Quá trình đô thị hóa quá nhanh

Khoảng chục năm đổ lại đây, do sức ép của quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng và chỉnh trang nhà cửa của người dân tăng lên nhanh chóng. Do thành phố Hà Nội thiếu những bãi tập kết phế thải/ rác thải xây dựng khiến các khu vực đất trống (ruộng bỏ hoang, rìa các khu dân cư…); ven các bờ sông, ven hồ, bờ ao hay kênh rạch… xuất hiện những bãi phế thải xây dựng tự phát. 

Thậm chí nhiều nơi, những bãi thải xây dựng bị đổ trộm ngay bên vệ đường, những bãi đất trống... gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường là thực trạng thường thấy tại một số quận, huyện trên địa bàn Hà Nội thời gian qua. Điều đáng nói, trong phế thải xây dựng tồn tại nhiều chất gây hại đồng thời phát sinh lượng khói bụi lớn thải gây ô nhiễm môi trường.

Theo ông Đỗ Hữu Huân, cư dân phường Thạch Bàn, quận Long Biên: "Khu vực những ruộng rau của chúng tôi trước đây giờ bị xâm lấn bởi các bãi phế thải xây dựng thế kia (vừa nói ông vừa chỉ về phía những bãi phế thải giáp đường vành đai 3 chạy qua địa bàn-NV). Nhiều lần chúng tôi đã có đơn thư kêu lên chính quyền, nhưng tình trạng vẫn chưa được giải quyết". 

9 khu ho ben thach ban.jpg
Phế thải xây dựng bị đổ trộm ngay bờ hồ Ben tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP. Hà Nội. 

“Trong khi đó, một số bãi phế thải xây dựng mới được hình thành (có chủ đích) còn được những người lạ đến quây tôn và dựng xưởng trái phép để làm các bãi trông giữ xe, kho hàng hay điểm tập kết vật liệu xây dựng. Các bãi phế thải này dường như được "ngầm" cho phép và đang tịnh tiến, mở rộng rất nhanh trên nhiều khu vực của địa bàn quận”, ông Huân nói.

Cùng bức xúc giống ông Huân, bác Nguyễn Thị Mến (cư dân huyện Quốc Oai) cho biết: Nhiều khu đất trống ven sông Đáy, tình trạng xe chở phế thải xây dựng đem rác thải về đây tập kết, san lấp ngang nhiên. Khi bị người dân phản ánh thì họ quây tôn lối vào, rồi âm thầm san lấp (với các khu ruộng hoang) hoặc đổ trộm (với các khu vực bờ ao, ven hồ, ven sông). 

Cũng theo bà Mến, ngoài phế thải xây dựng của các xe từ ngoài mang đến thì cũng có một lượng lớn phế thải từ chính các hộ gia đình của địa phương sau cải tạo cũng được mang đổ tại đây. “Đô thị hóa nhanh quá khiến những ruộng rau của chúng tôi giờ đã đổi chủ và bị san lấp, đổ trộm phế thải biến diện mạo và môi trường của khu vực cũng bị ảnh hưởng”, bà Mến ngậm ngùi.

Các điểm thu gom phế thải tập trung vừa thiếu vừa chưa đảm bảo

Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội sẽ có 18 khu xử lý chất thải rắn; trong đó có 6 khu đang hoạt động; hai khu đã có chủ trương đóng bãi, dừng chôn lấp (do lượng chất thải đã đầy từ năm 2021) để trồng cây xanh; và 10 khu đầu tư xây dựng mới. 

Tuy nhiên, do quá trình đô thị hóa nhanh nên trong khi các khu xử lý chất thải rắn còn đang xây dựng thì các bãi phế thải xây dựng tự phát đang mọc lên ở nhiều nơi. Lí do thì không mới, khi hàng trăm các dự án xây mới, cải tạo, phá dỡ các tòa nhà, quá trình xây dựng nhà ở tại các khu dân cư diễn ra nhanh chóng trong tiến trình đô thị hóa kéo theo hàng chục nghìn tấn rác thải xây dựng bị thải bỏ ra môi trường mỗi ngày.

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trung bình mỗi ngày Hà Nội và TP.HCM phát sinh khoảng 4.000-5.000 tấn rác thải xây dựng. Điều đáng nói, khi các bãi thu gom, các trung tâm xử lý rác thải xây dựng quá tải thì vệ đường, các khu đất trống, ven sông hồ là nơi lý tưởng để các bãi phế thải phát sinh sau khi bị… đổ trộm. Đây cũng chính là thực trạng nhức nhối không chỉ của Hà Nội mà của cả TP.HCM và nhiều địa phương trong những năm gần đây.

Theo chị Đỗ Thị Liễu, một công nhân vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), trong quá trình thu gom rác thải hàng ngày chị thường xuyên gặp những bao tải, bao trạc (miền Nam gọi là xà bần) của rất nhiều hộ gia đình sau khi họ thu dọn sửa chữa nhà ở bị vứt ra các điểm tập kết rác. Rác thải y tế, rác thải sinh hoạt không được phân loại đã khiến chúng tôi rất vất vả thì rác thải xây dựng cũng là loại rác mà công nhân vệ sinh “ngán nhất”.

“Nếu chúng tôi thu gom thì không đúng quy định, do phát sinh khối lượng mỗi xe rác và sẽ phải tăng số chuyến khi thu gom. Nhưng nếu không thu gom thì các vỉa hè hay điểm tập kết rác sẽ bị ùn ứ, nhếch nhác trên vỉa hè, đường phố. Rất nhiều lần kiến nghị cần có các xe tập kết, thu gom rác thải xây dựng chuyên dụng nhưng lại không có chỗ để để dân có thể xả thải (nếu số lượng ít). Trong khi số lượng nhiều thì lại bị các đội nhóm xây dựng mang đi đổ trộm tại các khu vực ven sông hồ như đã nói ở trên”, chị Liễu cho hay.

Minh Hưng và nhóm PV, BTV