Có câu “Trẻ em hôm nay, dân tộc ngày mai”.

Nhưng dường như người lớn chúng ta quên đi một vế nữa, quan trọng không kém- Người lớn hôm nay, dân tộc ngày mai.

Bạn có nghe trẻ em khóc trẻ em cười?

Đó là ca từ của một bài hát về trẻ em, mỗi lần nghe lại thấy xúc động. Bởi đó là tiếng khóc, tiếng cười của những bé em như thiên thần, rất cần sự chăm sóc của người lớn, của cả XH. Thế nhưng trong vài năm trở lại đây, có hàng mấy chục trẻ em đã không còn thể khóc cười như một phản xạ bản năng vui buồn của đời người, bởi các em đã phải trở về với cát bụi mà không hiểu vì sao. Buồn nhất, thương nhất, sự bất hạnh không mong muốn ấy lại do sự chăm sóc của người lớn chúng ta.

Đó là câu chuyện của vacxin Quinvaxem. Đã tưởng sự ám ảnh về tai biến của loại vacxin này vĩnh viễn rời xa, sau tháng 4/2013 Bộ Y tế có quyết định tạm dừng trên toàn quốc bởi xảy ra 43 trường hợp tử vong- phản ứng sau tiêm. Thì ngay sau khi có quyết định vacxin này được tiêm chủng trở lại, nỗi kinh hoàng lại tiếp tục ám ảnh các gia đình.

{keywords}

Khi mà câu chuyện thương tâm của bé gái 05 tháng tuổi, (Hải Dương) tử vong vào ngày 27/10 sau khi tiêm vacxin Quinvaxem, đã khiến dư luận XH hết sức bàng hoàng và lo lắng. Nếu biết rằng, từ đầu năm 2015 đến nay đã có 16 ca phản ứng nặng sau khi tiêm vacxin Quinvaxem. Trong đó có 08 ca tử vong , 01 ca sốc phản vệ, 07 ca ngẫu nhiên.

Không thể phủ nhận, vacxin phòng bệnh là thành quả vĩ đại của y học nhân loại, mang tính nhân văn sâu sắc và rộng lớn, giúp cho trẻ em trên thế giới phòng ngừa được rất nhiều bệnh tật mà nếu trước đây, khi chưa có nó, có thể hàng triệu trẻ em đã bị cướp đi sự sống bởi các căn bệnh quái ác: Bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn HIB.

Nhưng sự phát triển không đồng đều, kéo theo sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia cũng khiến cho những đứa trẻ, những công dân tương lai của các quốc gia phải chịu số phận may rủi hoàn toàn khác nhau. Nơi này trẻ em tiêm loại vacxin thì hoàn toàn an toàn, nơi kia thì tiêm loại vacxin có thể gặp tai biến, rủi ro. Đó là sự cay đắng của số phận con người, mà trẻ em không đáng phải chịu.

Cùng chịu số phận rủi ro của một số trẻ em VN, theo các chuyên gia cho biết, Quinvaxem còn gây tử vong cho cho trẻ tại một số nước khác như Ấn Độ, Bhutan, Sri Lanka, Pakistan. Đến cuối năm 2013, tại Ấn Độ đã có 21 trẻ em đã thiệt mạng kể từ khi chương trình tiêm chủng ‘5 trong 1’ bắt đầu. Ngoài ra còn nhiều trường hợp không được công bố. Quinvaxem được đánh giá là loại vacxin có nguy cơ cao, do đó nó bị cấm sử dụng hoặc không được dùng ở các nước phát triển như Mỹ, Úc,  Nhật và các nước châu Âu.

Còn Bộ Y tế cũng cho biết, ngay tại nước sản xuất ra nó là Hàn Quốc cũng không dùng loại vacxin này, bởi Hàn Quốc là nước giàu, có đủ khả năng mua vacxin vô bào (Tuổi trẻ, ngày 08/01/2013).

