Chấp nhận món nợ “khủng”

Kenya là quốc gia châu Phi đã vay 4,7 tỷ USD từ Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc để xây đường sắt.

{keywords}
Người dân Kenya ăn mừng khai trương tuyến đường sắt chở khách nối Mombasa – Nairobi. Ảnh: SCMP

Cụ thể, dự án đường sắt khổ chuẩn dài 580 km, kết nối thành phố duyên hải Mombasa với thị trấn Naivasha, gần thủ đô Nairobi của Kenya đã hoàn thành vào tháng 10/2019, gồm hai phần: phần đầu tiên kết nối Mombasa với thủ đô Nairobi có vốn đầu tư 3,2 tỷ USD và phần thứ hai kết nối Nairobi với Naivasha, có vốn đầu tư 1,5 tỷ USD.

Theo SCMP, nhà thầu chính của một phần dự án là Tổng Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) – một thành viên của Tập đoàn Xây dựng Kiến thiết Trung Quốc (CCCC), phần còn lại do CCCC trực tiếp đảm nhận.

Để thực hiện dự án này, Kenya thực hiện 2 khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (Chexim) với thời hạn trả 20 năm, bao gồm một khoản vay trị giá 1,6 tỷ USD với mức lãi suất thương mại và một khoản vay nữa cũng có trị giá tương đương với mức lãi suất ưu đãi.

Những tưởng, con đường sắt tỷ đô này sẽ giúp cho nền kinh tế của quốc gia Đông Phi này có phần khởi sắc, khi 22 triệu tấn hàng hóa được dự đoán sẽ vận chuyển mỗi năm. Thời gian vận chuyển được cắt giảm từ 2 ngày còn 8 tiếng (tàu chở hàng vận tốc chậm hơn so với tuyến chở khách). Tuy vậy, mọi chuyện đều không như dự kiến.

“Bóng ma nợ khổng lồ”

{keywords}
Đoạn đường sắt 120 km nối Nairobi và Naivasha được kỳ vọng giúp phát triển kinh tế, song nhiều người lo nó khiến Kenya chìm sâu vào nợ nước ngoài. Ảnh: SCMP

Hàng loạt thách thức và khó khăn đặt ra đã khiến đoàn tàu trở thành tâm điểm luận chiến về gánh nợ mà nó chất nặng lên vai Chính phủ Kenya.

Tháng 12/2018, báo chí Kenya đưa tin, một bến cảng ở Mombasa có nguy cơ bị Bắc Kinh tịch thu liên quan đến các khoản nợ chưa trả. Kenya đã vay 9,8 tỷ USD của Bắc Kinh tính đến năm 2017, theo Viện Nghiên cứu sáng kiến Trung Quốc – châu Phi Johns Hopkins, hay gần 20% tổng nợ nước ngoài của quốc gia châu Phi.

Chính phủ Kenya và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác báo cáo trên, song người dân Kenya vẫn không khỏi lo lắng về món nợ này.

Năm 2018, nợ công của Kenya chiếm đến 63,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) theo ước tính hồi tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) làm tăng rủi ro nợ của nước này lên mức trung bình.

Dù Kenya đã trả xong khoản tiền lãi đầu tiên 350 triệu USD vào tháng 1 đầu năm nay cho Trung Quốc, song nước này vẫn còn đang bế tắc với phần thanh toán lãi tiếp theo vì tuyến đường sắt Mombasa-Naivasha vẫn chưa có lợi nhuận.

Theo chính phủ Kenya cho biết, năm ngoái, tuyến đường sắt nói trên tạo doanh thu 130 triệu USD nhưng chi phí phát sinh, chi phí vận hành lên tới 170 triệu USD.

Không những vậy, đại dịch Covid-19 đã làm tổn hại và bộc lộ khả năng sinh lời kém và đặc biệt tồi tệ hơn của tuyến đường sắt trị giá gần 5 tỷ USD đang khiến giới chức Kenya “lo lắng tột cùng” khi sắp tới hạn thanh toán.

Kêu gọi Trung Quốc đàm phán lại

{keywords}
Nhiều người dân nghèo tại Kenya cho rằng tuyến đường sắt tỷ USD này “chỉ dành cho người giàu”. Ảnh: Getty

Vào tuần trước, Ủy ban vận tải Kenya đề xuất tái thương lượng các khoản vay từ Chexim. Ủy ban này cho biết chính phủ Kenya cũng yêu cầu Công ty Africa Star Railway giảm 50% mức phí quản lý hàng tháng 10 triệu USD.

Chính phủ Kenya cũng hy vọng Bắc Kinh sẽ nới kỳ hạn trả nợ, trong bối cảnh nước này đang phải xoay xở từ nguồn thuế ít ỏi do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh tái thương lượng nợ với Trung Quốc ở các khoản vay trong dự án tuyến đường sắt Mombasa-Naivasha, các quan chức Bộ Tài chính Kenya cho biết họ cũng muốn đề nghị Trung Quốc giảm một phần trong tổng nợ của Kenya đối với Trung Quốc.

“Kenya buộc phải đàm phán lại với Trung Quốc về các khoản nợ. Dự án đường sắt không mang lại thu nhập, ngân sách từ thuế sụt giảm do đại dịch Covid-19 khiến Kenya không còn sự lựa chọn nào khác”, Tony Watima – chuyên gia kinh tế tại Kenya – nhận xét. “Tính riêng tuyến đường sắt do Trung Quốc xây dựng cũng đã chiếm tới 12% tổng các khoản nợ nước ngoài hiện Kenya đang phải chịu.”

Mỹ và một số nước phương Tây từ lâu đã cảnh báo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc là “bẫy nợ”. Mỹ cho rằng, các nước nghèo phải đánh đổi lợi ích kinh tế, chính trị, thậm chí là quân sự để đổi lấy các khoản vay từ Bắc Kinh.

Tại châu Phi, hiện đã có ba nước gồm Ethiopia, Cộng hòa Congo và Angola tái đàm phán nợ thành công với Trung Quốc.

(Theo SCMP / Dân Trí)