Việc bổ nhiệm hàng loạt con cháu giữ các chức vụ ở Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam đang gây bức xúc dư luận. Tổng Cty này và Tổng Cty tương tự ở miền Bắc còn có nhiều hoạt động bất minh, sai phạm, khiến các tuyến đường thủy mất an toàn, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Những vụ nạo vét tiền tỷ
Hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách được Bộ GTVT cấp cho Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam và Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Bắc nạo vét, duy tu thông thoáng những tuyến luồng lớn. Tuy nhiên, nhiều năm nay, sai phạm từ đơn vị thi công đổ bùn sai vị trí để chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước vẫn cứ âm ỉ diễn ra. Ai đang tiếp tay cho những vi phạm này?
“Đại công trường” trên sông
Cuối năm 2013, hàng loạt công trình nạo vét duy tu luồng ở hai miền Nam - Bắc ồ ạt thi công để giải ngân hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tháng 10/2013, một công trình nạo vét duy tu 4,8 km luồng Vũng Tàu - Thị Vải kinh phí từ ngân sách là 58 tỷ đồng.
Theo điều tra của phóng viên, Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam là đại diện chủ đầu tư của công trình này. Ngày 14/10/2013, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cấp phép cho đơn vị thi công với thời gian là 55 ngày, và chỉ được thi công vào ban ngày, vị trí đổ bùn thải là phao số 0, cách nơi nạo vét 23 km. Thế nhưng, vào các buổi tối công trường vẫn tấp nập người làm việc. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều sà lan không tự hành khi đầy bùn được đầu kéo kéo từ cạp ngoạm đang chìm nghỉm dưới nước lượn một vòng khoảng 500m ra ngoài luồng là sà lan nổi lên. Sau đó đầu kéo tiếp tục kéo sà lan vào cạp ngoạm tiếp tục nhận bùn thải đầy lại kéo lượt một vòng ra khoảng 500m rồi nổi.
Sau nhiều đêm mật phục, từ phao số 15 đến phao số 17, chúng tôi phát hiện hàng loạt cần cạp hoạt động cạp bùn vào sà lan không tự hành, đang chìm nghỉm dưới nước được lai dắt ra ngoài luồng cách nơi nạo vét khoảng 500m - 1.000m thì nổi. Sau đó, lai dắt lại kéo sà lan về cạp ngoạm này để tiếp tục nhận bùn thải. Khoảng 4 tiếng sau, lai dắt tiếp tục kéo di chuyển qua ngoài luồng là sà lan lại nổi. Tính trung bình mỗi sà lan chứa 700 tấn bùn, như vậy tại đây hàng chục ngàn tấn bùn thải biến mất cách nơi nạo vét 500m trong khi điểm tập kết bùn đúng vị trí cách 23km.
Không chỉ ở sông Thị Vải, chủ đầu tư còn triển khai nạo vét luồng Soài Rạp - Hiệp Phước khoảng 1,9 km với kinh phí 25 tỷ đồng. Theo quy định, nơi đổ đất của công trình này là xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, cách nơi nạo vét 6,8 km. Thời điểm cuối năm 2013, tại đây có 3 cạp ngoạm hoạt động ở giữa phao đỏ số 2 và phao đỏ số 4. Sau khi một sà lan không tự hành ở cạp ngoạm gần phao đỏ số 2 đã đầy, lai dắt kéo ra khỏi luồng di chuyển về hướng phao đỏ số 4, nhưng đi qua cạp ngoạm giữa, tới gần cạp ngoạm thứ 3 thì sà lan nổi. Thay vì phải di chuyển theo hướng về Phà Bình Khánh để về bãi đổ bùn thải ở xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch thì các sà lan này đã “thả” bùn ra sông.
Phao 17 khu vực thi công nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải do Tổng Cty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam làm chủ đầu tư. |
Cơ quan quản lý bị “bịt mắt”?
Hàng loạt cơ quan quản lý giám sát đơn vị thi công đổ bùn đúng vị trí, trong đó, Ban quản lý dự án Hàng hải 3 thuộc Cục Hàng hải Việt Nam chịu trách nhiệm giám sát chính. Tuy nhiên, hằng đêm, đơn vị thi công đổ bùn trộm vô tội vạ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Đình Vận, lúc đó là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, đại diện chủ đầu tư hai công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải và Soài Rạp - Hiệp Phước cho biết, hằng năm, Nhà nước cấp kinh phí duy tu bảo dưỡng luồng. Sau đó, đơn vị ký hợp đồng với Cục Hàng hải để thực hiện nhiệm vụ này. Theo ông Vận, trước khi thi công, công ty tổ chức đấu thầu rộng rãi.
