6 bệnh truyền nhiễm trẻ mắc dễ trở nặng
Bệnh truyền nhiễm là bệnh do các tác nhân như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng gây ra. Bệnh dễ lây lan, truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người hay qua trung gian một số côn trùng. Mầm bệnh có thể có sẵn trong môi trường, xâm nhập vào cơ thể khi có vết thương, vệ sinh môi trường và cá nhân kém.
Theo BS. Tống Thị Ngọc Cầm - Phó Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, thường có thói quen mút ngón tay, đưa đồ chơi, các vật dụng nằm dưới đất cho vào miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus dễ dàng đi vào cơ thể và gây bệnh.
Các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trẻ thường dễ mắc trong những tháng đầu đời là Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván, Bại liệt, Viêm gan B và bệnh do vi khuẩn Hib. WHO ước tính vào năm 2018, toàn thế giới có khoảng 5,3 triệu trẻ tử vong vì mọi nguyên nhân, trong đó có khoảng 700.000 trẻ tử vong do các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa bằng vắc-xin.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, từ năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận trẻ nhỏ từ 2 - 12 tháng tuổi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
8 tháng đầu năm 2024, các tỉnh phía Bắc ghi nhận 570 trường hợp nghi và mắc Ho gà, số mắc tăng 16 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đối với bệnh Uốn ván, từ đầu năm 2015 đến nay, trung bình có 350 ca mắc mỗi năm. Tháng 1/2024, tỉnh Đồng Nai ghi nhận 1 ca tử vong do Uốn ván sơ sinh.
Tiêm vắc xin, tạo “lá chắn” bảo vệ con
Theo BS. Cầm, 6 căn bệnh truyền nhiễm kể trên không chỉ gây ra các biến chứng nghiêm trọng mà còn có thể để lại di chứng lâu dài, như tổn thương hệ thần kinh, biến chứng hô hấp, hoặc suy gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và chất lượng cuộc sống của trẻ.
Ở nước ta, hiện nay đang là mùa Thu, Đông, cũng là mùa mưa bão, nhiệt độ xuống thấp, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển và lây lan, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ.
Để bảo vệ trẻ khỏi các loại vi khuẩn, virus tấn công, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, cha mẹ cần thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh cho con như tăng cường vệ sinh cá nhân, tăng cường dinh dưỡng, giữ ấm cho trẻ đúng cách, giữ gìn vệ sinh nhà ở và đảm bảo thông thoáng. Đồng thời, cha mẹ cần thực hiện tiêm chủng cho trẻ đầy đủ, đúng mũi, đúng lịch.
BS. Cầm cho biết, với trẻ từ 6 tuần tuổi, vắc xin 6 trong 1 là một trong những vắc-xin quan trọng nhất, giúp củng cố hệ miễn dịch non nớt, khi kháng thể bảo vệ từ mẹ truyền qua nhau thai và sữa mẹ giảm dần theo thời gian.
Vắc xin có lịch tiêm vào lúc 2 tháng tuổi, sớm nhất là 6 tuần tuổi với phác đồ 3 mũi cơ bản vào lúc 2, 3, 4 tháng và mũi nhắc thứ 4 vào lúc 16 - 18 tháng, cần hoàn thành 4 mũi trước 2 tuổi. Theo các nghiên cứu, vắc xin 6 có hiệu quả bảo vệ đến 99% nếu tiêm đủ mũi.
Tại Việt Nam, vắc xin 6 trong 1 có hai loại gồm loại ở dạng pha sẵn và loại cần qua bước pha hồi chỉnh trước khi tiêm. Hai loại vắc xin đều có lịch tiêm, hiệu quả và độ an toàn như nhau. Đặc biệt, vắc xin sử dụng thành phần Ho gà vô bào, tức chỉ chứa một vài thành phần của vi khuẩn đã được tinh chế để kích thích đáp ứng miễn dịch mà không gây ra quá nhiều những phản ứng phụ nặng nề như sưng, đau hay sốt. Việc này giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn sau khi tiêm và giảm thiểu lo âu cho phụ huynh về các tác dụng phụ.
Một lợi ích khác của vắc xin 6 trong 1 là giảm số lần tiêm cho trẻ. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian di chuyển mà còn giảm bớt áp lực cho cả trẻ và phụ huynh.
“Ba mẹ cần kiểm tra sổ tiêm chủng của con và nên cho con tiêm vắc xin ngừa 6 bệnh truyền nhiễm từ lúc bé được 6 tuần tuổi, đừng chủ quan, trì hoãn lịch tiêm khiến trẻ đối mặt với những bệnh truyền nhiễm đang rình rập ở khắp nơi”, BS. Cầm khuyến cáo.
Hoa Linh