Trong một bài viết có tên "Sự lựa chọn y tế của tôi" trên báo New York Times, Angelina Jolie giải thích, các bác sỹ đã tiên liệu cô có 87% nguy cơ mắc ung thư vú và 50% nguy cơ mắc ung thư tử cung do mang một gen "bị lỗi", có tên gọi BRCA1.

{keywords}

Angelina Jolie đã phẫu thuật cắt bỏ hai bên ngực để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vú.Ảnh: Reuters

Việc mẹ cô đã phải chiến đấu với bệnh ung thư trong gần một thập niên và qua đời khi mới 56 tuổi đã khiến Angelina Jolie đi đến quyết định phải "chủ động nhằm giảm thiểu các nguy cơ tới mức tối đa".

Nữ diễn viên từng giành giải Oscar danh giá nói, tiến trình phẫu thuật phức tạp, cắt bỏ cả 2 bên ngực của cô đã bắt đầu từ hồi tháng 2 và hoàn tất vào cuối tháng 4 vừa qua. Sau 9 tuần phẫu thuật, nguy cơ mắc bệnh ung thư vú của cô hiện đã giảm xuống dưới 5%.

Câu chuyện của Angelina Jolie gợi nhắc tới một căn bệnh ngày càng phổ biến ở phụ nữ nhưng không phải ai cũng biết rõ và hiểu hết được nguy cơ cũng như cách phòng ngừa và điều trị nó.

Ung thư vú - căn bệnh không còn là hiếm

Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ nhiều nước công nghiệp. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), chỉ tính riêng trong năm 1998, ung thư vú đứng đầu, chiếm 21% trong tổng số các loại ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới.

{keywords} 

Ung thư vú đang trở nên phổ biến tại các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, ung thư vú hiện là bệnh phụ nữ hay gặp nhất trong các loại ung thư và có tới 50% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Đây là một bệnh hết sức phức tạp mà trong nhiều năm qua đã có nhiều nghiên cứu về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị. Theo các chuyên gia, điều quan trọng cần phải nhận thấy là việc phát hiện sớm ung thư vú qua sự tầm soát ở những phụ nữ bình thường đã làm thay đổi rõ ràng bệnh sử tự nhiên của bệnh cũng như cải thiện đáng kể tiên lượng bệnh.

Các nguyên nhân gây bệnh

Tất cả mọi người đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, nhưng nguy cơ này đặc biệt cao do các yếu tố sau:

- Yếu tố di truyền: Gen ung thư vú có thể di truyền cho con qua đường bố hoặc đường mẹ. Những phụ nữ trong gia đình có nhiều người bị ung thư vú hoặc có 2 người rất gần là mẹ và chị gái bị bệnh, có thể đối mặt với nguy cơ thừa hưởng gen gây bệnh. Khi nhận phải gen bệnh, nguy cơ mắc ung thư vú ở người phụ nữ sẽ tăng lên tới hơn 80%. Trong trường hợp của Angelina Jolie, cô đã thừa hưởng gen "lỗi" BRCA1 gây ung thư vú từ mẹ.

- Lối sống và tác động từ môi trường sống: Phụ nữ bị béo phì sau tuổi mãn kinh và thường xuyên ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, uống rượu, hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất như thuốc diệt sâu bọ dính trên thức ăn, ... sẽ có nguy cơ cao bị ung thư vú.

- Hoóc môn: Liệu pháp hoóc môn thay thế, trong đó người phụ nữ dùng thuốc có chứa oestrogen sẽ làm thay đổi nồng độ hoóc môn trong cơ thể và có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư ở một số người. Những phụ nữ có kinh nguyệt sớm, trước tuổi 12; mãn kinh sau 50 tuổi; chưa bao giờ có con hoặc có con sau 30 tuổi, ... cũng dễ bị ung thư vú.

- Tiền sử bị bệnh: Phụ nữ cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao khi bản thân đã có khối u vú với tăng sản ống tuyến vú không điển hình hoặc đã/đang bị ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung.

- Thói quen mặc áo ngực chật: Những phụ nữ mặc áo ngực quá chật kéo dài hơn 12 giờ mỗi ngày sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ung thư vú cao hơn những người mặc áo lót rộng, có cảm giác thoải mái. Lí do là vì, nếu mặc áo quá chật thì hai đầu ngực bị ép chặt trong thời gian dài như thế sẽ kích thích sự phát triển bất thường của các tế bào mô vú. Bình thường, một số chất thải và độc tố của tế bào bạch huyết sẽ được đào thải ra ngoài. Thế nhưng, sự bó chặt của chiếc áo ngực đã ngăn chặn quá trình này.

Các dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư vú

Ở giai đoạn đầu, ung thư vú không có biểu hiện ra ngoài, không nhìn thấy, sờ thấy được và chỉ được phát hiện nhờ vào khám vú và chụp nhũ ảnh kiểm tra. Lời khuyên dành cho bạn là, hãy đi thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt khi xuất hiện các dấu hiệu sau:

- Núm vú bị đau, loét hoặc có nước/dịch chảy ra.

- Hình dáng vú thay đổi, núm vú bị co kéo tụt vào trong.

