Trong tác chiến cường độ cao
Tầm hoạt động và tốc độ của trực thăng chiến đấu cho phép tác chiến khá linh hoạt và hiệu quả trong các khu vực bị chia cắt. Trực thăng chiến đấu cũng có thể được phối thuộc trong tác chiến đặc biệt để yểm trợ tới cấp lữ đoàn, thậm chí triển khai tới cấp nhỏ hơn.
Mặt khác, lợi thế to lớn của máy bay trực thăng là tính linh hoạt, cho phép nhanh chóng triển khai hoạt động ở các khu vực tác chiến của cả các cấp lữ đoàn, sư đoàn và quân đoàn mà không bị ràng buộc chặt chẽ với cấp chỉ huy cụ thể nào.
Trực thăng chiến đấu có lợi thế về tầm bắn của hệ thống vũ khí chống tăng so với các hệ thống vũ khí bố trí trên mặt đất, và mức độ linh hoạt trong thực hiện nhiệm vụ. Nó cũng có khả năng trinh sát tầm trung tương đối tốt, hơn nữa, do nó có hoả lực mạnh nên tham gia tiêu diệt các mục tiêu có chiều sâu cũng khá hiệu quả.
Thời kỳ đầu của cuộc chiến, trực thăng chiến đấu được sử dụng để yểm trợ các lực lượng thiết giáp và mặt đất trong thời gian các lực lượng này triển khai tới vị trí đảm nhiệm. Sau đó, máy bay trực thăng chiến đấu trực tiếp tấn công đối phương ngay trước khu vực tiền duyên của lữ đoàn, thường được gọi là chiều sâu tác chiến của lữ đoàn.
Khi lực lượng mặt đất tạm ngừng hoặc ngăn chặn được cuộc tấn công ban đầu của đối phương, máy bay trực thăng tiến hành các cuộc tấn công chiều sâu vào các lực lượng phía sau để phá huỷ các cơ sở hậu cần, kỹ thuật và ngăn chặn đối phương tăng viện cho các trận đánh khác.
Trực thăng chiến đấu còn được sử dụng để ngăn chặn các cuộc tấn công đột kích của đối phương, trong khi các đơn vị bộ binh tiến hành vận động tấn công và hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt.
Hai bên sườn của lực lượng thiết giáp đang tác chiến chắc chắn sẽ được bảo vệ an toàn nếu có lực lượng máy bay trực thăng chiến đấu. Các lực lượng đối phương đang ở trạng thái trú quân cũng có thể bị tiêu hao bởi máy bay trực thăng chiến đấu, sau đó các đơn vị thiết giáp sẽ tiêu diệt lực lượng này.
Tác chiến cường độ thấp
Tác chiến cường độ thấp (LIO) là các hành động ngăn chặn chống lại lực lượng đối phương có khả năng kém hơn, hoặc yểm trợ cho các lực lượng quân nhà duy trì ổn định. Tính cơ động của trực thăng chiến đấu là một yếu tố quan trọng để sử dụng lực lượng này trong LIO, và đòi hỏi cơ sở hạ tầng ít hơn so với phi đội máy bay cánh cố định.
Tính chất gọn nhẹ và mức độ phân tán của lực lượng đối phương có thể làm cho việc xác định mục tiêu khó khăn hơn, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho máy bay trực thăng không được bảo vệ. Việc phối hợp bảo vệ cho trực thăng chiến đấu góp phần giảm thiểu nhược điểm của máy bay trực thăng chống lại mối đe dọa này.
Hơn nữa, trên chiến trường tương đối không phức tạp, đôi khi hệ thống vũ khí tầm gần lại có khả năng mang lại lợi thế đáng kể và trong tình huống nhất định, có thể máy bay trực thăng được sử dụng để yểm trợ cho không quân tầm gần hoặc thậm chí yểm trợ cho cả pháo binh.
Trong trường hợp nhiệm vụ có tính chất ít phức tạp hơn, nhiều loại thiết bị trinh sát đồng bộ sẽ ít được triển khai. Để khắc phục tình trạng này sẽ cần tới các thiết bị cảm ứng, cùng với hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và tình báo (C3I) của máy bay trực thăng chiến đấu.
Máy bay trực thăng chiến đấu cũng rất phù hợp khi tác chiến chung với máy bay không người lái (UAV), sự kết hợp như vậy sẽ tạo ra sức mạnh khá lớn trong tác chiến cường độ thấp.
Cần nhớ rằng, hệ thống vũ khí lắp trên máy bay trực thăng chiến đấu có thể phá huỷ hiệu quả tất cả các mục tiêu quan trọng, kể cả các mục tiêu riêng biệt trong các toà nhà hay khu liên hợp bằng việc xác định và tấn công từ xa với độ chính xác cao.
Nguyên Phong