“Các công ty nạo vét tham gia đấu thầu nhiều, nhưng đơn vị của anh Tùng- Giám đốc Công ty TNHH Hàng hải Sao Mai liên danh với Tổng Công ty xây dựng đường thủy trúng thầu. Hai công ty này mạnh cả về lực lượng, tài chính, phương tiện, kinh nghiệm... Còn về tư cách nhà thầu, hai đơn vị này làm với chất lượng tốt, tôi chưa thấy tình trạng đổ bừa đổ bãi”, ông Vận nói.
Theo ông Vận, trong quá trình thi công có nhiều đơn vị giám sát, trong đó có các trạm quản lý luồng thuộc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam, đều có ống nhòm quan sát. Nhưng giám sát chính là Ban quản lý dự án Hàng hải 3. Giám sát ở Vũng Tàu có chỗ ông Lê Văn Chiến - Giám đốc Cảng vụ Hành hải Vũng Tàu, hiện là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam. “Bên chỗ Tùng- Giám đốc Công ty Sao Mai trong quá trình làm có giám sát được đâu, đôi khi cũng có chuyện nọ chuyện kia. Mong anh em thông cảm”, ông Vận nói.
Thả nổi?
Về việc cấp phép cũng như giám sát đơn vị thi công nạo vét tại luồng Vũng Tàu - Thị Vải đổ bùn đúng vị trí, ông Lê Văn Chiến, lúc đó đang đương chức Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, cho biết, toàn bộ trách nhiệm ông đã giao cho đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ở Phú Mỹ chịu trách nhiệm cấp phép cũng như giám sát nhà thầu đổ bùn đúng vị trí.
Tuy nhiên, làm việc với chúng tôi, ông Dương Mạnh Thành, đại diện Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu ở Phú Mỹ cho biết, đơn vị này được giao quản lý luồng Vũng Tàu – Thị Vải từ phao số 0 vào đến Đồng Nai và trong 4 tháng cuối năm 2013 chưa cấp phép cho đơn vị nào thi công. Khi chúng tôi cung cấp thông tin từ phao số 15 đến số 17 đang thi công nạo vét, ông Thành mới xuống giọng: “Để tôi kiểm tra lại, vì Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu có nhiều đơn vị cấp phép”. Sau khi xác minh, ông này thừa nhận có một đơn vị thi công nạo vét duy tu luồng tại đây.
Sau khi được Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu đồng ý phê duyệt phương án nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải năm 2013, cơ quan chức năng đã cấp phép cho Tổng Công ty xây dựng đường thủy và Công ty Sao Mai thi công nạo vét. Chỉ cho nạo vét vào ban ngày, nhưng mọi hoạt động vẫn diễn ra ban đêm...
Cố mua chuộc phóng viên
Sau quá trình điều tra những mờ ám tại các dự án nạo vét, cuối năm 2013, ông Phạm Đình Vận đã mời ông Tùng – giám đốc Công ty TNHH Sao Mai, đơn vị được giao nạo vét đến làm việc với chúng tôi. Ông Vận nói: “Cái gì chưa phải thì châm chước. Thằng Tùng nó có tiếng bao năm nay rồi, có gì anh em nó lỡ rồi. Mày là nơi thân thiện thì nhắc anh để anh làm việc với chúng nó, vì ở đó cửa biển rộng mênh mông nó đổ ở đấy thì cũng được. Còn chỗ thằng Tùng nếu em tha được thì tha cho nó là tốt nhất, vì thằng này làm với anh bao năm nay anh biết nó làm rất tốt, giờ mà đưa lên báo, anh cũng phải chịu trách nhiệm liên đới. Anh chọn hai đơn vị này là mạnh, mặc dù đấu thầu nó trúng thôi…”. Làm việc với chúng tôi xong, ông Vận cầm một phong bì bên trong chứa nhiều tờ đô la Mỹ đưa cho chúng tôi nhưng bị từ chối. Để mua chuộc báo chí, thời gian này ông Tùng hẹn gặp phóng viên mong bỏ qua. Sau đó, lấy một phong bì dày khoảng 3cm cương quyết nhét vào cặp phóng viên, kèm theo những lời hết sức cảm động: “Em coi anh như anh trai. Đây là quà em gửi cho chị và các cháu. Anh mà không cầm, anh giết em, em cũng chấp nhận…”. Tuy nhiên, những đề nghị của ông Tùng đã bị chúng tôi thẳng thừng từ chối. |
(Theo Tiền Phong)