- Chiều 13/6, QH thảo luận dự thảo sửa nghị quyết 35 của QH về lấy, bỏ phiếu tín nhiệm.
Nhiều ĐB đồng tình 3 mức tín nhiệm là không hợp lý. ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chỉ ra: Không sợ để hai mức bị trùng giữa lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, vì hình thức giống nhau nhưng hệ quả khác hẳn nhau.
“Cứ để 2 mức tín nhiệm và không tín nhiệm, bỏ phiếu xong mới định lượng cụ thể cao thấp, có thể có chân lý thứ ba, nếu 50% phiếu tín nhiệm thấp, 50% phiếu tín nhiệm cao thì là tín nhiệm cao hay thấp”, ông Đương cho rằng 3 mức làm phân tán số phiếu, không phản ánh đúng thực chất mức độ tín nhiệm.
ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) đồng tình: Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm, tín nhiệm cao hoặc tín nhiệm thấp chứ không có mức ở giữa. Các ĐB sẽ cân nhắc, tính toán, nhận xét.
Phó đoàn ĐBQH Hà Nội Chu Sơn Hà cũng thấy để hai mức lấy phiếu tín nhiệm không lo trùng với bỏ phiếu tín nhiệm: lấy phiếu tín nhiệm là “lượt đi”, bỏ phiếu tín nhiệm là lượt về.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì thừa nhận không thể nào thông suốt được giải thích “3 mức là để thận trọng trong công tác cán bộ”: Mỗi ĐB phải thận trọng khi đánh giá một con người chứ sao lại phụ thuộc vào mức có sẵn.
ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) chia sẻ: Các vị ấy được bầu và phê chuẩn vào những chức vụ quan trọng như thế nghĩa là đã phải qua rất nhiều bước công tác cán bộ của Đảng rất thận trọng rồi chứ.
ĐB Trần Văn Độ (An Giang) cũng muốn phiếu chỉ có hai mức, còn “kết luận cuối cùng thì cũng 3 mức thôi”.
ĐB Đỗ Mạnh Hùng: 3 mức như hiện nay an toàn quá |
Cũng có ĐB đồng tình 3 mức nhưng như Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng, “giữ cũng không thể như cũ”, vì dân chê là “an toàn quá” - người nhiều phiếu tín nhiệm thấp nhất cũng không quá bán.
Ông Hùng cho rằng bên cạnh phương án 2 mức (tín nhiệm và tín nhiệm thấp) thì có thể có 3 mức là “tiếp tục công việc/chức trách được giao”, “bố trí công tác khác” và “nên từ chức”.
“Như vậy lấy phiếu sẽ khác với bỏ phiếu, nhưng rõ ràng thái độ hơn, không an toàn quá như cũ”, ông Hùng nói.
Cũng không thể giải thích được với dân về 3 mức hiện hành, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) kiến nghị hoặc 2 mức, hoặc 3 mức “tín nhiệm”, “không tín nhiệm” và “không có ý kiến” cho những ĐB chưa hiểu đủ nhiều để đánh giá về một vị bộ trưởng náo đó.
ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng thấy 3 mức như hiện nay là không nên, vì thấp cao vẫn đều tín nhiệm cả, “dân đã có ý kiến thì phải lắng nghe”.
Nhưng theo ông Nam, 2 mức thì nghiệt ngã, nên đề nghị 3 mức “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. “Như thế thể hiện được thái độ của ĐB mà cũng gần với thực tế cuộc sống”.
Trong số các ĐB ủng hộ giữ nguyên 3 mức như hiện nay có ĐB Danh Út (An Giang): 3 mức để người được lấy phiếu biết mình được đánh giá thế nào để còn sửa chữa, ĐB cũng có nhiều lựa chọn.
Còn ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) thấy 2 hay 3 mức thì rủi ro cho người được lấy phiếu không thay đổi: Ai bị tín nhiệm thấp thì vẫn tín nhiệm thấp, nhưng 3 mức thì rõ được tín nhiệm cao hay vừa.
Nhưng có một điểm đa số ĐB đồng tình là việc lấy phiếu lần đầu đã có tác dụng tốt, một số vị đã có tiến bộ rõ rệt trong công việc như Bộ trưởng GTVT, Thống đốc NHNN…
ĐB Trương Minh Hoàng: Lấy phiếu 2 lần để người tiến bộ được ghi nhận |
Đa số ĐB cũng chia sẻ ý kiến lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, vào cuối năm thứ 2 (kỳ họp thứ 4) và cuối năm thứ 4 (kỳ họp thứ 8).
ĐB Trương Minh Hoàng nhận định: Nếu lấy phiếu tín nhiệm là để nâng cao hiệu lực giám sát của ĐB thì phải thể hiện chính kiến ít nhất hai lần. Để người được lấy phiếu biết mức độ tín nhiệm của mình thì phải có lần hai để họ được ghi nhận khi tiến bộ, thể hiện sự công bằng của nhân dân và ĐB. Nếu là để phục vụ công tác cán bộ thì lấy phiếu cuối năm thứ 4 có thể giúp Đảng chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Các ĐB cũng đồng tình bổ sung thêm vào đối tượng lấy phiếu các thủ trưởng cơ quan chuyên môn của UBND các cấp vì đây là những chức danh có quyền lực ảnh hưởng trực tiếp đến nhân dân.
Với rất nhiều ý
kiến ĐB khác với dự thảo như vậy, ông Nguyễn Sỹ Cương nhận xét: Nếu QH thông qua
việc sửa nghị quyết này như dự thảo thì sau đó đi tiếp xúc cử tri ĐB sẽ không
biết nói với dân như thế nào.
Theo báo Tuổi trẻ, ngay trước phiên thảo luận này, CP đã có văn bản góp ý cho dự thảo này: CP nhất trí với phương án giữ nguyên 3 mức “Tín nhiệm cao”, “Tín nhiệm” và “Tín nhiệm thấp”. Nhưng CP đề nghị không quy định kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ trực tiếp để thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm nhằm phù hợp với mục đích của lấy phiếu tín nhiệm là ‘làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”… CP nêu ra một số lí do cho đề nghị trên, trong đó cho rằng không phù hợp với giải thích từ ngữ lấy phiếu tín nhiệm là hoạt động “thăm dò mức độ tín nhiệm..., để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ”, cũng như mục đích lấy phiếu tín nhiệm là giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phân đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; đồng thời, không bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. CP cũng cho quy định trên khó khả thi, nhất là việc bố trí cán bộ kịp thời thay thế trong trường hợp nếu kết quả bỏ phiếu tín nhiệm là không được tín nhiệm. |
Chung Hoàng - Ảnh:
Minh Thăng