Trước sự kiện 6 người tử vong do ngộ độc rượu ở Quảng Ninh, nhiều bợm nhậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tặc lưỡi: “Ở Đồng Tháp, người ta thi uống rượu chết một đợt cả chục người còn không ai sợ, lo chi ba cái chuyện lặt vặt”. 

Còn nguồn rượu độc ở đâu ra? ai quản lý, cấp phép cho các loại rượu được pha chế từ cồn để cho các đệ tử lưu linh “tỉ thí”? Việc tưởng chừng rất dễ trả lời, hóa ra không hề đơn giản.

Tỉ thí đến chết

Mới 7h ngày 8.12, khi chúng tôi đến khu trọ công nhân Minh Quý (khu phố Thuận Đạo, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, Long An), đã thấy nhóm công nhân 5 người nhậu rượu đế. Hỏi có sợ rượu độc không, anh Vũ Văn Bằng nói thẳng: “Tụi tui uống hà rầm cả chục năm nay có chết ai đâu. Công nhân nghèo uống toàn rượu đế, mỗi thằng uống 5.000 đồng là say quắc cần câu rồi”. 

Ở khu vực nông thôn vùng ĐBSCL, nhiều người được bạn bè “nể” không phải do có nhiều tiền hay có địa vị xã hội, mà quan trọng là “đô nhậu” cỡ nào. Ai nhậu khỏe, ngồi dai, không “cho chó ăn chè”, không kiếm chuyện sau cuộc nhậu... đương nhiên được bạn bè nể phục. Không thể thống kê được có bao nhiêu vụ bợm nhậu chết do té xe, té sông, hay chết từ từ do rượu, vì con số này quá nhiều. Tuy nhiên, chuyện “so tài cao thấp” trên bàn nhậu rồi chết tại chỗ do ngộ độc rượu không còn là chuyện hiếm. 

{keywords}
Nhiều người dân vẫn phớt lờ cảnh báo về rượu độc

Cụ thể là sáng 25.10.2012, người dân xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức (Long An) vừa lo đưa ông Nguyễn Văn Thắng đi cấp cứu, vừa lo dựng rạp tổ chức đám tang cho ông Phan Văn Ríp. Ở Nhựt Chánh, ông Ríp nổi tiếng với việc uống rượu như uống nước. Mỗi lần nhậu là y như rằng có cảnh ông Ríp đổ rượu vào một ca lớn thách uống. “Nể” nhau bởi khả năng uống rượu, ông Thắng và ông Ríp cũng đổ rượu vào ca và thách uống. Không ngờ, do lượng độc tố trong rượu quá lớn, “ực” xong ca rượu thì ông Ríp tử vong, ông Thắng bất tỉnh.

Kinh hoàng hơn là chuyện cả chục bợm nhậu tử vong chỉ trong vòng 2 tuần ở Đồng Tháp do ngộ độc rượu vào tháng 6.2009. Hai nạn nhân tử vong đầu tiên là ông L.V.Đ (34 tuổi, làm nghề thợ hồ) và ông N.T.L (48 tuổi, làm bốc vác) - cùng ngụ P.3, TX.Sa Đéc. Hai ông này uống rượu vào ngày 14.6, sau đó cả hai bị ngộ độc, dẫn đến tử vong. 

Tại đám tang ông L vào ngày 17.6, nhiều bợm nhậu cho rằng, không có chuyện rượu có thể làm chết người nên tổ chức “thi”. Hàng chục lít rượu đem ra bàn để các bợm tỉ thí, kết quả là 2 người em ruột của ông L cũng ngộ độc chết luôn. Một người cháu bị ngộ độc, được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cấp cứu kịp thời nên thoát chết. Cũng trong ngày 17.6, những người bạn của ông L và ông Đ (cùng ngụ P.3, TX.Sa Đéc) là ông Đ.V.T (55 tuổi) và N.V.T (47 tuổi) cũng lấy rượu ra “tỉ thí” rồi... chết. 

Rượu độc ở đâu ra?

Bà Bùi Thị Ánh - chủ cửa hàng tạp hóa ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) - cho biết, mỗi ngày bà bán ra khoảng 10 lít vừa rượu nếp, vừa rượu gạo. “Tôi mua của lò rượu, họ bán bằng thùng (can) loại 20 lít. Rượu gạo giá 13.000 đồng/lít, rượu nếp thì 14.000 đồng/lít, tính ra mỗi lít mình lời 1.000 đồng” – bà Ánh nói. 

Cũng theo bà Ánh, bà bán rượu quê đã hơn chục năm, chưa bao giờ nghe nói chuyện bán rượu phải dán tem, đăng ký nhãn hiệu. “Mỗi xị rượu giá có 3.500 đồng, dân nhậu cóc ổi không tiền có khi phải mua chịu, kêu mua rượu có nhãn chắc không ai mua đâu” – bà Ánh quả quyết.

Theo quy định của Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu, từ ngày 1.1.2013 nếu rượu bán ra thương mại thì bắt buộc phải có nhãn hiệu và phải qua đăng kiểm. Nhưng với những lý lẽ của người dân bán rượu như vừa nêu thì hoạt động kiểm soát việc kinh doanh rượu quả là chưa có tác dụng. 

Theo khẳng định của Hiệp hội Bia rượu - Nước giải khát, rượu nấu truyền thống tuy có ảnh hưởng đến sức khỏe, nhưng không chết người ngay. Để xảy ra hiện tượng chết người vì uống rượu là do các nhà sản xuất kinh doanh rượu đã pha chế cồn công nghiệp thành rượu.

Cũng theo Hiệp hội Bia rượu -  Nước giải khát, cách quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay cũng đang có nhiều điều bất cập, bởi giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, còn giấy phép sản xuất rượu thì do Bộ Công Thương giải quyết; nhãn hiệu do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp; việc đăng ký chất lượng lại do Bộ Y tế thực hiện.

Thu hồi hàng nghìn chai rượu độc gây chết người

Theo thông báo  của Cục ATTP ngày 9.12, cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã có lệnh yêu cầu Cty cổ phần xuất nhập khẩu 29 Hà Nội dừng sản xuất và niêm phong kho với 11 danh mục sản phẩm gồm 371 thùng và 12.716 đơn vị sản phẩm. Trong đó thuộc danh mục rượu sản xuất ngày 12.10 có hàm lượng methanol cao phải thu hồi có sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” loại bình nhựa 2 lít: 5 thùng; rượu nếp 29 Hà Nội, chai thủy tinh 750ml: 26 thùng; vang nổ đỏ, chai thủy tinh 750ml: 20 thùng; vodka rượu nếp, chai thủy tinh 700ml: 5 thùng.

Tại Quảng Ninh, đến ngày 8.12, toàn tỉnh đã thu giữ gần 6.000 sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” loại bình nhựa 2 lít, trong đó có 4.047 sản phẩm “Rượu nếp 29 Hà Nội” sản xuất ngày 12.10 đã gây ra ngộ độc.

Tại Hải Dương, qua kiểm tra phát hiện DN Hưng Thủy (120 phố Bạch Năng Thi, TP.Hải Dương) mới nhập và kinh doanh 2 loại rượu của Cty cổ phần XNK 29 Hà Nội gồm 400 thùng “Rượu nếp 29 Hà Nội”, bình nhựa 2 lít. 50 thùng rượu vang nổ loại chai thủy tinh 750ml. Các cơ quan chức năng yêu cầu các cơ sở phải thu hồi trong ngày 9.12. 

(Theo Lao động)