Sử dụng vắc xin để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi được xem là một trong những biện pháp hiệu quả và ít tốn kém hơn cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, mỗi loại vắc xin phòng bệnh cho gia cầm đều có những đặc thù riêng, hiệu quả và thời gian miễn dịch phụ thuộc rất nhiều vào người sử dụng. Do đó, người chăn nuôi khi sử dụng vắc xin, cần lưu ý:
Bảo quản vắc xin
Vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp: < 00C (đối với vắc xin sống), từ 2 - 80C (đối với vắc xin chết); nên sử dụng riêng tủ bảo quản vắc xin, vệ sinh sát trùng định kỳ tủ nhằm đảm bảo vô trùng. - Khi vận chuyển, cần giữ vắc xin trong điều kiện râm mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Nếu vận chuyển xa nên có hộp xốp, phích đá để bảo quản, nếu gần bảo quản bằng túi nilông tối màu và đá giữ lạnh.
Bến Tre tiêm vaccine phòng dịch cúm trên đàn vịt. Ảnh Duy Khánh |
Sử dụng vắc xin
Đối tượng cần phòng bệnh Thực hiện phòng bệnh hàng năm đối với những vùng có ổ dịch cũ, vùng có nhiều bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa. Những nơi chưa có dịch chỉ nên dùng vắc xin chết. Nên phòng bệnh cho vật nuôi 15 - 20 ngày trước khi vận chuyển đi xa và sau 20 - 30 ngày trong trường hợp nhập vật nuôi từ nơi khác về. Vắc xin phòng bệnh nào thì chỉ phòng được loại bệnh đó.
Hiệu lực của vắc xin: Tình trạng sức khỏe của vật nuôi, điều kiện ngoại cảnh sẽ ảnh hưởng tới hiệu lực của vắc xin. Chỉ sử dụng vắc xin khi vật nuôi khỏe mạnh. - Thời gian có tác dụng của vắc xin: Tùy loại vắc xin, thời gian cơ thể sẽ tạo được miễn dịch sau khi dùng vắc xin là khác nhau. Trong thời gian đầu, vật nuôi chưa có miễn dịch đầy đủ nên vẫn có thể mắc bệnh và phát bệnh.
Liều lượng và số lần dùng: Tùy loại vắc xin, động vật cảm nhiễm và tình hình dịch tễ mà số lần sử dụng khác nhau, có loại chỉ dùng 1 lần đã đủ miễn dịch cho con vật, một số vắc xin cần dùng nhắc lại hai hoặc nhiều lần (theo hướng dẫn sử dụng). - Kiểm tra lọ trước khi sử dụng: Thông tin trên nhãn; Những hư hỏng trong lọ; Tình trạng vắc xin trong lọ.
Thao tác khi sử dụng Khử trùng các dụng cụ dùng để đựng, pha chế vắc xin bằng cách hấp hoặc luộc, sau đó rửa bằng nước sạch (nước sôi để nguội). Không được rửa bằng thuốc sát trùng. Sát trùng bằng cồn 700: tay người thực hiện, vùng da được tiêm, nút cao su của lọ chứa vắc xin. Trong lúc tiêm phòng cần tránh ánh nắng mặt trời.
Lưu ý khi sử dụng vắc xin
Phản ứng sau khi dùng vắc xin: Sau khi dùng vắc xin, vật nuôi có thể bị phản ứng do: các chất phụ trợ trong vắc xin, cơ thể đang ủ bệnh... Phản ứng cục bộ tại chỗ tiêm là sưng, nóng, đau… nhưng sau một thời gian phản ứng này sẽ mất. Khi có phản ứng cục bộ cần xử lý bằng cách chườm nước nóng tại vị trí tiêm.
Trường hợp nơi tiêm bị nhiễm trùng gây áp xe mủ thì phải điều trị bằng kháng sinh. Xử lý vắc xin thừa: Sau khi dùng vắc xin nhược độc cho vật nuôi, tất cả vắc xin thừa cần tập trung lại và tiêu hủy (dùng nhiệt hoặc hóa chất), các dụng cụ tiêm hoặc nhỏ vắc xin phải rửa sạch và sát trùng ngay.
Quốc Huy (tổng hợp)