Trong bối cảnh hiện nay, những biến động về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại sẽ tạo ra những tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, nhiều mức độ đến từng quốc gia, trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Nhu cầu giao lưu văn hóa, hợp tác nhân dân giữa các quốc gia ngày càng được chú trọng.

Với tính chất là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh mềm của quốc gia, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được thúc đẩy, các nước đều có xu hướng nhìn nhận văn hóa là một thành tố quan trọng trong quan hệ quốc tế, thúc đẩy lòng tin, quảng bá các sản phẩm văn hóa nhằm lan tỏa bản sắc dân tộc, nâng cao hình ảnh và vị thế đất nước, đồng thời bảo tồn và tiếp thu, làm giàu kho tàng văn hóa của quốc gia. Chính văn hóa là yếu tố dẫn đường, là điều kiện cần thiết và không thể thiếu cho việc thực hiện các mục tiêu ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, tăng cường sự hiểu biết, củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ giữa các quốc gia, đóng góp trực tiếp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển.

Là một đất nước có bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng cùng nền văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam có tiềm năng to lớn để xây dựng và triển khai chính sách ngoại giao văn hóa xứng tầm với vị thế của đất nước, cũng như đóng góp quan trọng, hiệu quả vào quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trong những năm tới. Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 đã đặt mục tiêu “sử dụng công cụ văn hóa trong ngoại giao nhằm đưa quan hệ Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định, bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động nguồn lực bên ngoài, biến điều kiện thuận lợi, vị thế đất nước thành nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời dùng các biện pháp ngoại giao để tôn vinh các giá trị, vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, qua đó khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, tăng cường sức mạnh mềm, nâng cao vị thế đất nước”(1).

Mục tiêu này một lần nữa nhấn mạnh vai trò của ngoại giao văn hóa trong nền ngoại giao Việt Nam toàn diện và hiện đại. Ngoại giao văn hóa sẽ cùng với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế phục vụ các mục tiêu, lợi ích của quốc gia, dân tộc, cụ thể là mục tiêu về hòa bình, an ninh, phát triển và vị thế, ảnh hưởng; gắn kết chặt chẽ văn hóa với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế và những định hướng chính sách đối ngoại đến năm 2030 của Đảng, của đất nước.

Ngoại giao văn hóa của Việt Nam trong thời gian tới sẽ được triển khai với năm nhiệm vụ cụ thể: 1- Thúc đẩy và làm sâu sắc hơn quan hệ, lòng tin giữa Việt Nam với các quốc gia, khu vực, các tổ chức quốc tế; 2- Hội nhập chủ động, sâu rộng trong các lĩnh vực về văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; 3- Quảng bá và lan tỏa hình ảnh về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế; 4- Vận động, bảo vệ và phát huy các di sản Việt Nam được quốc tế công nhận; 5- Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong một thế giới toàn cầu hóa và liên kết quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, văn hóa ngày càng được các quốc gia nhìn nhận là nhân tố đóng vai trò quan trọng, là nguồn lực nội sinh và là động lực phát triển, bảo vệ quốc gia trong tình hình mới. Theo đó, cần phát huy và chuyển tải tối đa những giá trị mang ý nghĩa sâu sắc, nhân văn, nhân bản của nét đẹp, truyền thống văn hóa dân tộc và thời đại vào các hoạt động đối ngoại, để văn hóa thực sự có những đóng góp toàn diện, hiệu quả, thực chất hơn đối với việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới.

Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoại giao văn hóa cần bám sát nhiệm vụ phục vụ và bảo đảm tối đa mục tiêu bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, cụ thể là hòa bình, an ninh, ảnh hưởng và nâng cao vị thế đất nước. Quá trình triển khai cần gắn kết chặt chẽ với các định hướng chính sách đối ngoại lớn của Đảng, của đất nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương, các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần xác định hoạt động văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ gói gọn trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc thù, mà còn bao gồm các lĩnh vực, như khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân... và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Việc gắn kết công tác ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục được thúc đẩy. Những thành tố này luôn có mối quan hệ hữu cơ, tác động qua lại, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Nếu ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế tạo nền tảng vật chất thì ngoại giao văn hóa tạo nền tảng tinh thần cho các hoạt động đối ngoại, đưa bản sắc, nghệ thuật ngoại giao mềm mỏng, linh hoạt, yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, giàu tính nhân văn cho ngoại giao chính trị, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu địa phương,... hỗ trợ ngoại giao kinh tế.

Việc triển khai toàn diện, có hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa cần được nhận thức sâu sắc là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, các đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp, người dân và người Việt Nam ở nước ngoài dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý thống nhất của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách để triển khai công tác ngoại giao văn hóa.

Tiếp tục kế thừa, tiếp thu, vận dụng sáng tạo để hoàn thiện việc định hình nội hàm, thông điệp chủ đạo, bản sắc của ngoại giao văn hóa Việt Nam; tăng tính gắn kết giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác ngoại giao văn hóa trong bối cảnh hiện nay cần coi trọng bám sát xu hướng và sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là sự tiến bộ về công nghệ số, kỹ thuật số nhằm thích ứng và đưa ngoại giao văn hóa Việt Nam hội nhập nhanh, sâu rộng vào khu vực và thế giới.

Cùng với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra chủ trương: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Đây là một chủ trương lớn, phản ánh sự trưởng thành của nền ngoại giao Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với công tác đối ngoại nói chung, trong đó có ngoại giao văn hóa. Bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra, đồng thời linh hoạt, sáng tạo trong ý tưởng và biện pháp triển khai, ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục phát huy vai trò là một trụ cột đối ngoại quan trọng và có những đóng góp lớn, góp phần nâng tầm và lan tỏa các giá trị Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Phạm Bằng, Hoàng Giang, Lương Bằng