Vỏ chai, túi thuốc trừ sâu: Kẻ thù của cánh đồng

Trong những năm gần đây, nhận thức được sự nguy hại của rác thải là vỏ chai, túi, lọ thuốc trừ sâu đã qua sử dụng rất độc hại, nếu bị vứt bừa bãi trên các cạnh đồng sẽ thấm vào nguồn lực, gây hại tới sức khỏe người dân. Do đó, các địa phương bên cạnh việc xây dựng các điểm tập kết thì cũng tích cực tuyên truyền nông dân thu gom loại rác thải độc hại này tập kết về các nơi quy định.

Tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng, không khó để bắt gặp các ống cống nước đúc bằng beton, được chôn thẳng đứng; hoặc các hố rác xây gạch đặt ngay ngắn tại các cánh đồng để người dân có thể dễ dàng vứt loại rác thải “đặc biệt” này. Mô hình các điểm thu gom tương tự cũng được xây dựng nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và lan ra khắp các tỉnh thành trên cả nước trong thời gian qua.

Điểm tập kết đã có, vấn đề tiếp theo là làm ssao vận động được nhân dân chịu mang loại rác thải độc hại này về vứt đúng nơi quy định. Vì vậy, nhiều địa phương đã có những kế hoạch tuyên truyền và những sáng kiến hay để vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành. Ví dụ tại tỉnh miền núi Bắc Kạn, chính quyền phát động phong trào thu gom vỏ bao, gói thuốc sâu sau sử dụng và rác thải nhựa rồi chụp lại hình ảnh để… nhận quà.

13 thu gom vo tui thuoc tru sau.jpg
Các mô hình vận động nông dân thu gom vỏ, túi thuốc trừ sâu được triển khai ở nhiều địa phương. 

Theo báo cáo của Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn, năm 2023 trên địa bàn tỉnh này phát thải ra môi trường khoảng hơn 3.500 kg vỏ bao gói thuốc sâu sau sử dụng. Năm 2022, tổng số lượng vỏ bao gói thuốc sâu sau sử dụng được thu gom khoảng 1.500kg, còn lại khoảng 2.000kg chưa được thu gom. “Công tác xử lý vỏ, bao gói thuốc sâu tại các bể chứa, thùng chứa tập trung gặp nhiều khó khăn, trong khi người dân vẫn chủ yếu tiêu hủy bằng biện pháp đốt, không đảm bảo an toàn”, lãnh đạo Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Kạn nói.

Xây dựng mô hình “Cánh đồng an toàn”

Tạm chia tay Bắc Kạn, chúng ta tiến xuống các tỉnh miền Tây – nơi là vựa lúa và trái cây số một cả nước - nơi có lượng thuốc trừ sâu được người dân sử dụng cũng lớn gấp nhiều lần. Ví dụ tại tỉnh Tiền Giang, lượng thuốc trừ sâu phun cho lúa, trái cây, hoa màu hàng năm tính bằng con số hàng chục tấn mỗi vụ.

Theo ông Đỗ Văn Úy, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang: Trên địa bàn huyện lượng thuốc trừ sâu được người dân sử dụng cho cây lúa, cây sầu riêng, cây dừa và những vườn ăn trái ngắn ngày (như nhãn, quýt, cam, chôm chôm…) là rất lớn. Lấy ví dụ xã Long Tiên có hơn 1.400 ha vườn cây ăn trái, trong đó trên 95% diện tích được nông dân chuyên canh cây sầu riêng. 

Với 47 bể chứa bao bì thuốc trừ sâu sau sử dụng, chỉ qua 3 năm thu gom, xử lý số lượng vỏ bao bì đã lên tới cả tấn. Tuy nhiên, từ khi tiến hành thu gom nông dân đã có ý thức bảo vệ môi trường hơn bởi bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất chính là bảo vệ sức khỏe và sinh kế của chính họ. “Nếu trước đây chúng tôi vứt thẳng vỏ bao, chai lọ đựng thuốc trừ sâu tại vườn, bờ mương thù nay ai nấy tự động thu gom rồi mang đến các bể chứa, để hạn chế gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh”, ông Úy cho biết.

Cũng theo ông Quý, riêng hơn 15.600 ha vườn cây ăn trái, 19.000 ha lúa và cây hoa màu, mỗi vụ sản xuất, nông dân sử dụng hàng chục tấn thuốc trừ sâu. Nếu bao bì, chai lọ không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Qua 3 năm triển khai thu gom với 1.237 bể chứa (có thể tích từ 1 - 3m3), được bố trí tại các địa điểm gần khu vực sản xuất, đường giao thông, huyện Cai Lậy đã tổ chức thu gom, xử lý được hơn 55,5 tấn bao bì các loại, đạt tỷ lệ 75,01% lượng bao bì thuốc trừ sâu được thải ra môi trường.

Không chỉ Cai Lậy, Tiền Giang mà các huyện thị của miền Tây như: Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Thành (An Giang), Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung (Đồng Tháp); Phụng Hiệp, Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành, Châu Thành A (Hậu Giang)... cũng đang xây dựng mô hình “Cánh đồng an toàn” với phương châm hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu mà chuyển sang canh tác hữu cơ, nếu phải dùng thuốc thì vỏ bao bì sẽ được thu gom 100% để đảm bảo an toàn.

Được biết, về lâu dài các địa phương này đang hạn chế dần việc sử dụng thuốc sâu, nhất là trên các vườn cây ăn trái, mở rộng các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với hướng sản xuất thân thiện và bảo vệ môi trường.

Vũ Huệ và nhóm PV, BTV