Thực tế cho thấy, mỗi chuyến ra khơi ngư dân phải đối diện với rất nhiều gian nan và hiểm nguy, thế nhưng tất cả họ đều tâm huyết bám ngư trường Hoàng Sa đến cùng. Họ chỉ căm ghét chứ không hề sợ "cướp biển” ở Hoàng Sa. Bởi họ ý thức rằng, nơi đó là Tổ quốc thiêng liêng. Nên cho dù bắt bớ, tịch thu tàu, hải sản, thậm chí bị đánh đập, họ vẫn đấu tranh, vẫn ra khơi, dong buồm phất cờ thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa.
Những ngư dân không sợ giặc cướp ở Hoàng Sa - KỲ 1
Thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa
Quảng Ngãi hiện có gần 6.000 tàu cá, trong đó có trên 1.000 tàu thuyền đang hoạt động đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam (tại Hoàng Sa có hơn 600 tàu với gần 1.000 lao động, tại Trường Sa có 425 tàu với trên 700 lao động). Còn Quảng Nam có trên 3.200 tàu cá tham gia đánh bắt hải sản, trong đó có gần 500 tàu đánh bắt xa bờ ở 2 quần đảo nói trên.
Chỉ tính riêng huyện Núi Thành đã có 2.445 phương tiện hoạt động khai thác hải sản với tổng công suất 52.250 CV, thu hút 9.400 lao động địa phương. Trong số đó, có hơn 2.000 lao động đặc thù đánh bắt xa bờ mà chủ yếu là ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Hay như huyện đảo Lý Sơn, dân số hơn 21.000 người đã có đến 70% dân số sống bằng nghề biển. Hiện tại, Lý Sơn có tổng số 411 tàu thuyền, tổng công suất 36.434 CV, với gần 3.000 lao động trực tiếp tham gia trên biển, trong đó có 120 tàu đánh bắt xa bờ.
"Sói biển" Mai Phụng Lưu từng tâm sự: "Nhiều đời cha ông của chúng tôi đã bám biển Hoàng Sa, nay đến lớp lớp, đời đời con cháu chúng tôi vẫn bám biển. Riêng tôi có hàng chục năm bám ngư trường Hoàng Sa. Việc Trung Quốc gây khó dễ, hay bắt bớ đánh đập, cản trở việc ngư dân đánh bắt hải sản, khiến chúng tôi vô cùng tức giận chứ không hề sợ. Tôi sẽ mãi mãi bám biển Hoàng Sa và con cháu chúng tôi vẫn vậy". Đó cũng là tâm sự của nhiều ngư dân đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.
Còn ngư dân kỳ cựu Phan Kim Nhựt ở xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) khẳng định: "Bà con chúng tui luôn đi về vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa bởi nơi đó là Tổ quốc thiêng liêng!"
Các ngư dân Việt Nam chuẩn bị đồ nghề lặn bắt hải sâm tại ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam |
Biển không phụ lòng người!
Trong quá trình kiên tâm bám biển, ngư dân cũng đã gặt hái những kết quả tốt đẹp. Quảng Ngãi hằng năm khai thác được trên 100.000 tấn hải sản các loại. Riêng Bình Chánh là một xã ven biển, hiện có 102 tàu cá, hằng năm đánh bắt khoảng 10.000 tấn hải sản. Còn từ đầu năm đến nay, bà con ngư dân huyện Đức Phổ, với 1.306 chiếc tàu, tổng công suất trên 135.000 CV đã ra khơi đánh bắt hải sản đạt trên 34.100 tấn,..
Hay như tại huyện đảo Lý Sơn, năm 2011 khai thác trên 31.000 tấn hải sản các loại, đạt giá trị kinh tế hơn 250 tỉ đồng. Năm 2012 dự kiến khai thác đạt sản lượng hải sản 35.000 - 37.000 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 300 tỷ đồng. Cùng với đó, dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn huyện đã hình thành và phát triển, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Tại Quảng Ngãi, từ giữa tháng 2 đến nay, ngư dân các huyện Lý Sơn, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Đức Phổ, Mộ Đức (Quảng Ngãi) liên tiếp được mùa cá cơm. Bình quân mỗi đêm ngư dân đánh bắt từ 20 - 30 tấn cá, giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, bà con thu về từ 250 - 450 triệu đồng. Trong khi đó những ngày qua, ngư dân xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa đã trúng đậm cá mập.
Như tàu cá QNg-27225 -TS của anh Trần Thái Sơn (35 tuổi) vừa cập bến với 40 con cá mập, trong đó có con nặng hơn 4 tạ. Với giá cá mập hiện nay 1,8 triệu đồng/kg, tính ra, sau 2 đêm săn cá mập, tàu cá của anh Sơn thu về 200 triệu đồng. Hay như tàu cá của ông Cao Đình Trung chỉ trong một đêm đã săn được 98 con cá mập, bán được gần 1 tỷ đồng.
Những ngư dân vẫn thẳng tiến ra ngư trường |
Còn tại Quảng Nam, mùa khai thác hải sản năm 2011, ngư dân huyện Núi Thành đạt sản lượng khá, góp phần nâng cao đời sống ngư dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động với thu nhập đáng kể. Kết thúc vụ mùa năm ngoái, toàn huyện đã đánh bắt được 28.780 tấn hải sản, tăng 7,23% so với năm 2010. Năm nay huyện Núi Thành phấn đấu khai thác 27.000 tấn hải sản các loại. Ông Nguyễn Tin - Chủ tịch UBND xã Tam Quang (huyện Núi Thành) cho biết: "Trong năm 2011, toàn xã khai thác được 12.800 tấn hải sản"...
Với sự kiên tâm bám biển, biển cả cũng đã không phụ lòng người. Ngư dân vẫn sống với nghề đánh bắt xa bờ, cho dù đó đây vẫn còn giặc cướp nhưng bà con không nao núng tinh thần. Bởi ngư trường biển truyền thống Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, của cha ông đã nhiều đời để lại cho chúng ta. Sự kiên trì bám biển này thật đáng trân trọng. Cờ Tổ quốc mỗi ngày tung bay trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa là niềm hạnh phúc không của riêng ai.
Tấn Thành
Theo Đại Đoàn Kết