Đó là nghịch lý nhức nhối đã tồn tại nhiều năm nay, khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bức xúc và thất vọng. Nói tới các chính sách ưu đãi tài chính như tín dụng, thuế hiện nay, không ít doanh nghiệp lắc đầu ngao ngán vì chỉ ”được tiếng mà không được miếng”.
Vuột mất cơ hội
”Gần đây, chúng tôi có 2 khách hàng mới đặt các đơn hàng cực kỳ lớn. Đây là cơ hội để chúng tôi có thể tăng trưởng bứt phá. Nhưng để đáp ứng được các đơn hàng này, chúng tôi sẽ phải tăng quy mô sản xuất lên tới 500%, thậm chí là 1000% so với năng lực hiện tại. Đó là một thách thức rất lớn”, bà Trần Thị Thu Trang, TGĐ Công ty điện tử Hanel PT (Bắc Ninh) chia sẻ.
Trong lĩnh vực điện tử- công nghệ cao, Hanel PT là một cái tên khá quen thuộc với bề dày lịch sử 20 năm. Công ty này hiện đã là nhà cung cấp cấp 1 cho các Tập đoàn của Nhật Bản. Thế nhưng, theo chia sẻ của nữ Tổng giám đốc trên, trong 20 năm qua, công ty vẫn chưa bao giờ vay được nguồn vốn ưu đãi nào của Chính phủ.

Công ty muốn mở rộng sản xuất, tăng quy mô để chớp được cơ hội tăng trưởng, nhưng chính sách hiện hành quy định tại Nghị định 111/2015 của Chính phủ lại chỉ ưu đãi cho các dự án đầu tư mới.
”Với uy tín, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất của công ty hiện nay, các ngân hàng có thể sẵn sàng cho chúng tôi vay tiền, nhưng nhìn lại những cú tăng lãi suất trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi đứng trước rủi ro quá lớn. Nếu không có nhà nước chia sẻ cùng thì doanh nghiệp cũng không đám đầu tư lớn”, bà Trang nói.

{keywords}
Ưu đãi vốn cho công nghiệp hỗ trợ vẫn chỉ nằm trên giấy


Sau một thời gian chạy khắp nơi để tìm hiểu thủ tục chính sách tín dụng ưu đãi, bà Trang đành ”buông” vì thấy không đáp ứng nổi tiêu chí của Nhà nước đưa ra.
Vay vốn ưu đãi đã gần như không khả thi.  Các chính sách gián tiếp hỗ trợ tài chính như chính sách hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay cũng khiến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nhìn nhận ”có mà như không có”.
Mới đây, Công ty điện tử 4P (Hưng Yên)- một thương hiệu từng khá nổi bật trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho điện tử ở Việt Nam, là nhà cung cấp cấp 1 cho LG và cấp 2 cho Samsung đã phải bán dây chuyền sản xuất cho một Tập đoàn nước ngoài vì không chịu nổi áp lực tài chính.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, công ty đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng tiền tài sản máy móc, dây chuyền. Khoản thuế VAT được hoàn lại ước tính lên tới 50 tỷ đồng. Theo quy định hiện nay, công ty sẽ được hoàn thuế VAT. Thế nhưng, Nhà nước sẽ chỉ khấu trừ khoản thuế này dần dần theo thời gian khấu hao tài sản máy móc.
Nói cách khác, Nhà nước đang chiếm dụng một khoản vốn rất lớn của doanh nghiệp trong một thời gian dài, trong khi, doanh nghiệp cần ngay nguồn vốn lớn để vận hành sản xuất kinh doanh.