- Đau vú một hay nhiều nơi.

- Da vú nhăn, dày và sần giống trái cam sành. Màu sắc da vú khác biệt giữa hai bên.

- Xuất hiện bướu, cục hoặc khối u ở vú, vùng nách và những khối u này thường không đau.

Ở giai đoạn muộn, vú bị teo cứng lại hoặc phình ra biến dạng, lở loét. Tuy nhiên, một số bệnh khác ở vú cũng có thể gây ra các triệu chứng kể trên như bệnh nang vú, tiết dịch, bọc sữa, ...

Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu như trên, không nên quá hoảng sợ và phải đi khám ngay để xác định có phải ung thư hay không để điều trị sớm nhất có thể. Việc điều trị ở giai đoạn muộn sẽ vô cùng khó khăn và kém hiệu quả.

{keywords}
Tự khám ngực mỗi tháng một lần là một cách hữu hiệu giúp phòng ngừa và phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Ảnh: Corbis

Cách phòng và chữa bệnh ung thư vú

- Tự theo dõi và khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng/lần là cách phòng ngừa bệnh nói chung và bệnh ung thư vú nói riêng hữu hiệu nhất. Khi phát hiện bất kỳ sự thay đổi hoặc bất thường nào ở vú, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.

Hiện nay, phát hiện ung thư vú từ gen di truyền là một phương pháp tấn tiến mà một số nước trên thế giới đang áp dụng và đạt được một số thành công. Việc phát hiện ung thư sớm trong cơ thể nhờ tầm soát gen đột biến BRCA1 và BRCA2 đã mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhân ung thư trong quá trình chẩn đoán và điều trị. Trong trường hợp của Angelina Jolie, sau khi được chẩn đoán mang gen đột biến gây ung thư vú và buồng trứng BRCA1 trong cơ thể, cô đã trải qua phẫu thuật cắt bỏ ngực để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc ung thư. Sau đó, cô đã được cấy ghép mô thay thế, tái tạo ngực mới.

Trao đổi với trang Kiến Thức, thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Lực, Bệnh viện K, cho biết, hiện công nghệ chẩn đoán để phát hiện ung thư từ gen đã có ở Việt Nam nhưng đang trong quá trình thử nghiệm để đưa vào ứng dụng. Hiện nay, phát hiện và chẩn đoán ung thư vú chủ yếu vẫn dựa vào một số phương pháp truyền thống như: sờ, nắn ngực theo kinh nghiệm (khám lâm sàng); sử dụng các kỹ thuật siêu âm, chụp cắt lớp vú và vùng nách, ...

- Để giảm nguy cơ ung thư vú, bạn nên tập luyện thể dục thể thao hàng ngày và có chế độ dinh dưỡng lành mạnh như loại bớt mỡ và chất béo ra khỏi khẩu phần ăn, hạn chế uống rượu cồn, ăn nhiều rau quả tươi, ...

- Tránh chiếu tia xạ vào vú và cho con bú cũng là cách ngừa ung thư vú.

- Phụ nữ nên mặc áo ngực đúng kích cỡ, không bó chặt và không nên mặc áo ngực quá 10 tiếng/ngày để giữ gìn vóc dáng và sự khỏe mạnh của bộ ngực.

- Trong trường hợp bị chẩn đoán mắc ung thư vú, bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt chỉ dẫn và liệu trình điều trị của các bác sĩ từ xét nghiệm, xạ trị hay cắt bỏ bầu ngực, ...

Cách tự khám vú

Theo các bác sĩ, bạn nên tự khám vú 1 lần mỗi tháng để phát hiện sớm và ngăn chặn nguy cơ ung thư vú. Bạn có thể tự khám vú theo 4 bước sau đây:

Bước 1: Đứng trước gương, hai tay xuôi theo người. Nhìn ngực xem có sự thay đổi nào về hình dáng hay kích thước hay không? Lặp lại bước này trong tư thế 2 tay để sau gáy.

Bước 2: Chống 2 tay lên hông, nhìn kỹ ngực từ các góc độ khác nhau xem có sự thay đổi nào không, sau đó đặt một tay lên sau gáy, tay kia vặn và siết nhẹ đầu núm vú xem có rỉ nước/dịch hay máu chảy ra không.

Bước 3: Nằm ngửa, đặt gối mỏng dưới vai trái, đưa tay trái ra sau gáy và dùng tay phải khám ngực trái. Dùng các ngón tay ép sát tuyến vú vào thành sườn, đẩy lên đẩy xuống, bắt đầu phần trên rồi đến phần dưới của vú, kiểm tra xem có khối u hay mảng dày hoặc bất thường nào khác không. Sau đó, lặp lại bước này, dùng tay trái khám vú phải.

Bước 4: Chụm các đầu ngón tay, dùng phần mềm đầu ngón tay miết, tìm xem có hạch ở vú hay hõm nách hay không?

Thời gian tự khám vú tốt nhất là sau khi sách kinh nguyệt 5 ngày. Từ 20 tuổi, phụ nữ nên tự khám vú định kỳ mỗi tháng một lần và đến bác sĩ chuyên khoa khám vú 6 tháng - 1 năm/lần.

Tuấn Anh (Tổng hợp)