- Thời gian làm ông quên đi một vài chuyện, nhưng bữa cơm với cá được đơn vị nấu cho ông và hai đồng đội trước khi lên đường đánh chiếc tàu chở dầu nặng 15.000 tấn ở cảng Nhà Bè làm địch kinh hồn bạt vía thì ông không bao giờ quên.
Những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi tìm về nhà AHLLVTND Trịnh Xuân Bảng ở thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) để được nghe kể về những trận đánh đã đi vào huyền thoại của bộ đội đặc công Rừng Sác mà ông chính là nhân chứng sống.
Căn cứ “nổi” trong kí ức người anh hùng
Năm 1965, chàng thanh niên Trịnh Xuân Bảng nhập ngũ thuộc Đại đội 365, bộ đội địa phương huyện Quảng Trạch, rồi tham gia vận chuyển lương thực từ tàu biển vào đất liền.
Đặc công Rừng Sác (ảnh tư liệu) |
Sau sự kiện Hải quân đánh trận đầu với không lực Hoa Kỳ, chàng trai làng biển bơi lội như rái cá được chọn vào bộ đội Hải quân và được đưa đi huấn luyện đặc công nước tại Hải Phòng.
Gần một năm huấn luyện và 10 tháng đi bộ hành quân, tháng 8/1967 đơn vị ông tập kết tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), được phiên hiệu thành Trung đoàn 10 (Trung đoàn đặc công Rừng Sác).
Nếu Củ Chi là căn cứ “chìm” thì Rừng Sác là căn cứ “nổi” của cách mạng. Đây là những khu căn cứ của quân giải phóng án sát Sài Gòn. Đại đội 5 của ông là đơn vị đặc công nước được phân công nhiệm vụ đánh tàu Mỹ ở cảng Nhà Bè, Cát Lái…
“Sau khi vào căn cứ được hai ngày thì bị phát hiện, địch rải chất hóa học, bom, rồi bộ binh tiến vào Rừng Sác với ý định tiêu diệt hết quân ta nhưng quân ta làm cho địch vào mà không ra được”, ông nhớ lại.
Đặc công Rừng Sác (ảnh tư liệu) |
Lính đặc công tự chế mìn ĐH5, ĐH 10 và sử dụng, trong mỗi trái có khoảng 500 viên bi bằng những cây sắt phuy 5 cắt nhỏ, có sức sát thương lớn nên Mỹ - ngụy rất sợ.
Ông lần lượt kể lại những trận đánh làm địch kinh hồn bạt vía, như thể chúng vừa mới xảy ra hôm qua, thỉnh thoảng ông lại lấy tay giụi mắt.
“Vào khoảng tháng 8/1967, đơn vị chúng tôi đánh một chiếc tàu Mỹ chở vũ khí đậu ở cảng Nhà Bè, đó là trận đánh đầu tiên của đơn vị. Việc đưa 3 tạ C4 (bằng khoảng một tấn thuốc nổ) đến mục tiêu mà không bị phát hiện không phải dễ”, ông kể.
Sau mấy đêm nằm vắt tay lên trán, ông cũng nảy ra sáng kiến là gò thùng tôn kín và làm một lỗ để điều khiển nước vào bằng lưỡi gà. Quả mìn nổi thì cho nước vào, nếu chìm sâu thì hút ra, như thế sẽ đảm bảo được mìn lưng chừng mặt nước. Kíp hẹn giờ làm bằng đường phèn, lợi dụng sức nước, tính toán đặt kíp dày hay mỏng để người lính có thời gian rút lui an toàn.
“Mỗi trận đánh thường đi ba người, trước hôm đánh chúng tôi sẽ bơi đi trinh sát địa điểm trước. Chúng tôi dùng dây nhỏ để tiện liên lạc dưới nước, nếu phát hiện địch phía trước thì giật giây một lần, phía sau thì giật hai lần. Trận đó, chiếc tàu Mỹ nổ tan tành…”, ông kể tiếp.
“Đồng đội tưởng anh em chúng tôi “đi luôn” rồi…”
Sau chiến dịch Mậu Thân, địch càng điên cuồng càn quét. Ba tháng trời, Rừng Sác không có một tiếng súng vì cả Trung đội còn duy nhất một quả B40, mỗi anh em còn một băng đạn AK và hằng ngày ăn gạo rang cầm hơi. Trên bầu trời, trực thăng của địch ra rả suốt ngày đã tiêu diệt hết quân chủ lực của Việt cộng ở vùng này.
Anh hùng Trịnh Xuân Bảng đang kể về những trận đánh ở cảng Nhà Bè. |
Tình hình lúc đó rất nguy cấp nên Tư lệnh Đặc khu rừng Sác Lương Văn Nho và trung đoàn trưởng Lê Bá Ước xuống động viên và yêu cầu anh em phải gây tiếng nổ ở Cảng Nhà Bè để đập tan luận điệu của địch.
“Không còn mìn để đánh, tôi mới đề nghị cấp trên lấy bom địch đánh tàu địch. Lực lượng công binh được cử đi đào một quả bom câm mà địch thả xuống Rừng Sác, sau đó tháo hạt nổ bị câm và đặt hạt nổ của mình vào hẹn giờ là được.
Trận đó tôi xung phong và chọn thêm hai đồng chí là Trần Dần (Hà Tĩnh) và Nguyễn Chất Xê (Thái Bình) làm bạn đồng hành. Biết nhiệm vụ lần này hết sức khó khăn nên các đồng đội đã dồn hết gạo nấu cho ba chúng tôi một bữa cơm, tôi nhớ bữa đó được ăn cơm trắng với cá. Trước khi lên đường tôi cũng nói với cấp trên chắc chuyến này đi là đi luôn”, ông lại kể.
Ba anh em xuất phát lúc 19h tối, vừa bơi vừa tránh địch, tầm 7h đồng hồ thì tiếp cận mục tiêu. Xung quanh tàu chở dầu của địch có đến vài chục chiếc tàu nhỏ bảo vệ, mươi phút là chúng thả bộc phá xuống quanh tàu.
Hơn 2h sáng, ông và đồng đội đặt được bom và 1 tiếng sau, chiếc tàu chở dầu 1,5 vạn tấn bốc cháy ngùn ngụt làm khu vực cảng Nhà Bè rung chuyển.
Bọn địch điên cuồng bao vây tất cả các lối ra làm ông và đồng đội bị lạc mất 1 tuần mới trở về được căn cứ làm cả đơn vị ai cũng nghĩ ông và hai đồng đội “đi luôn” không về.
Chiến thắng trở về, ông trở thành người đầu tiên của trung đoàn đặc công Rừng Sác được phong tặng danh hiệu anh hùng, hai đồng đội tham gia trận đánh cũng được phong tặng sau đó.
Hỏi ông còn nhớ trong khoảng thời gian ở rừng Sác đã tham gia bao nhiêu trận đánh, ông cười bảo có hàng trăm trận nên chỉ nhớ những trận đánh chìm tàu địch từ 1,2 đến 1,5 vạn tấn.
Năm 1972, ông ra Bắc nhận nhiệm vụ mới đến năm 1987 thì nghỉ hưu với quân hàm Trung tá. Sau khi về hưu, ông lập gia đình và sinh được 7 người con, giờ 6 người đã yên bề gia thất, còn đứa út đang học cao đẳng.
Ông cũng vinh dự được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghé thăm nhà vào tháng 1/2008.
Hải Sâm