Theo kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê thực hiện trong thời gian vừa qua, hơn 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải quyết việc làm cho khoảng 36% tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, thu hút khoảng 32% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường hạn chế về nguồn lực, chú trọng đầu tư sản xuất kinh doanh mà chưa có giải pháp phòng ngừa và hạn chế về khả năng chống chịu rủi ro pháp lý. Nhận thức của doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý còn hạn chế, mô hình tổ chức nhỏ dẫn đến thiếu nguồn lực đảm bảo cho công tác pháp lý của doanh nghiệp. 

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều vướng mắc pháp lý kể từ khi khởi nghiệp cho đến khi đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tháo gỡ các vướng mắc pháp lý đối với các vụ việc quan trọng là rất cần thiết. Các vướng mắc chính mà doanh nghiệp gặp phải là quản trị doanh nghiệp, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

anh man hinh 2024 03 24 luc 144410.png
Vai trò của Trung tâm tư vấn pháp luật trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. 

Thông thường đối với các doanh nghiệp ở Việt Nam khi xảy ra vụ việc mới thuê dịch vụ pháp lý, do vậy thiệt hại trong kinh doanh là vô cùng lớn. Nhiều trường hợp do thiếu hiểu biết pháp luật dẫn tới phá sản.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm tư vấn và hỗ trợ Doanh nghiệp sẽ giúp các doanh nghiệp phòng ngừa các rủi ro từ xa chứ không phải chi khi xảy ra vụ việc mới tìm hướng giải quyết. Giải quyết khâu phòng rất quan trọng chứ không phải chỉ chống. Nếu chỉ hỗ trợ khi đã xảy ra thì chỉ giải quyết vụ việc chứ không mang tính tổng thể, toàn thể các hoạt động của doanh nghiệp. 

Tính đến năm 2021, cả nước có 93.425 Hội, hiệp hội, ngành hàng, trong đó có 571 hội hoạt động trên phạm vi cả nước và 92.854 Hội hoạt động ở địa phương. Nhiều Hội nghề nghiệp đã thành lập Trung tâm tư vấn để hỗ trợ và đồng hành cùng Doanh nghiệp. Những hoạt động thực tế của các Trung tâm đã và đang góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của Doanh nghiệp.

Sau khi ký hợp đồng với doanh nghiệp, các trung tâm cũng tổ chức các buổi tọa đàm, tập huấn, nâng cao trình độ cho cán bộ công nhân viên, lãnh đạo công ty từ đó nâng cao hiểu biết cho cán bộ công nhiên viên về mặt pháp luật, tiếp thu được nhiều vấn đề hơn, những điều trước đây mình không biết, mình chưa nắm rõ. 

Tại Tuyên Quang có 2334 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký kinh doanh là hơn 25 nghìn tỷ đồng. Việc thành lập trung tâm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang giúp các doanh nghiệp của địa phương nâng cao trình độ hiểu biết về pháp luật từ đó bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình trong quá trình sản xuất, kinh doanh. 

Đại diện Trung tâm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh Bắc Giang cũng cho biết, trong thời gian qua, trung tâm này nhận được nhiều đơn hàng của cộng đồng doanh nghiệp. Ví dụ như doanh nghiệp đặt hàng hỗ trợ pháp lý xúc tiến đầu tư, các giải pháp giúp cho các doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, Trung tâm tập trung vào giảng dạy, đào tạo, hàng chục lớp cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào chuyển đổi số và thương mại điện tử. 

Hoạt động của các Trung tâm tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp nằm trong mô hình Hiệp hội Doanh nghiệp của địa phương tạo ra một sự kết nối quan trọng giữa các doanh nghiệp địa phương; đồng hành và hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp.

ánh Tuyết và nhóm PV, BTV