Mặc dù, để trấn an tâm lý… bất an của các bậc cha mẹ, của cả XH, đại diện của Bộ Y tế cho biết, tỉ lệ tai biến do vacxin Quinvaxem tại VN là 4,5/1 triệu liều, thấp hơn nhiều so với kháng cáo của WHO là 20/1 triệu liều, còn với vacxin bạch hầu - ho gà - uốn ván 20/1 triệu liều, viêm gan B là 1 - 2/1 triệu liều, uốn ván từ 1 - 6/1 triệu liều (Soha, ngày 09/11). Tuy nhiên, người viết xin nhắc lại một quan điểm của Gs Nguyễn Văn Tuấn đã từng viết về chủ đề này vào năm 2013, rằng tỷ lệ tai biến đó, dù chỉ là 01 với ngành y tế, nhưng nó là 100% của một gia đình không may mắn nào đó.

Chả lẽ, gia đình người Việt nào cũng phải có một tâm lý tự an ủi rất… Chí Phèo trong làng Vũ Đại của nhà văn Nam Cao, rằng, tai biến đó nó chừa con mình ra?

Chẳng lẽ, vì nghèo, mà nước Việt không có nổi giải pháp để chăm lo cho các bé thoát khỏi rủi ro của số phận một cách vô lý? Năm 2013, trong bài viết “Sinh- tử và chữa... đằng ngọn?” (Tuần Việt Nam, ngày 27/7), người viết bài này đã kiến nghị, nếu vì tài lực quá khó khăn, ngành y tế nên kêu gọi sự đóng góp của cả xã hội, thành lập "Quỹ vacxin trẻ em", do các Mạnh Thường Quân, các gia đình, các bậc cha mẹ khá giả đóng góp, có cơ chế giám sát, kiểm soát là nhân dân, do người dân trực tiếp quản lý, ngăn ngừa sử dụng tiền quỹ lãng phí, không đúng mục đích. Không phải chỉ để linh hồn những thiên thần được nhẹ nhàng bay đi, mà chính là để cho lương tâm người lớn chúng ta, cho lương tâm xã hội cũng cần được ... "siêu thoát"?

Tiếc thay, phản ứng của ngành y tế lại… “siêu thoát” hơn cả, khi ngành im lặng trước mọi điều báo chí kêu gọi, đề cập, như đó không phải trách nhiệm của ngành, kiểu vacxin sai thì xử… vacxin (?)

Không biết năm nay, vacxin có lại lần nữa ra trước “pháp đình” dư luận? Hay chính là ngành y tế?

{keywords}

Chỉ biết, sự tử vong của bé gái 05 tháng tuổi một lần nữa đánh thức nỗi đau của XH.

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, bên hành lang Quốc hội sáng 9/11, nhiều ĐBQH tỏ ra rất bức xúc.

Đại biểu QH Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội): Bộ Y tế có trách nhiệm gì khi để xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy? Ngành y tế phải có đánh giá cụ thể, chính xác cho câu hỏi này. Nếu cứ nói vacxin không ảnh hưởng, thế hóa ra lỗi tại con người? Mà kể cả là lỗi tại con người đi chăng nữa, ngành y tế vẫn đang nợ xã hội một câu trả lời rõ ràng, chính xác, vấn đề đó là cái gì? Phải làm rõ để người dân còn có sự lựa chọn.

Đại biểu QH Bùi Thị An: Khi tính mạng con người đã không còn thì ai chịu trách nhiệm cũng là vô nghĩa. Hãy làm rõ trách nhiệm ngay từ bây giờ. Với việc nhập vacxin thì trách nhiệm của Bộ Y tế như thế nào? Không thể chỉ nói không liên quan đến vacxin Quinvaxem.  Tại làm sao, bao nhiêu cháu bé đã không may bị chết sau khi tiêm vacxin Quinvaxem này rồi mà vẫn cứ tiếp tục tiêm? Tôi không hiểu nổi. Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm nếu trong trường hợp sắp tới, tiếp tục tiêm và lại có thêm cháu bé mất mạng? (tintuc.vn, ngày 09/11)

Còn bác sĩ Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng thẳng thắn: Nếu là tôi, tôi sẽ không tiêm, trừ khi không còn nguồn vacxin nào khác. Tôi nghĩ rằng khi có những trường hợp tử vong như thế thì nên dừng lại. Trong các khuyến cáo của vacxin không bao giờ chấp nhận có trường hợp tử vong lại đưa ra trên thị trường. Vacxin nào cũng có phản ứng phụ, nhưng nặng đến mức tử vong thì nên dừng lại (Soha, ngày 09/11).

