Đây không chỉ là yếu tố quan trọng trong công tác đảm bảo chất lượng đào tạo, mà còn là giá trị cốt lõi để rèn luyện nhân cách, hình vi và tăng tính nhận thức của người trẻ để có cách sống đẹp.

Thực tế không thể phủ nhận, trong bối cảnh hiện nay nhiều trường hợp vẫn chưa đảm bảo quy tắc văn hóa ứng xử của sinh viên. Điều này đặt ra câu hỏi “Làm thế nào để các quy tắc ứng xử cho người học có thể trở thành cách sống, lý tưởng sống?”. Vì vậy, sinh viên không chỉ được lắng nghe tuyên truyền, mà còn phải nhận thức từ tư tưởng đến hành vi. 

Giá trị về đạo đức là nền tảng cốt lõi của giáo dục

Với giáo dục,  theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “có tài mà không có đức là người vô dụng”, bên cạnh tiếp thu tri thức, sinh viên luôn phải được định hướng về văn hóa ứng xử đúng đắn bởi lẽ đạo đức vẫn là giá trị cốt lõi. 

Văn hóa ứng xử đề cập đến các giá trị, chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ, lời nói trong giao tiếp với mọi người xung quanh. 

Có thể nói, sinh viên là thế hệ người trẻ có nhiều thay đổi trong diễn biến tâm lý và hành vi, việc ý thức về văn hóa ứng xử càng được các trường đại học, cơ sở đào tạo chú trọng. Đây là nền tảng để người học phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, cách sống văn minh.

Về phía nhà trường cần xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Đây cũng là mục tiêu chung trong Quyết định phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018- 2025” của Thủ tướng Chính phủ. 

sinh vien 1.jpeg
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM

Các trường đại học ban hành quy tắc về văn hóa ứng xử của sinh viên một cách rõ ràng, cụ thể. Bộ quy tắc được xem là nền tảng để các bạn xem xét, thực hiện nghiêm túc. Việc ứng xử văn minh, lịch sự trong môi trường học đường không chỉ có giá trị tại thời gian đó, còn là hành trang hỗ trợ người trẻ phát triển ở cuộc sống sau này. Đặc biệt trong mỗi bối cảnh khác nhau phải luôn được cập nhật, điều chỉnh sao cho phù hợp.

Tại trường Đại học Kinh tế - Thành phố TP.HCM (UEF), sinh viên được yêu cầu thực hiện các quy tắc trong văn hóa ứng xử như văn hóa tôn trọng giá trị cá nhân, văn hóa trung thực trong giáo dục, văn hóa ứng xử lễ phép và nghiêm túc, văn hóa xếp hàng, văn hóa thực hiện kỷ cương học đường, văn hóa giữ gìn vệ sinh và cảnh quan trường, văn hóa sử dụng tài nguyên nhà trường... 

Đây là những tiêu chí để sinh viên trường rèn luyện toàn diện. Tâm thế chủ động thực hiện tốt các quy tắc văn hoá ứng xử, xây dựng môi trường văn minh giúp các bạn hình thành tinh thần học tập tích cực hơn, tạo văn hóa học đường lành mạnh.

Thay đổi từ nhận thức đến hành vi qua hoạt động

Ban hành quy tắc, tuyên truyền thực hiện là bước đầu mang tính bắt buộc đối với sinh viên. Song, để các bạn nhận thức và xem văn hóa ứng xử không chỉ là quy tắc, mà còn là cách sống cần được xây dựng nghiêm túc là “bài toán khó” cho các trường đại học, cơ sở đào tạo. 

Bạo lực học đường, cư xử không đúng chuẩn mực sư phạm... nhiều trường hợp tiêu cực vẫn diễn ra. Ngoài quy tắc, quy định, điều quan trọng là thay đổi chính nhận thức của sinh viên trong văn hóa ứng xử. 

Chương trình đào tạo nên tích hợp chủ đề về văn hóa ứng xử với các tình huống mô phỏng, qua đó giảng viên có thể truyền đạt và nhấn mạnh các giá trị để sinh viên nhìn nhận đúng đắn hơn. Hoạt động ngoại khóa như talkshow, workshop được tổ chức tại trường có thể truyền cảm hứng cho sinh viên từ những câu chuyện nhân văn về văn hóa ứng xử thông qua trải nghiệm cụ thể của diễn giả khách mời hay tổ chức các cuộc thi trẻ trung, thiết thực để chính các bạn tham gia bằng tư duy và hành động.

Các tổ chức sinh viên như Đoàn – Hội, câu lạc bộ hay sự kiện văn hóa – văn nghệ - thể thao, hoạt động kết nối cộng đồng,... cũng là môi trường thực tế để sinh viên thực hành văn hóa ứng xử và rèn luyện kỹ năng mềm hiệu quả. Bên cạnh đó, trường học cũng cần có tổ chức tâm lý đến tham vấn, định hướng về văn hóa ứng xử cho sinh viên trong các trường hợp cụ thể mà sinh viên không thể giải quyết hợp lý. 

Những hành vi tích cực phải được xây dựng để trở thành “hiệu ứng cánh bướm”, không chỉ giáo dục sinh viên, chính cán bộ, giảng viên, nhân viên của toàn trường phải nghiêm túc thực hiện quy tắc về văn hóa ứng xử, từ đó lan tỏa giá trị tốt đẹp đến người trẻ. 

Đơn cử như UEF, trường có chương trình phiên tòa giả định được tổ chức thường xuyên, trong đó có nhiều chủ đề về học đường, gia đình và xã hội giúp sinh viên ý thức đúng đắn về hành vi ứng xử một cách “hợp tình hợp lý”.

Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật được thành lập tại trường cũng là nơi hỗ trợ các bạn kịp thời trong vấn đề ứng xử cần được định hướng hay những chương trình workshop, talkshow với nhiều diễn giả chất lượng, tạo động lực cho sinh viên thường xuyên diễn ra. 

Từ việc thực hiện văn hóa ứng xử, sinh viên và các bạn trẻ cũng cần trang bị đầy đủ các yếu tố để hướng đến sống đẹp, sống xanh. Đọc sách, rèn luyện thể chất, chăm sóc bản thân, trau dồi kỹ năng mềm, xác định giá trị bản thân, tham gia hoạt động xã hội. Những điều này giúp các bạn có thói quen sống tích cực hơn, và chỉ khi nó được thực hiện một cách có kỷ luật thì mới trở nên sống tốt. 

Văn hóa ứng xử là một trong những quy tắc tạo ra giá trị về đạo đức mà các trường học đều mong muốn học sinh, sinh viên thực hiện. Ý thức từ những việc nhỏ, người trẻ mới có thể hướng đến những mục tiêu lớn. Trước khi có lối sống đẹp, các bạn cần rèn luyện để có lối sống đúng, điều này cũng giúp người trẻ vượt qua thử thách và đạt được nhiều giá trị ý nghĩa. 

 

Ngọc Diệp và nhóm PV, BTV