Đề cập về những tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia dự báo, trong khoảng 100 năm nữa, vùng đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấp hơn mực nước biển khoảng một mét và các địa phương ven biển dự kiến mỗi năm sụt lún khoảng 1-1,5cm.

Đây chính là một trong những thách thức lớn cho toàn vùng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có lĩnh vực xây dựng.

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của biến đổi khí hậu, việc xây dựng mạng lưới hệ thống đô thị phải tính đến các nguy cơ ngập lụt, xói mòn, sạt lở và cả những nguy cơ về ô nhiễm hay thiếu hụt nguồn nước.

{keywords}
Ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ tại ĐBSCL

Còn đối với hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy kết nối trong vùng, liên vùng, cần đặt ra những vấn đề về quy hoạch để bảo đảm sự kết hợp hài hòa, thống nhất và không xung đột với hệ thống thủy lợi, đê điều.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng trọng yếu tại khu lực này cũng đang đối mặt nhiều thách thức liên quan đến nguồn lực, nguồn vốn, định giá, hạch toán trước biến động của nền kinh tế cũng như sự cần thiết của việc khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế nhằm phục vụ phát triển bền vững toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo các nhà nghiên cứu, khi mực nước biển tăng từ 70-100cm sẽ dẫn đến ngập lụt với quy mô rộng và diễn biến thường xuyên không theo chu kỳ ở các vùng đồng bằng, ven biển, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu địa chất, địa hình phức tạp. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện kinh tế-xã hội trong vùng, trong đó có yếu tố kinh tế được mô phỏng trên bình diện thiết chế hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh như giao thông, đô thị, cấp nước...

Đồng thời, tác động của biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng rõ nét, hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, triều cường, xâm nhập mặn thường xuyên xảy ra không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp mà còn làm thay đổi các cấu trúc, yếu tố địa tầng, gây ra hiện tượng sạt lở bờ sông và hệ thống sông Mekong phía thượng nguồn.

Mặt khác, kết cấu trầm tích của đất ven bờ chưa qua quá trình nén chặt tự nhiên, dẫn đến đất bị bão hòa, độ gắn kết thấp làm lưu lượng và tốc độ dòng chảy lớn, gây ra xói mòn đáy sông và ven bờ. Tất cả những yếu tố này đều có những ảnh hưởng, tác động đến lĩnh vực xây dựng.

Để góp phần phát triển kinh tế-xã hội, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn liền với xây dựng các công trình hiện đại, bền vững, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là rất quan trọng.

Từ quan điểm, định hướng chiến lược phát triển Đồng bằng sông Cửu Long luôn lấy con người làm trung tâm, phục vụ người dân, chủ động linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, cực đoan là xu thế tất yếu, do đó phải thích nghi, biến thách thức thành cơ hội, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến phát triển xây dựng đã được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đề ra.

Nhiều ý kiến cho rằng các ngành, địa phương trong vùng cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Thực tế cho thấy hiện nay, đối với hạ tầng giao thông vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều công trình lớn được hoàn thành như cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, cầu Rạch Miễu 2, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh.

Thời gian vừa qua, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó một số công trình hiện đại được tập trung ưu tiên đầu tư và sớm đưa vào sử dụng các công trình, cụm công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm trong nước, quốc tế.

Lê Na