Những thông tin, quan niệm rất khác nhau khiến cho các bậc cha mẹ có con nhỏ giờ đây lo lắng, lúng túng, ám ảnh và hãi sợ, không biết nên quyết định ra sao, trước các thông tin kiểu lắm thầy nhiều ma, lắm cha con khó lấy chồng. Tiêm thì có khả năng rủi ro, mà không tiêm thì cũng…. rứa!

Rút cục, cái gì đến rồi sẽ phải đến. Một thông tin mới đây nhất trên VietNamNet, ngày 06/11 cho biết, Bô Y tế đang tính phương án thay thế vacxin Quinvaxem bằng vacxin dịch vụ.

Lẽ ra, sự thay thế này phải từ lâu. Để bớt đi những thiên thần trên … thiên đàng. Và bớt đi nước mắt đau đớn của các ông bố bà mẹ trẻ.

Từ “đám ma công” đến “trụ sở công”

Cần nói thẳng điều này, trong khi việc chăm sóc những bé thơ, người lớn chúng ta chưa làm tốt, để lại những tổn thất sâu sắc cho hàng mấy chục gia đình, và nỗi đau trong tâm lý XH, thì sự lãng phí kỳ cục vẫn luôn diễn ra, ngay trước mắt người dân.

{keywords}

Sau bài viết “Tiền dân và xe quan” (Tuần Việt Nam, ngày 31/10) bàn về vụ gần 13.000 tỷ chi cho khoảng 40.000 xe công mỗi năm, bất ngờ nhất, người viết nhận được email của một bạn đọc công tác ở một tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Trong thư, ông nêu vấn đề xảy ra không kém lãng phí, ở địa phương ông và các nơi khác, mà ông gọi là “đám ma công”.

 Xin trích đăng một đoạn:  Ở quê tôi, chắc cũng như mọi quê, (không có  quy định bằng văn bản) nhưng cứ bố mẹ các quan chức từ cấp Phó CT, bí thư huyện, phó sở ban ngành tỉnh trở lên mà mất, là lập tức loan báo cho các ban ngành, đoàn thể đến viếng nên chúng tôi gọi là “đám ma công”. Bởi khi đó xe biển xanh lại lũ lượt … Xe biển xanh thì “xăng biển xanh”, phong bì cũng lại “biển xanh”.

Sự thật, lãng phí tiền bạc là một chuyện, nhưng “lãng phí lòng tin” của dân mới đáng ngại. Tình nghĩa đã đành nhưng nhiều khi người đi viếng không hay tên không biết mặt cả chủ tang lẫn người chết. Vậy thì đâu phải là tình nghĩa, đâu phải là nghĩa tử nghĩa tận. Hay đó còn là “trả nợ” nhau?

Thật ra, không chỉ có “đám ma công” đâu, mà có cả “đám cưới công”. Báo chí, cách đây mấy chục năm đã từng SOS về những “đám ma công”, “đám cưới công” lãng phí không ít.

Người viết bài có lần đến công tác ở một tỉnh sát vách HN. Và thật ngỡ ngàng, khi đến bất cứ công sở nào của tỉnh cũng trống huơ trống hoác. Hỏi ra mới biết, hôm đó có một “đám cưới công”- con một vị chức sắc cao của tỉnh cưới vợ. Các công sở vợi hẳn người.

Mới hiểu cái câu dân gian đầu gà hơn đuôi voi là thế nào.

Nhưng đáng chú ý, câu chuyện xe công tốn tiền tỉ của dân vẫn chưa lắng xuống, mới đây, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH có một phát ngôn thật ấn tượng: Thứ trưởng đi taxi, xe ôm đến họp “trông không được đẹp” (NLĐ, ngày 11/11) khiến dư luận XH lại được dịp ồn ào.

Thiết nghĩ, thước đo cái đẹp của một quan chức nằm ở trí tuệ, nhân cách và sự cống hiến cho đất nước, cho nhân dân, đâu nằm ở cái xe công choáng lộn. Nếu nói như ông thì Thủ tướng Thụy Điển đi làm bằng xe đạp, Thủ tướng Canada đi họp QH bằng xe buýt hẳn là người rất… xấu xí. Và người viết bài trộm nghĩ, liệu những người dân “có mấy thứ mồ hôi” nói trên, nghe được phát ngôn ấn tượng này, họ sẽ bảo nhau thế nào nhỉ?