Kiến nghị cấp bù lãi suất qua ngân hàng thương mại

Đánh giá về vấn đề này, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong báo cáo gần đây gửi tới Chính phủ cũng đã cho hay, ngành CNHT là ngành thâm dụng vốn và kỹ thuật sản xuất. Nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp chủ yếu là để đầu tư xây dựng nhà máy, mua sắm máy móc trang thiết bị để đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ kỹ thuật sản xuất. Thế nhưng thời gian qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này hầu như không tiếp cận được được các khoản vay từ Ngân hàng thương mại cho các dự án CNHT. Ngoài ra do lãi suất ngân hàng quá cao, chi phí vốn lớn khiến cho dự án khó đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Trong khi đó, các chính sách tín dụng đã ban hành có hiệu quả và hiệu lực rất thấp, hầu như chưa hỗ trợ được cho các doanh nghiệp CNHT.
Cụ thể như, về vốn đầu tư phát triển, theo qui định hiện hành, các doanh nghiệp CNHT được vay nguồn tín dụng đầu tư phát triển từ Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB).
Kết quả là, tính từ thời điểm Nghị định 75/2011/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và xuất khẩu có hiệu lực từ năm 2011, sau 9 năm hầu như không có khoản vay nào được giải ngân.
Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp CNHT có số lượng đông đảo, chủ yếu là các đối tượng vừa và nhỏ. Trong khi đó, VDB có mạng lưới hoạt động chưa rộng khắp, chủ yếu tập trung vào việc cho vay các khoản đầu tư lớn của các doanh nghiệp lớn Nhà nước và các dự án có qui mô lớn, không phù hợp cho đối tượng doanh nghiệp CNHT.
Bên cạnh đó, điều kiện cho vay cũng khá ngặt nghèo so với thực tế. Theo quy định, DNNVV phải có tổng tài sản thế chấp, cầm cố tại tổ chức tín dụng (TCTD) tối thiểu 15% giá trị khoản vay, sau khi đã loại trừ giá trị tài sản cầm cố, thế chấp khoản vay khác. Cục Công nghiệp cho biết, đây là một điều kiện khá khó khăn đối với doanh nghiêp bởi với quy mô vừa và nhỏ, nhiều doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo hoặc giá trị tài sản đảm bảo không lớn.
Chính quy định như vậy đã cản trở DNNVV tiếp cận vay vốn tại các TCTD.
Hiện nay, bảo lãnh cho DNNVVvay vốn ưu đãi được thực hiện thông qua hai kênh là bảo lãnh của Ngân hàng VDB cho doanh nghiệp vay vốn của ngân hàng thương mại và bảo lãnh qua Quỹ bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV.
Thực tế, qua báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Nhà nước về tình hình cho vay công nghiệp hỗ trợ theo Thông tư 01/2016/TT-NHNN của các TCTD, số liệu dư nợ các TCTD cho vay ngắn hạn ưu đãi theo Nghị định 111/2015/NĐ-CP chiếm tỷ trọng thấp (khoảng 1-2%) so với tổng dư nợ cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, dư nợ cho vay có bảo lãnh của các tổ chức bảo lãnh tín dụng là 0 đồng.
Để tháo gỡ khó khăn này, Cục Công nghiệp đã đề nghị Chính phủ giải pháp mới: thực hiện việc cấp bù lãi suất sử dụng nguồn ngân sách nhà nước thông qua hệ thống các Ngân hàng thương mại.
Theo phân tích của Cục, các ngân hàng thương mại có hệ thống trải rộng khắp cả nước, có bộ máy và nguồn nhân lực đảm bảo năng lực thẩm định và cho vay. Việc sử dụng Ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ, sẽ giảm áp lực về vốn cho Ngân hàng phát triển.
Khi đó, các ngân hàng thương mại sẽ thẩm định các dự án cho vay theo các qui định về tín dụng sẽ giảm tối đa rủi ro các khoản vay. Doanh nghiệp đủ chuẩn được vay vốn ưu đãi sẽ có cơ hội đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra sự lan tỏa đối với các doanh nghiệp khác.
Ngoài ra, Cục Công nghiệp cũng đề xuất Chính phủ Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu cơ chế để triển khai có hiệu quả cơ chế hỗ trợ, bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ không đủ chuẩn để vay theo các qui định về tín dụng; bổ sung cấp bù lãi suất hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trong Nghị quyết của UBTV Quốc hội về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Hiện, giải pháp này đã được đưa vào dự thảo về Nghị quyết của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Phạm Huyền