Văn hóa giữ vị trí đặc biệt và vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người.

PGS, TS. Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Phát triển văn hóa là một nhiệm vụ chiến lược lớn hướng đến các mục tiêu căn bản là phát triển xã hội. Trong giai đoạn 2021 - 2030, các mục tiêu căn bản cần tiếp tục thực hiện là:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức về văn hóa, nhìn nhận văn hóa trong sự đa dạng, công bằng, văn hóa có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nêu cao tinh thần phát triển từ văn hóa, vì mục tiêu văn hóa và đưa tinh thần đó thấm nhuần vào trong các thực hành xã hội và trong các chính sách. Kế thừa và phát huy giá trị văn hóa của các tộc người và vận hành các giá trị văn hóa đó để trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đất nước.

{keywords}
Phát triển văn hóa là thúc đẩy sức mạnh nội sinh, đưa văn hóa vào trung tâm của quá trình phát triển phù hợp với bối cảnh mới, văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với quá trình phát triển kinh tế  - xã hội. Ảnh minh họa.

Thứ hai, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới. Xây dựng nền văn hóa vừa hội nhập tốt với thế giới, vừa đề cao được bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến trên nền tảng vững chắc của văn hóa truyền thống 54 dân tộc và lòng tự hào về văn hóa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.

Thứ ba, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng tốt nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, kiên định lập trường chính trị, tư tưởng, có trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo tốt, có trách nhiệm, tuân thủ pháp luật, có lòng yêu nước, tự hào dân tộc, có tính nhân văn, lối sống văn hóa, khoan dung.

Thứ tư, tiếp tục xây dựng văn hóa trong kinh tế và chính trị, đầu tư cho văn hóa ngang hàng với đầu tư cho kinh tế, đưa văn hóa thấm sâu vào từng quy trình sản xuất, kinh doanh, từng sản phẩm kinh tế. Văn hóa phải trở thành yếu tố bên trong giúp định vị cơ cấu và vận hành hệ thống chính trị.

Thứ năm, xây dựng văn hóa trở thành hệ điều tiết để góp phần ổn định xã hội. Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh từ trong gia đình, cộng đồng đến ngoài xã hội, trong đó mỗi cá nhân ý thức được về hành vi của mình luôn nằm trong những ràng buộc về đạo đức, nhân cách và trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Tăng cường sức mạnh của hệ điều tiết này bằng những chuẩn mực xã hội, dư luận cộng đồng do chính người dân xây dựng, duy trì và thực hiện thường xuyên. Một xã hội được điều tiết bởi văn hóa chắc chắn là một xã hội hài hòa và phát triển toàn diện.

Thứ sáu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa và thực hiện văn hóa pháp luật trong toàn xã hội, đưa các hoạt động văn hóa đi vào chiều sâu, chú ý đến tính hiệu quả, tránh hình thức, bề nổi. Cần xây dựng văn hóa pháp luật và đưa văn hóa pháp luật thấm sâu vào lối sống, nếp suy nghĩ và hành vi của mỗi người dân, bảo đảm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, vì vậy chính những cơ quan làm ra luật, và những người thực thi pháp luật cần thực hiện tốt văn hóa pháp luật.

Thứ bảy, nâng tầm hội nhập quốc tế về văn hóa, vừa tiếp nhận được tinh hoa văn hóa thế giới, bắt kịp sự phát triển của thời đại, vừa giữ gìn và làm giàu bản sắc văn hóa. Xác định bản sắc văn hóa dân tộc là cơ sở cốt lõi bảo đảm cho sự giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế được bền vững và không bị hòa tan.

Thứ tám, xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa lành mạnh, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, gia tăng sức mạnh mềm văn hóa trong đối thoại kinh tế, chính trị, ngoại giao,...

Thứ chín, nghiên cứu toàn diện và bài bản về văn hóa, cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, cả nghiên cứu lý luận và nghiên cứu thực tế để nhận diện rõ giá trị văn hóa, quá trình phát triển và biến đổi văn hóa cùng những vấn đề đặt ra, từ đó tạo cơ sở khoa học cho việc hoạch định hệ thống chính sách liên quan.

Hằng Nga