Bể than Đông Bắc có thể khai thác được 40 năm nữa, trong khi bể than đồng bằng Sông Hồng nếu thử nghiệm thành công sẽ khai thác được rất lâu.
Đó là thông tin được ông Lê Văn Duẩn, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp – Vinacomin (Tập đoàn than khoáng sản VN) cho biết tại buổi công bố Quy hoạch phát triển ngành than VN đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 ở Bộ Công Thương ngày 31/8.
Bể than Đông Bắc có thể khai thác được 40 năm nữa. |
Ông Lê Văn Duẩn cho hay: Ở VN, chúng ta vẫn tập trung khai thác bể than Đông Bắc. Còn bể than được coi là lớn nhất là bể than đồng bằng sông Hồng vẫn chỉ ở dạng tiềm năng. Tổng tài nguyên trữ lượng của bể sông Hồng là 42 tỷ tấn, chiếm nhiều nhất. Tuy nhiên đây chỉ là tiềm năng.
Quy hoạch phát triển ngành than đặt ra mục tiêu với bể than sông Hồng là trước năm 2020 hoàn thành công tác thăm dò than khu Nam Thịnh và một phần mỏ Nam Phú II, huyện Tiền Hải, Thái Bình để phục vụ lập và thực hiện dự án thử nghiệm, chưa khai thác được.
“Nếu bể than này thử nghiệm thành công thì tài nguyên than rất lớn và khai thác được trong rất nhiều năm, thậm chí vài trăm năm”, ông Lê Văn Duẩn cho hay.
Trong giai đoạn 2021-2030, bể than sông hồng sẽ được thực hiện dự án thử nghiệm, làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển mỏ với quy mô công nghiệp, phấn đấu đạt sản lượng than thương phẩm khoảng 0,5-1 triệu tấn vào năm 2030.
Trong quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, trọng tâm khai thác hiện nay vẫn là bể than Đông Bắc theo công nghệ bình thường. Tổng tài nguyên trữ lượng còn lại của mỏ Đông Bắc là 6,2 tỷ tấn. Quy hoạch mới chỉ huy động có 2,1 tỷ tấn.
“Nếu tính bình quân khai thác 50 triệu tấn/năm thì chúng ta còn khai thác được 40 năm nữa”, ông Duẩn nói.
Ông Trịnh Đức Duy, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp than (Tổng cục Năng lượng) cho hay: Mục tiêu đề ra trong quy hoạch ngành than là xây dựng ngành than VN trở thành ngành công nghiệp phát triển, có sức cạnh tranh cao, có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển… đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho ngành than đến năm 2030 lên tới hơn 269 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm cần xấp xỉ 18.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn này dự kiến sẽ thu xếp từ vốn tự có, vốn thương mại, vay ưu đãi, huy động qua thị trường chứng khoán và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Lương Bằng