Nhiều hiểu lầm về rừng ngập mặn
Theo kĩ sư Ngô Đức Hải, Cục kiểm soát ô nhiễm môi trường, hiện nay có tình trạng nhiều người hiểu sai về rừng ngập mặn và tác dụng của chúng. Ví dụ, nhiều người cho rằng rừng ngập mặn phát triển tự nhiên nên không cần trồng mới. Hoặc rừng ngập mặn có tác dụng làm đê chắn sóng tự nhiên, nên khi đã có đê biển thì có thể chặt hạ để dành không gian cho nuôi biển…
Điểm lại về diện tích rằng ngập mặn, kĩ sư Ngô Đức Hải cho biết, nhờ đường bờ biển dài hơn 3.260 km nên Việt Nam có được diện diện tích rừng ngập mặn vào khoảng 200.000 ha, đứng trong Top 10 các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. về phân bố, rừng ngập mặn của Việt Nam có mặt tại 28/28 tỉnh thành có biển của nước ta, từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với mật độ khác nhau.
Về quy mô rừng ngập mặn, rừng ngập mặn Cần Giờ (hay còn gọi là Rừng Sác ở huyện Cần Giờ, TP.HCM) với tổng diện tích nên tới khoảng 37.000 ha là lớn nhất và cũng là khu rừng ngập mặn đẹp nhất của khu vực Đông Nam Á. Kế đến là các cánh rừng ngập mặn: Rú Chà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), Tam Giang (tỉnh Quảng Nam, U Minh Hạ (tỉnh Cà Mau), U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang)…
“Nếu trước kia diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam suy giảm do bom đạn của chiến tranh, bão nhiệt đới, tràn dầu thì ngày nay rừng ngập mặn suy giảm do biến đổi khí hậu (nước biển dâng làm xói mòn bờ biển và các đầm bãi); do khai thác chặt phá để dành không gian cho nuôi biển (nuôi tôm nước lợ và các loài nhuyễn thể ven bờ). Ở khu vực U Minh, nguy cơ cháy rừng cũng là hiểm họa do rừng nằm trên lớp than bùn dày, khiến việc bảo vệ khó khăn hơn trong việc bảo vệ các cánh rừng ngập mặn”, kĩ sư Hải chia sẻ.
Chia sẻ thêm về vụ cháy rừng U Minh Thượng năm 2002, kĩ sư hải cho biết: Vườn Quốc gia U Minh Thượng có diện tích vùng lõi 8.053 ha với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.838 ha, trong đó có 3.500 ha rừng tràm nguyên sinh và số còn lại là rừng ngập mặn. Nơi đây có 250 loài thực vật, 24 loài thú, 4 loài dơi, 185 loài chim và nhiều loài bò sát; trong đó 10 loài được ghi trong sách đỏ và 12 loài chim đang bị đe dọa tuyệt chủng.
Tuy nhiên trận cháy hồi năm 2002 (từ ngày 24/3 đến hết ngày 10/4) đã thiêu rụi mất khoảng 3.000 ha. Môi sinh, môi trường tại đây bị tổn hại nặng nề, phải mất rất nhiều năm sau mới có thể khắc phục từng phần.
Các nỗ lực bảo vệ rừng ngập mặn
Quay lại các giải pháp bảo vệ rừng ngập mặn, kĩ sư Hải cho biết khoảng 20 năm trở lại đây Việt Nam nhận được nhiều nguồn lực của quốc tế để phục hồi và phát triển rừng ngập mặn. Theo đó, diện diện tích rừng ngập mặn đã tăng từ 155.290 ha năm 2017 lên 164.701 ha năm 2000 và lên xấp xỉ khoảng 200.000 ha hiện nay. Nhờ nỗ lực vượt bậc, mỗi năm diện tích rừng ngập mặn đã tăng trung bình hàng năm khoảng 554 ha nhưng lại đang có nguy cơ suy giảm do phải dành không gian cho các ngành kinh tế biển như: nuôi biển, đô thị hóa…
Về dư địa phát triển rừng, theo kĩ sư Hải diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam khoảng 150/256,3 nghìn ha (trong đó: rừng tự nhiên: 54,7 nghìn ha, rừng trồng: 95,3 nghìn ha và diện tích chưa thành rừng 106,2 nghìn ha). Các khu vực có thể phát triển mới rừng ngập mặn mỗi năm như Thái Bình, Nam Định hay Cà Mau. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích đang gặp nhiều khó khăn do thiếu các nguồn lực.
Quay lại với lí do phải trồng từng ngập mặn, nhờ có rừng ngập mặn nên nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao sinh trưởng và phát triển một cách tự nhiên. Ngoài ra, với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống người dân do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường.
Đặc biệt, dù diện tích chỉ chiếm 1,5% tổng diện tích rừng của Việt Nam (14,4 triệu héc-ta), nhưng rừng ngập mặn đóng một vai trò quan trọng trong giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Đáng chú ý, rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu. Trong xu hướng bán tín chỉ carbon hiện nay, rừng ngập mặn hoàn toàn có thể trở thành “hàng hóa”.