Tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến lâm sản, cải thiện sinh kế cho người dân làm nghề rừng, hướng tới phát triển bền vững ngành lâm nghiệp.

Tỉnh xác định, giai đoạn 2021-2025 trồng mới 2.000 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa 5.000 ha rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn; giai đoạn 2026 - 2030 trồng mới rừng gỗ lớn là 14.000 ha.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất, giá trị sản phẩm gỗ đạt 2.437,5 tỷ đồng; đến năm 2030 diện tích rừng gỗ lớn và diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững đạt đạt 30%, giá trị đạt 10.918,5 tỷ đồng.

trongrung.jpg

Trong những năm qua, đối với diện tích rừng sản xuất huyện đang đưa các loại cây có giá trị kinh tế vào trồng như cây quế, keo; với diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ huyện sẽ đưa các loài cây gỗ lớn vào trồng, đồng thời đưa một số loại cây dược liệu vào trồng dưới tán rừng để bà con phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập.

Tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Thái Nguyên là 178.873 ha; trong đó, rừng đặc dụng 36.300 ha, rừng phòng hộ 43.000 ha, rừng sản xuất 99.573 ha. Giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 ước đạt 560 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, rừng sản xuất chủ yếu là trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ, tuổi khai thác từ 5 - 7 năm.

Bên cạnh đó, sản xuất lâm nghiệp chủ yếu là hộ gia đình, quy mô nhỏ, manh mún; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, sản phẩm là chế biến thô, năng suất rừng trồng thấp, chưa được cấp chứng chỉ rừng trồng; và có ít doanh nghiệp tham gia trong tất cả các khâu từ sản xuất giống, trồng rừng, chế biến, tiêu thụ lâm sản.

Để rừng được bảo vệ, kinh tế rừng phát triển bền vững, tỉnh Thái Nguyên đã đưa sản phẩm gỗ vào nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh và xây dựng chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030.

Trần Thường và nhóm phóng viên