{keywords}

Tuy vậy, công bằng mà nói, thì chuyện quan chức đi xe taxi, xe ôm “không được đẹp” cũng chưa thể bằng chuyện con gà tức nhau tiếng gáy của các tỉnh, t/p. Đó là chuyện sau một thời gian lắng xuống, im ắng chuyện xây trụ sở các địa phương, mới đây, dư luận XH lại bình loạn bởi các địa phương trở lại việc đua nhau… “gáy” bằng những công trình trụ sở ngàn tỷ.

Địa phương “gáy” khởi đầu lại chuyện này là Hải Phòng. Dự kiến xây dựng trụ sở tới 10.000 tỷ, trong đó, HP dự kiến xin TƯ hỗ trợ 7000 tỷ, với lý do nghe không thật…. người lớn lắm: HP là t/p đóng thuế vào loại nhiều nhất nước.

Chỉ xin hỏi, tiền thuế đó là mồ hôi công sức của dân, các doanh nghiệp ở HP, hay là của c/q thành phố? Và trụ sở ngàn tỉ đó xây lên là để cho dân?

Nhưng điều này mới là quan trọng hơn: Trong lúc nợ công của đất nước tăng nhanh, ngân sách quá khó khăn- chỉ còn 45000 tỷ đồng- mà theo Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh, không thể làm gì được. Chính phủ vừa phải phát hành 03 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cơ cấu lại nợ trong nước… v..v.., vậy mà các tỉnh như Khánh Hòa, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh và mới đây nhất là Hải Phòng, đua nhau xây trụ sở hàng ngàn tỷ, thì nói thẳng “không phải đạo lắm”.

Cái sự “không phải đạo” này có nguyên nhân từ đâu?

Trả lời báo chí, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó CT Tổng Hội Xây dựng VN bình luận: Tôi từng nghe chuyện tỉnh nọ đầu tư xây dựng công trình nghìn tỷ để bằng bạn bằng bè, làm thay đổi bộ mặt đô thị. Xin thưa đây là tư duy rất phiến diện. Bởi lẽ, hình ảnh của địa phương xấu hay đẹp được đánh giá bằng sự tín nhiệm của nhân dân với bộ máy công quyền, các chỉ số về thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội đi kèm, chứ không phải ở cái trụ sở to hay nhỏ.

Cái tư duy phiến diện ấy, sẽ còn trở nên phiến diện hơn nữa, nếu biết rằng, cũng theo ông Phạm Sỹ Liêm, nước ta có 63 tỉnh thành, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số này nộp ngân sách về TƯ. Còn lại 2/3 địa phương sử dụng nguồn ngân sách do TƯ “đài thọ”. 

Đã phải do TƯ đài thọ, mà lại chơi sang, thì không phải chỉ vì muốn tỉnh ta đẹp hơn tỉnh bạn, mà trong bối cảnh hoa hồng (%) nở rộ như một thứ lệ làng, lệ huyện, lệ tỉnh, chắc chắn còn phải vì một lý do khác tinh vi hơn, mà ai cũng hiểu.

Chia sẻ với ý kiến của ông Phạm Sỹ Liêm, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa nói thẳng, nhiều địa phương nghèo nhưng thích “chơi trội” có thể xuất phát từ "tư duy nhiệm kỳ" của lãnh đạo địa phương, đồng thời không loại trừ khả năng có “lợi ích nhóm” để trục lợi (GDVN, ngày 11/11).

Tư duy nhiệm kỳ và lợi ích nhóm là hai căn bệnh có lẽ điển hình hiện nay trong những bất cập quản lý của các ngành, các cấp. Tiếc thay, nó mới chỉ được chẩn bệnh, mà không có phương thuốc nào chữa trị nổi.

Sẽ đến lượt các địa phương nào nữa đây? Người dân nghĩ mà run vì đôi vai gánh nặng thuế, phí, lệ phí khó mà … khỏe mãi.

Có câu “Trẻ em hôm nay, dân tộc ngày mai”.

Nhưng dường như người lớn chúng ta quên đi một vế nữa, quan trọng không kém- Người lớn hôm nay, dân tộc ngày mai.

Kỳ Duyên