Ngày 30/11, liên quan vụ việc hàng trăm người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ - xôi Cô Ba Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết đã có kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm.

Theo đó, các mẫu thực phẩm được xét nghiệm gồm thịt lợn luộc, pate lợn, chả lụa, nước xốt thịt lợn và rau sống ăn kèm. Tất cả đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn Salmonella. Cơ quan chức năng đã kết luận các mẫu thực phẩm nói trên không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Tính đến 16 giờ ngày 29/11, hệ thống giám sát của ngành y tế ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và một trung tâm y tế là 379 người.

Không chỉ vụ ngộ độc bánh mỳ ở Vũng Tàu, những vụ ngộ độc lớn gần đây tại Việt Nam như: Vụ ngộ độc bánh mỳ ở Hội An khiến 150 người bị ảnh hưởng; vụ ngộ độc sau ăn bánh mỳ Băng ở Đồng Nai khiến hơn 500 người vào viện; vụ cơm gà ở Nha Trang khiến hơn 350 người nhập viện… kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm hoặc bệnh phẩm của các vụ ngộ độc nêu trên đều phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Vi khuẩn Salmonella phát triển rất nhanh ở môi trường nóng ẩm (35-37 độ C). Khi mổ thịt gia súc, gia cầm, nếu không làm sạch sẽ, vi khuẩn Salmonella sẽ phát tán ra môi trường và bám vào thực phẩm như thịt, trứng gia cầm. Nếu ăn trứng sống, luộc trứng không kỹ, người dân cũng có thể nhiễm vi khuẩn Salmonella. Rau và sữa cũng dễ nhiễm Salmonella phát tán từ phân động vật ra. 

Ngoài ra, thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella.

Vi khuẩn này khi vào cơ thể người sẽ sinh sôi và tiết ra độc tố kích thích ruột, gây ra đau bụng, nôn ói, tiêu chảy. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu. Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể xuất hiện 1 ngày sau ăn, thậm chí có trường hợp sau 4-5 ngày.

Vi khuẩn Salmonella có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), khi nhiễm khuẩn Salmonella bệnh nhân thường biểu hiện đau bụng, nôn, tiêu chảy, sốt và các biểu hiện mất nước, nhiễm trùng. Nếu không bù điện giải và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng.

Thức ăn dễ bị nhiễm Salmonella

Theo Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Đồng Nai, những thức ăn gây ngộ độc thực phẩm phần lớn là nguồn gốc động vật, đặc biệt là các loại thịt, trong khi đó, thực phẩm nguồn gốc thực phẩm ít gây ngộ độc hơn.

an toan thuc pham.png
Một thao tác trong quy trình kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Ảnh: Thạch Thảo

Thức ăn dễ bị nhiễm Salmonella phần lớn là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều nước, có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là thịt tươi sống, thịt gia cầm, xúc xích, trứng, sữa... Các sản phẩm thịt đã chế biến, thịt gia cầm và các sản phẩm thịt không được nấu kỹ như bánh nướng nhân thịt, món thịt hầm cũng dễ có nguy cơ.

Sữa tươi, các chế phẩm của sữa bao gồm cả sữa khô không được tiệt trùng đúng cách hay đồ ăn có trứng và các sản phẩm của trứng không nấu hay nấu qua loa cũng nằm trong danh sách này.

Thực tế, thực phẩm nhiễm Salmonella không bị phân giải protein, đặc tính sinh hóa không bị thay đổi nên trạng thái cảm quan khó phát hiện.

Phòng bệnh bằng cách nào?

- Không ăn các thức ăn sống như gỏi cá, thịt, không uống sữa chưa được tiệt trùng.

- Nấu kỹ tất cả thực phẩm có nguồn gốc động vật trước khi ăn, đặc biệt là thịt gia cầm, thịt lợn, trứng (thực phẩm ít nhất là được đun tới 70°C).

- Không dùng trứng sống hoặc chưa nấu kỹ như trứng lòng đào, kem làm tại nhà hay trứng bần, trứng đã bị rạn nứt.

 - Thịt đông lạnh phải được làm tan ở phòng lạnh, chứ không được rửa ở nhiệt độ phòng hay bằng nước ấm.

- Bảo quản lạnh thức ăn đã được chuẩn bị trong các hộp chứa nhỏ.

- Tránh gây tái nhiễm vi khuẩn trong bếp sau khi thức ăn đã được nấu chín, để thực phẩm tươi sông riêng biệt với thực phẩm đã đun chín.

- Thực hiện đúng quy chế vệ sinh trong các khâu sản xuất, vận chuyển, bảo quản, dự trữ, chế biến thực phẩm nhất là gần đây một số vụ ngộ độc do Salmonella là do không đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến như trong sản xuất sữa, pho mát.

Xét nghiệm phân để sớm phát hiện, cách ly và điều trị người lành mang trùng. Trong sản xuất thực phẩm nên thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ của người chế biến thực phẩm để phát hiện và điều trị người lành mang trùng.