Từ tháng 5/2020, công ty Nanogen bắt nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 có tên Nanocovax. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp.

Nhóm nghiên cứu của Nanogen có tới 500 người trong đó có khoảng 300 người trực tiếp tham gia nghiên cứu không quản ngày đêm suốt 6 tháng qua.

Theo ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Nanogen, vấn đề khó nhất khi phát triển vắc xin ngừa Covid-19 là lựa chọn phương pháp. Trên thế giới đang sử dụng 4 công nghệ: virus bất hoạt, công nghệ RNA, công nghệ virus và protein tái tổ hợp.

{keywords}

Ông Hồ Nhân trao đổi bên lề buổi tuyển tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin Nanocovax

Trong đó các hãng dược lớn, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn công nghệ mới nhất là mRNA, tạo ra đoạn gene từ gai virus, sau đó tiêm vào người để tạo ra miễn dịch. Đây là công nghệ vắc xin gián tiếp.

Sau khi cân nhắc kĩ các ưu nhược điểm của công nghệ này, Nanogen nhận thấy, đoạn gene được tiêm vào quá lớn, lên tới mấy ngàn cặp nhiễm sắc thể nên nguy cơ dị ứng rất lớn. Cơ thể chỉ có thể lấy vài phần trăm tạo ra kháng nguyên, một phần phân rã, xâm nhập vào tế bào gốc có thể di truyền cho các thế hệ sau.

Vì vậy, Nanogen chọn công nghệ protein tái tổ hợp, là công nghệ truyền thống đã được công ty này sử dụng trong nhiều sản phẩm khác suốt 10 năm qua. Dù vậy, giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn, do phải tạo ra các gai protein y hệt như gai của virus SARS-CoV-2 và chọn lọc trên tế bào.

“Cách đây 2 ngày, Hội đồng đạo đức quốc gia cũng hỏi chúng tôi tại sao các anh lại làm nhanh như vậy. Chúng tôi thành thật trả lời là có sử dụng trí tuệ nhân tạo với sự hỗ trợ của các robot hàng đầu trong nghiên cứu công nghệ sinh học giúp tạo ra các gai giả nhanh hơn”, ông Nhân cho biết.

Do virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục, từ chủng ở Vũ Hán đến chủng châu Âu, sau này ở châu Mỹ... nên nhóm nghiên cứu của Nanogen đã mất rất nhiều thời gian chỉnh sửa lại các đoạn gene để vắc xin có hiệu quả bảo vệ tốt nhất.

{keywords}

2 sản phẩm vắc xin ngừa Covid-19 gồm dạng tiêm và dạng xịt của Nanogen

“Nanogen đã lựa chọn một chủng virus thông dụng nhất để nghiên cứu và đưa vào sản xuất nên sau này SARS-CoV-2 có biến chủng thì vắc xin vẫn tạo ra kháng nguyên để thích ứng”, ông Nhân khẳng định.

Nanogen cũng cam kết, vắc xin Nanocovax có hiệu quả bảo vệ tương đương các sản phẩm khác trên thế giới với mức 90% người được tiêm có khả năng sinh đáp ứng miễn dịch.

Dù vậy ông Nhân cho biết, vắc xin Covid-19 tương tự như vắc xin ngừa cúm, có hiệu quả bảo vệ trên 6 tháng và phải tiêm nhắc lại hàng năm.

Theo lãnh đạo Nanogen, Nanocovax ngoài nhược điểm mất thời gian tạo dòng thì có rất nhiều ưu điểm. Do sinh miễn dịch trực tiếp nên tính an toàn cao hơn, ít phản ứng phụ, bảo quản dễ dàng bằng tủ lạnh thông thường (2-8 độ C).

Vắc xin Nanocovax gồm 4 hàm lượng 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg, 100 mcg. Do được nhà nước đặt hàng và trợ giá nên giá đến tay người tiêu dùng ở mức 120.000 đồng/mũi (mỗi liều gồm 2 mũi).

Ngoài sản phẩm tiêm bắp, Nanocovax cũng có sản phẩm dạng xịt dùng cho trẻ em và nhóm người già, người có bệnh nền.

Bắt đầu từ ngày 17/12 tới, Học viện quân y sẽ tiêm thử nghiệm Nanocovax trên người. Giai đoạn 1 sẽ có 60 tình nguyện viên tham gia; giai đoạn 2 từ 400-600 người; giai đoạn 3 gồm 1.500 – 3.000 người và sẽ mở rộng đến 10.000 người.

Nếu thử nghiệm lâm sàng thuận lợi, dự kiến tháng 5 sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn, sau đó đi vào sản xuất hàng loạt.

Thúy Hạnh

Tình nguyện viên thử vắc xin Covid-19: "Muốn làm điều gì đó cho đất nước"

Tình nguyện viên thử vắc xin Covid-19: "Muốn làm điều gì đó cho đất nước"

Chị Hoa, một bà mẹ 2 con, làm nghề bán tạp hóa vừa ký vào bản đăng ký làm tình nguyện viên tiêm thử vắc xin vừa chia sẻ 30 năm sống trên đời, giờ là lúc chị muốn làm điều gì đó cho đất nước.