- "Phần lớn các nước trên thế giới coi việc điều khiển phương tiện trong khi uống rượu bia quá mức cho phép là loại tội phạm, do đó có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm để xử lý (phạt/tịch thu/tù giam) với mức phạt rất nặng".
Giải pháp kiểm soát nồng độ cồn và tịch thu phương tiện đang là tâm điểm chú ý của dư luận. Bài viết của tác giả Trần Hữu Minh phân tích vấn đề từ góc độ chuyên môn nhằm giúp cho quá trình ra quyết định một cách hợp lý nhất.
Nồng độ cồn được kiểm soát nghiêm ngặt
Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ khả năng điều khiển phương tiện suy giảm nhanh chóng khi nồng độ cồn trong máu tăng. Khi mới uống một chút (cỡ khoảng nửa cốc bia hoặc nửa ly rượu vang), khả năng phân tích, phản ứng, xử lý của người điều khiển phương tiện đã bị giảm rất nhanh.
Ở mức 50 mg/100 ml máu các phản ứng cơ bản để điều khiển phương tiện một cách an toàn (duy trì tốc độ, giảm tốc, chuyển hướng) bắt đầu giảm nhanh.
Đặc biệt, khi sử dụng rượu bia, khả năng kiềm chế của người lái giảm, nguy hiểm hơn xuất hiện tâm lý “vẫn có thể lái xe an toàn” trong khi thực tế không phải như vậy.
Tác giả Trần Hữu Minh |
Người có mức cồn 80 mg/100 ml (vẫn hợp pháp tại một số nước như Anh Quốc, Malta, Malaysia, Singapore, và Việt Nam với lái xe ô tô) có xác suất va chạm cao gấp 2.7 lần so với người không uống cồn.
Ở mức cồn 160 mg/100 ml, xác suất này là gần 30 lần, và ở mức 240 mg/100 ml, xác suất va chạm tăng chóng mặt lên tới gần 150 lần so với người không có nồng độ cồn. Xác suất va chạm cụ thể phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi... của người điều khiển phương tiện.
Theo thông tin từ chương trình "Cưỡng chế thực thi luật giao thông đường bộ tại Liên Minh Châu Âu, Ủy ban An toàn giao thông Châu Âu 2011", số người thiệt mạng thực tế do uống rượu bia khi lái xe chưa được thống kê thật chính xác, tuy nhiên những nghiên cứu chuyên sâu cho thấy tỷ lệ này cao hơn nhiều so với con số thống kê của quốc gia.
Tại Pháp con số này có thể lên tới 29%, và 25% tại Hà Lan, và 28% tại Ireland. Trên toàn EU, tỷ lệ này là 25% so với 11,5% thống kê chính thức.
Báo cáo an toàn giao thông thường niên của tổ chức y tế thế giới WHO nhận định năm nguyên nhân cơ bản trực tiếp ảnh hưởng tới an toàn giao thông: Tốc độ, nồng độ cồn, mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn, sử dụng điện thoại khi lái xe.
Trong năm nhân tố này, mũ bảo hiểm và thắt dây an toàn có tác dụng hạn chế ảnh hưởng của va chạm. Ba nhân tố tốc độ, nồng độ cồn quá mức và sử dụng điện thoại là ba nhân tố tiêu cực tác động trực tiếp đến ATGT, trong đó nồng độ cồn quá mức cho phép ngoài ảnh hưởng đến khả năng điều khiển phương tiện, còn có ảnh hưởng đến khả năng kiềm chế, và thường dẫn tới vi phạm về tốc độ.
Bởi vậy, thế giới đều phải kiểm soát nghiêm ngặt nồng độ cồn trong máu. Điều khiển phương tiện khi nồng độ cồn quá mức cho phép được coi là hành vi phạm tội tại phần lớn các quốc gia, được lưu trữ trong hồ sơ quốc gia và bị xử lý rất nặng.
Mức giới hạn là bao nhiêu?
Đương nhiên, trường hợp tốt nhất về mặt an toàn là cấm tuyệt đối không sử dụng rượu bia khi lái xe. Các quốc gia như Cộng hòa Czech, Romania, Hungary và Slovakia đã áp dụng chính sách này. Đức mặc dù áp dụng mức 50 mg nhưng cũng cấm tuyệt đối với những lái xe mới trong vòng 2 năm kể từ khi nhận bằng.
Tuy nhiên, thực tế cuộc sống là người dân vẫn có nhu cầu sử dụng rượu bia một cách hợp lý và nhu cầu này cần được tôn trọng. Ngoài ra một số thực phẩm mà chúng ta ăn, thậm chí nước súc miệng...cũng có nồng độ cồn nhất định.
Chính bởi vậy, phần lớn các quốc gia áp dụng một mức giới hạn, thông thường là từ 20 mg đến 80 mg/100 ml. Mức 50 mg hiện nay được rất nhiều nước tiên tiến áp dụng (Bỉ/Đan Mạch/Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha...), trong khi mức 20 mg chặt chẽ hơn (Thụy Điển/Lavia/Luxembourg).
