Sáng 23/12, trao đổi với VietNamNet, bác sĩ Nguyễn Đăng Tuyến, Giám đốc Trung tâm Y tế quận 12, cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, quận 12 có rất nhiều khu cách ly.
“Giờ hỏi chi tiết, tôi thực sự cũng không nhớ rõ. Tôi và đoàn cũng đã xuống tận nơi khảo sát nhưng vấn đề nhân sự sẽ giao cho anh em phụ trách trực tiếp, nếu có khúc mắc thì báo về. Tuy nhiên, tôi không thấy báo vấn đề gì cả. Tôi không nắm được chuyện Khiêm làm dưới đó thế nào”.
Bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm tại khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TP.HCM
Theo ông Tuyến, cơ quan công an điều tra đã làm việc với Nguyễn Quốc Khiêm để làm rõ động cơ và việc có trục lợi hay không trong giai đoạn giả bác sĩ. Cá nhân ông không thể đưa ra nhận định.
Ông Tuyến cho biết, Sở Y tế đang mời ông lên họp, trách nhiệm như thế nào sẽ do Sở Y tế xác định và thông tin.
Trong đợt dịch thứ 4 tại TP.HCM, quận 12 là một trong những điểm nóng. Cuối tháng 5/2021, phường Thạnh Lộc của quận 12 phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 do diễn biến dịch căng thẳng.
Ngay từ giữa tháng 7, quận 12 đã hình thành các khu cách ly tiếp nhận F1, F0 không triệu chứng. Đến tháng 8, thành lập hàng chục trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 trong cộng đồng. Đến tận tháng 11/2021, do địa bàn có khu công nghiệp, mức độ giao lưu tăng nên số ca mắc tăng.
Trước câu chuyện bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm, bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đồng thời là Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19 số 3 cho rằng, việc Khiêm lọt vào khu cách ly F0 hoàn toàn có thể hiểu được.
Theo bác sĩ Lam, thời điểm đó, mọi nơi đều thiếu người trầm trọng, bệnh nhân cực kỳ đông, quản lý chắp vá chưa có quy trình chuẩn. Từ chuyên môn, vật tư, con người, thực sự không ngăn nắp, bài bản như bình thường.
Một khu thu dung F0 không triệu chứng của TP.HCM tháng 9/2021. |
“Bệnh nhân đông, nhân viên y tế đông… bản thân tôi có khi không thuộc mặt nhân viên của mình vì thay đổi thường xuyên. Ngay cả tình nguyện viên cũng vậy, có người làm nửa tháng rồi nghỉ, người mới lại vào. Quản lý khó, chỉ cần giấy tờ chuyển lên là được, không ai đi xác minh lại.
Việc một người trà trộn vào các khu cách ly, bệnh viện dã chiến không khó, rất dễ xảy ra. Nếu có bất thường, sẽ nhận ra ở chuyên môn. Ở khu hồi sức tích cực, ai không có chuyên môn sẽ bị phát hiện ngay”.
Bác sĩ Lam cho rằng, ở khu cách ly, thu dung ban đầu, F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nhẹ. Do đó, các tình nguyện viên, nhân viên y tế cần nhất là sự nhiệt tình, thái độ tốt.
“Chỉ cần ở lại hỗ trợ 1 tháng thì trở thành người quen của khu cách ly. Nhất là khi Khiêm nói là bác sĩ nội trú thì người ta 'ngợp' luôn, ai đi điều tra nữa", bác sĩ Lam chia sẻ.
Bác sĩ nội trú thường là những sinh viên ngành y xuất sắc nhất vừa tốt nghiệp, trải qua một kỳ thi tuyển chọn khắt khe.
"Quan trọng nhất, môi trường của Khiêm làm việc là nơi F0 rất nhẹ. Hướng dẫn chăm sóc và các loại thuốc thông thường ở trên mạng, tìm thấy dễ dàng. Nếu Khiêm ở trong khu bệnh nhân nặng hơn, khu hồi sức, chắc chắn không tồn tại được”, bác sĩ Lam giải thích.
"Nếu khu hồi sức, chắc chắn bác sĩ giả sẽ bị phát hiện rất nhanh" |
Tuy nhiên, bác sĩ Lam vẫn không thể hiểu tại sao bác sĩ giả Nguyễn Quốc Khiêm có thể ký được hồ sơ giấy tờ như phản ánh của báo chí.
“Điều này sai rất rõ, dù Khiêm có nói mình là bác sĩ đi chăng nữa thì vẫn là tình nguyện viên. Tình nguyện viên không được phép ký giấy tờ. Khu thu dung F0 cũng không có chức năng báo tử".
"Quản lý nhân sự giai đoạn đó vô cùng khó khăn. Có thêm một người là bác tài xế, anh chạy xe ôm vào phụ cũng mừng rồi. Những người đã tham gia chống dịch giai đoạn đó sẽ thông cảm được. Nhưng để tình nguyện viên Nguyễn Quốc Khiêm có quyền ký giấy tờ, hồ sơ bệnh án… tôi cho rằng có sự tắc trách”, bác sĩ Lam nói.
Linh Giao
"Nguyễn Quốc Khiêm xin nghỉ trước khi mọi việc vỡ lở với lý do về dạy học"
Một sinh viên y khoa trong nhóm của Nguyễn Quốc Khiêm cho biết, Khiêm giới thiệu mình là bác sĩ với mọi người, ngay khi đến khu cách ly thuộc quận 12, TP.HCM.