Chuyển đổi số (CĐS) được xem như một giải pháp để thích ứng với tình hình thực tế, là hướng thúc đẩy phát triển mới toàn diện trên các lĩnh vực. Nhận thức tầm quan trọng này, huyện Vân Đồn đã xác định phải nỗ lực, khẩn trương thực hiện chiến lược CĐS, đến nay huyện đã đạt được những kết quả tích cực.

Ngay khi bắt tay thực hiện chiến lược CĐS, huyện Vân Đồn đã luôn trong tâm thế chủ động, khẩn trương. Theo đó, huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo, tổ công tác, giúp việc; xây dựng quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo và tổ công tác từ huyện đến 12 xã, thị trấn; xây dựng triển khai kế hoạch với mục tiêu, lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể chi tiết.

Các tổ công nghệ số cộng đồng được kiện toàn đã góp phần đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, thúc đẩy CĐS đến từng hộ gia đình, gắn với cuộc sống của người dân.

Người dân đến thực hiện các TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện.

Xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương là cơ hội để giải quyết các điểm nghẽn cũng như tạo đột phá trong phát triển, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, nâng cao chất lượng cuộc sống và năng lực cạnh tranh của huyện.

Huyện đẩy mạnh truyền thông về CĐS hướng tới người dân; mời các chuyên gia, đơn vị tư vấn, doanh nghiệp viễn thông có trình độ, chuyên môn sâu, kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực CĐS để hỗ trợ, đưa ra giải pháp tối ưu, phù hợp đối với đặc thù của Vân Đồn.

Triển khai mô hình chợ 4.0, hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2023-2025, địa phương đã phối hợp với Ngân hàng mở tài khoản cho 356/364 hộ ở chợ, đạt 97%. Mỗi hộ kinh doanh có 1 mã QR code riêng phục vụ việc thanh toán.

Hiện cơ bản các hộ kinh doanh đã tham gia, bước đầu khuyến khích các hoạt động giao dịch, thanh toán qua mã QR code. Mô hình này đang mang lại nhiều tiện ích cho cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và khách du lịch

Từ tháng 12/2023 - 3/2024, Trung tâm Hành chính công huyện tiếp nhận tổng số 3.787 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến là 1.662 hồ sơ. Điều này cho thấy, việc cung cấp và giải quyết dịch vụ công trực tuyến đã đạt được những kết quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của tổ chức và cá nhân trong thực hiện các TTHC trên môi trường điện tử. 

Hiện huyện Vân Đồn đang nỗ lực thực hiện 3 trụ cột CĐS gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Về chính quyền số của huyện có nhiều bước tiến mới. Cụ thể, huyện triển khai ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại các đơn vị, địa phương; phối hợp kết nối hệ thống thông tin điện tử về kết quả giải quyết TTHC và kết nối thông tin với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Công tác tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thực hiện đúng quy định pháp luật, tỷ lệ hồ sơ TTHC cấp huyện, cấp xã được giải quyết đúng hạn đạt cao.Tại Trung tâm Hành chính công huyện số hồ sơ cung cấp kết quả điện tử đạt 98%.

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã, số hồ sơ thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến đạt 81,5%. 100% người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã sử dụng chữ ký số, xử lý công việc trên hệ thống chính quyền điện tử.

Công an huyện hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Ảnh: Thanh Tùng (Trung tâm TT-VH Vân Đồn).

Về kinh tế số đã đưa các sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử Shopee và Postmart.vn (của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam). Đến nay, tổng số lượng sản phẩm tham gia vào chu trình OCOP của huyện có 48 sản phẩm; trong đó, số sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn (từ 3 sao trở lên) tham gia các sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và một số sàn thương mại điện tử khác của huyện Vân Đồn là 34/34 sản phẩm (đạt 100%).

Tính riêng theo tiêu chí các sản phẩm nông sản của Vân Đồn đã tham gia các sàn thương mại điện tử trên bao gồm 39/48 sản phẩm (đạt 81,25%). Từ đầu năm đến nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm Hành chính công huyện đạt 100%; thanh toán không dùng tiền mặt tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã đạt 97,43%; chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt 47,2%.

Bên cạnh kinh tế số có sự chuyển biến, lĩnh vực xã hội số cũng bước đầu cho kết quả khả quan. Tỷ lệ khu dân cư tập trung có kết nối internet băng rộng cố định đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt, huyện Vân Đồn đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị viễn thông khảo sát tại Khu vực xóm Đài Chuối, khu tái định cư, thôn Đài Làng (xã Vạn Yên) để xác định chất lượng sóng tại vùng lõm sóng theo báo cáo để có kế hoạch phủ vùng lõm sóng trong tháng 6 và tháng 7 năm nay. Với việc trang bị đầu đọc mã vạch CCCD tại Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế 12 xã, thị trấn, từ đầu năm đến nay đã có 4.403/10.040 (đạt 43,8%) hồ sơ quét thành công bằng thẻ CCCD gắn chíp.

Theo lãnh đạo Phòng Văn hoá - Thông tin huyện, để thực hiện tốt chương trình CĐS trên địa bàn huyện, thời gian tới, Ban Chỉ đạo CĐS huyện tập trung tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện quan tâm thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS một cách tích cực, hiệu quả; gắn liền và phục vụ hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị.

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm tập huấn về các nền tảng số; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về tầm quan trọng, tính cấp thiết của việc CĐS, cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện.

Theo Thu Trang (Báo Quảng Ninh)