Đang có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh giải pháp kiểm soát nồng độ cồn và tịch thu phương tiện của Ủy ban ATGT Quốc gia. |
Trong bối cảnh trên của thế giới, việc Việt Nam áp dụng đồng bộ mức 50 mg cho người điều khiển tất cả các loại phương tiện, cấm tuyệt đối nồng độ cồn với lái xe chuyên nghiệp và nghiêm túc thực thi đã là một thành công rất lớn trong lĩnh vực này.
Uống rượu bia lái xe thế giới xử lý thế nào?
Điều khiển phương tiện trong khi uống rượu bia quá mức cho phép là loại vi phạm rất nghiêm trọng vì đã mất kiểm soát với phương tiện, uy hiếp an toàn của người khác, và an toàn của chính bản thân người điều khiển phương tiện. Loại vi phạm này có thể gây nên những hậu quả rất lớn, từ tổn thất về tài sản đến thương vong thậm chí chết người bất cứ lúc nào.
Chính bởi vậy phần lớn các nước trên thế giới coi đây là loại tội phạm, và do đó có thể áp dụng các giải pháp đối với tội phạm để xử lý (phạt/tịch thu/tù giam) với mức phạt rất nặng.
Giải pháp phạt vi phạm nồng độ cồn thường phụ thuộc vào mức độ vi phạm. Mức độ nồng độ cồn thường được đưa vào các nhóm với dải giá trị nhất định, mức độ vi phạm càng lớn thì số lượng hình phạt và mức phạt càng tăng.
Các giải pháp có thể được sử dụng: phạt tiền/phạt điểm trên bằng lái/buộc tham gia chương trình huấn luyện đặc biệt cho người có hành vi lái xe nguy hiểm/treo hoặc tịch thu bằng lái/buộc lắp đặt thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe/tịch thu phương tiện và phạt tù (Theo tài liệu từ chương trình Cưỡng chế thực thi luật giao thông đường bộ tại Liên Minh Châu Âu, Ủy ban An toàn giao thông Châu Âu 2011).
Tại Anh Quốc, nếu bị phát hiện điều khiển phương tiện với nồng độ cồn quá mức cho phép, mức phạt có thể lên tới 6 tháng tù giam, đóng 5000 bảng, và cấm lái xe trong vòng 1 năm.
Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng uống rượu bia lái xe dẫn đến chết người, mức phạt có thể lên tới 14 năm tù giam, phạt tiền không giới hạn (cái mà các công ty bảo hiểm sẽ phải trả), cấm lái xe từ 2 năm đến vĩnh viễn, và phải trải qua một cuộc sát hạch rất nghiêm khắc và chặt chẽ hơn bài kiểm tra lái tiêu chuẩn để có thể lấy lại bằng lái xe.
Phạt tù được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới với lỗi uống rượu bia quá mức cho phép khi lái xe (Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản. ..).
Ba Lan áp dụng giới hạn 20 mg/100 ml, nếu bị phát hiệu lái xe ở mức giữa 20 -50 mg/100 ml, người lái sẽ bị phạt và tịch thu bằng. Nếu trên mức 50 mg/100 ml, người lái được coi là tội phạm, lưu trữ trong hồ sơ tội phạm quốc gia, tịch thu bằng và có thể bị tù giam.
Cảnh sát cũng có thể tịch thu phương tiện. Thủ tục tòa án được đơn giản hóa cho phép cơ quan tư pháp có thể đưa ra mức phạt trong vòng 24h. Thắt chặt các giải pháp, kết hợp với thủ tục tòa án đơn giản đang là giải pháp cơ bản để xử lý vấn đề uống rượu bia quá mức khi lái xe tại quốc gia này.
Ở Scotland, quy định tịch thu xe khi lái xe với nồng độ cồn quá hạn được áp dụng từ năm 2009. Từ 04/2013 đến 03/2014 trong chiến dịch cao điểm xử lý vi phạm lái xe có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có tới 150 người đã bị tịch thu xe với ba trường hợp: tái vi phạm nhiều lần, lái xe vi phạm lần đầu nhưng có nồng độ cồn vượt mức cho phép gấp 3 lần trở lên và các lái xe không chịu kiểm tra nồng độ cồn (trừ các trường hợp có lý do hợp lý).
Các xe bị tịch thu hoặc sẽ được cơ quan có liên quan bán đấu giá hoặc tiêu hủy.
Như vậy, có thể thấy chế tài để điều tiết vấn đề này thường được xây dựng theo nguyên tắc phạt theo mức độ vi phạm. Trong những trường hợp đặc biệt như với những lỗi lặp đi lặp lại, hoặc có nồng độ cồn quá cao hoặc cố tình chống người thi hành công vụ thì cần xử lý thật nặng vì đây là những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Lặp đi lặp lại vi phạm và cố tình chống người thi hành công vụ có nghĩa coi thường kỷ cương phép nước, nồng độ cồn quá cao đồng nghĩa với việc mất hoàn toàn kiểm soát với hành vi và có thể gây nên những tai nạn thảm khốc (có thể gây chết người bất cứ lúc nào).
Những cách tiếp cận như trên có căn cứ khoa học, hợp lý và nên được sử dụng trong việc xây dựng quy định đối với lĩnh vực này tại Việt Nam.
TS. Trần Hữu Minh
(Còn nữa)