Việc quyết định có vay của đối tác Trung Quốc trong dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) hay không đang được cân nhắc và đàm phán.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc quyết định có vay của đối tác Trung Quốc số tiền 300 triệu USD, tương đương 7.000 tỷ đồng trong dự án xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (Quảng Ninh) hay không đang được cân nhắc và đàm phán.

Theo đó, nội dung đàm phán chủ yếu nhằm thay đổi điều kiện vay thuận lợi hơn, như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định cho nhà thầu Trung Quốc.

{keywords}

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dùng vốn ODA Trung Quốc

Trước thực tế, vay vốn ưu đãi Trung Quốc thường đi kèm rất nhiều điều kiện, nếu tính cộng những điều kiện này thậm chí giá đi vay không hề rẻ, trao đổi với báo chí Bộ trưởng Dũng cho rằng, điều kiện đi kèm vốn vay ưu đãi tuỳ nhà đầu tư.

Cụ thể, có nhà đầu tư đa phương không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hoá vật tư của họ nhưng nhà thầu song phương lại quan tâm đến điều này. Do đó, vấn đề cần hài hoà lợi ích người đi vay và cho vay để giảm thiểu những rủi ro đi kèm nếu có.

“Trong dự án này, chúng ta đang cố gắng đàm phán không chỉ định thầu là nhà thầu Trung Quốc, tất cả phải đấu thầu công khai. Đạt được điều kiện này thì sẽ tăng hiệu quả của dự án”, Bộ trưởng Dũng cho hay.

Hiện, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhiều lưu ý liên quan đến đề xuất này từ phía Trung Quốc chủ yếu liên quan đến hiệu quả dự án, vấn đề lãi suất và đặt vấn đề phía Trung Quốc liệu có chỉ định thầu, dây dưa, đội vốn dự án,...

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển, trước khi đề cập đến nguồn vốn 300 triệu USD thì vấn đề cần xem dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có quan trọng hơn các dự án khác hay không, nếu con đường chưa thật cần thiết và làm vì có vốn vay điều này sẽ khiến ngân sách trở nên căng thẳng hơn.

{keywords}

Từ trái qua: TS. Lê Đăng Doanh, TS. Đinh Thế Hiển, TS. Lưu Bích Hồ

“Có rất nhiều con đường làm ra vì có nguồn vốn làm nhưng nguồn vốn ở đâu thì cũng đưa về nợ ngân sách cũng là nợ, có nhiều con đường ở miền Bắc rơi vào tình huống này, đầu tư quá nhiều nhưng không hiệu quả”, ông Hiển nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhập siêu từ Trung Quốc trong bối cảnh tái cấu trúc thương mại thì đẩy mạnh thương mại với Trung Quốc là chưa cần thiết trong khi tại phía Nam, nhiều hạ tầng như tại Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên đầu tư chưa đạt, thiếu các con đường có động lực kết nối. Do đó, theo ông trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái nên để lại sau tập trung vốn đầu tư các con đường trọng điểm phía Nam.

Ông Hiển cũng thẳng thắn chỉ ra những nhược điểm của các dự án vốn vay Trung Quốc, không được giám sát chặt chẽ như WB, IMF… từ đó khiến khoản vay không đưa đến đúng công trình, các nước không thấy hiệu quả nên đã “dị ứng”.

Ở Việt Nam, ông cũng cho rằng có quan điểm là không nên vay Trung Quốc do quản lý khoản vay không minh bạch, khác với khoản vay thương mại thuận mua vừa bán, rõ ràng và không có yếu tố gì khác và phía vay được chủ động sử dụng.

TS. Hiển cũng chia sẻ, tại Việt Nam, hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian. “Chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả mà thường đội vốn, kéo dài. Hầu hết các khoản vay đều kèm theo các điều kiện thi công, nhà thầu Trung Quốc”, ông Hiển nói.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng cho biết, nếu vay ưu đãi Trung Quốc, Việt Nam có thể phải chấp nhận phương án thi công, thiết kế, nhân công, nhà thầu Trung Quốc.

“Không ngoại trừ trường hợp phía Trung Quốc cho vay không đủ tiền, dây dưa đội vốn công trình, chẳng hạn như đối với dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông”, ông Doanh cảnh báo.

Cũng dẫn bài học đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, theo TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), không áp dụng điều kiện thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng EPC với nhà thầu Trung Quốc. “Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là một bài học, về tình trạng đội vốn, nhà thầu Trung Quốc quyết định toàn bộ”, ông nói.

(Theo Bizlive)