sự kiện, Chủ tịch Unilever Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bích Vân, đã cùng đại diện 20 doanh nghiệp lớn khác tại Việt Nam ký cam kết tuyên bố ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs). Các nguyên tắc này gồm bảy bước mà doanh nghiệp có thể thực hiện, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia đầy đủ vào hoạt động kinh tế thuộc các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ Chủ tịch của Unilever Việt Nam (Ảnh: Unilever Việt Nam) |
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, nữ Chủ tịch của Unilever Việt Nam khẳng định, Unilever mong muốn trở thành một doanh nghiệp hòa nhập để đóng góp vào một thế giới bình đẳng, không phân biệt giới tính, vùng miền, tôn giáo, chủng tộc hay các đặc điểm khác. Ở đó mọi phụ nữ và trẻ em gái đều có thể tạo ra cuộc sống mà mình mong muốn, không bị gò bó bởi những chuẩn mực và định kiến xã hội.
"Tại Việt Nam, chúng tôi không ngừng trao quyền cho phụ nữ trong chuỗi giá trị của mình và sử dụng tiếng nói của các thương hiệu để đưa giá trị này vào toàn xã hội, giúp hàng triệu phụ nữ Việt Nam cải thiện cuộc sống của họ", bà Vân nhấn mạnh.
Với việc ký tuyên bố ủng hộ nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ, Unilever đã khẳng định một lần nữa tầm quan trọng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thực tế, doanh nghiệp này đã thực hiện tốt bình đẳng giới tại nơi làm việc, có số lượng lớn nhân viên là nữ giới.
Công ty đạt những chỉ số ấn tượng về bình đẳng giới. Phó Chủ tịch phụ trách Nhân sự của Unilever Việt Nam, bà Trịnh Mai Phương, cho biết, tại Unilever Việt Nam có tới hơn 52% quản lý là nữ. Doanh nghiệp này cũng là một trong số ít những công ty lớn ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu có chủ tịch là nữ giới.
Không dừng lại ở đó, Unilever Việt Nam đã mở rộng hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong cộng đồng thông qua chuỗi sáng kiến và chương trình xã hội mà trong đó phụ nữ là người hưởng lợi. Từ năm 2007, doanh nghiệp này phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện chương trình nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ thông qua phát triển kinh doanh và giáo dục sức khỏe. Mục tiêu hỗ trợ phụ nữ nghèo ở 63 tỉnh, thành cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cải thiện cuộc sống cho phụ nữ Việt Nam
Một trong những người đã “đổi đời” với sự hỗ trợ từ Unilever Việt Nam là chị Tạ Thị Hợi (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), một lao động thuần nông nay đã trở thành quản lý xưởng sản xuất quế với 50 lao động, có mức thu nhập bình quân trên 6 triệu đồng/người/tháng. Hay như gia đình chị Phùng Thị Phương (xã Kim Lũ, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình), quỹ tài chính vi mô của Unilever đã giúp chị có vốn chăn nuôi bò, tạo thu nhập tốt để chăm lo cho 3 con nhỏ và người chồng bị khuyết tật.
Bà Lê Thị Hồng Nhi, đại diện Unilever Việt Nam (áo dài hồng) nhận kỷ niệm chương của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại lễ trao giải Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 ( Ảnh: Unilever Việt Nam) |
Tiếp nối hành trình vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho phụ nữ, năm 2020, hưởng ứng chương trình “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, Unilever đưa ra sáng kiến phối hợp cùng Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình “Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế”.
Chương trình hướng tới hỗ trợ 2.000 phụ nữ được truyền cảm hứng, 1.000 ý tưởng kinh doanh được kết nối vốn vay tài chính vi mô, gần 1.000 chị em được đào tạo tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, 30 ý tưởng kinh doanh tiêu biểu được trao giải thưởng.
Mới đây, tại lễ trao giải Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức, Unilever đã lựa chọn 2 cá nhân với 2 dự án để hỗ trợ kinh doanh, khởi nghiệp.
Tính đến hết 2019, chương trình hợp tác giữa Unilever Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tiếp cận 3,5 triệu phụ nữ và giúp gần 48.000 hộ gia đình vay vốn để cải thiện đời sống với tổng số vốn vay lên đến hơn 350 tỷ đồng. Tổng giá trị mà doanh nghiệp dành cho các hoạt động trao quyền cho phụ nữ trong 12 năm từ 2007 -2019 là hơn 242 tỷ đồng. |
Ngọc Minh