Theo Bloomberg, đối với những người ủng hộ Bitcoin, đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới là hàng rào tốt nhất chống rủi ro lạm phát gia tăng. Họ lập luận rằng không giống USD hoặc những loại tiền tệ thông thường, Bitcoin có nguồn cung hạn chế. Đồng tiền này cũng không bị các chính phủ và ngân hàng trung ương phá giá.

Bitcoin hiện được giao dịch ở mức gần 60.000 USD/đồng, tăng từ hơn 5.000 USD/đồng một năm về trước. Điều đó càng củng cố lập luận về vai trò phòng ngừa rủi ro lạm phát của đồng tiền này.

Khi triển vọng kinh tế tăng lên, các ca nhiễm Covid-19 mới giảm, chính quyền Mỹ chuẩn bị tung ra gói kích thích quy mô lớn, giới đầu tư tin rằng giá của hầu hết tài sản sẽ leo thang. Tuy nhiên, Bloomberg nhận định cơ sở của niềm tin đó khá khiêm tốn. Trong năm qua, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ là 1,7%.

{keywords}
Giá Bitcoin tăng phi mã trong vòng 12 tháng qua. Ảnh: Coindesk.

Không phải "vàng kỹ thuật số"

Điều đó đặt ra câu hỏi liệu Bitcoin có thực sự hoạt động như một hàng rào hiệu quả hay không. Theo giáo sư tài chính Cam Harvey tại Đại học Duke, đồng tiền này chưa có lịch sử đủ lâu để làm điều đó.

Các nhà đầu tư coi Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số". Về mặt lý thuyết, điều đó có nghĩa là đồng tiền này phải giữ giá trị trong một thời gian rất dài, chẳng hạn như hơn một thế kỷ. Đáng nói, bất chấp những lo ngại về lạm phát trong thời gian qua, giá vàng vẫn giảm 9% tính từ đầu năm.

Giá Bitcoin biến động dữ dội kể từ khi ra đời. Nhưng lý do hầu như không liên quan đến lạm phát. "Giá không chỉ lên xuống bởi quy luật cung tiền, mà còn bị ảnh hưởng từ yếu tố đầu cơ. Đó là nguyên nhân thị trường Bitcoin biến động gấp nhiều lần thị trường chứng khoán", ông Harvey bình luận.

Thậm chí, có thể hình dung ra viễn cảnh lạm phát có tác động đến Bitcoin ngược với suy đoán của nhà đầu tư. Chẳng hạn, nếu lạm phát gây ra suy thoái, các nhà đầu tư có thể tránh xa những tài sản rủi ro như tiền mã hóa.

Trong những tuần gần đây, khi lãi suất kho bạc 10 năm của Mỹ tăng từ 1,34% lên 1,62% do lo ngại về lạm phát, Bitcoin đã chứng kiến mức sụt giá mạnh.

{keywords}
Theo những người ủng hộ Bitcoin, đồng tiền mã hóa này được xem là "vàng kỹ thuật số" vì nguồn cung hạn chế và không bị các ngân hàng trung ương phá giá. Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, biến động giá của Bitcoin liên quan đến các giao dịch đầu cơ đơn giản hơn. Đồng tiền mã hóa phổ biến nhất thế giới được một số tên tuổi lớn của Phố Wall ủng hộ, chẳng hạn nhà quản lý quỹ kỳ cựu Paul Tudor Jones.

Những người ủng hộ Bitcoin coi đà tăng giá của đồng tiền này là dấu hiệu cảnh báo rằng hệ thống tài chính truyền thống đang rất dễ tổn thương. Do đó, tiền mã hóa có thể tăng giá hơn nữa khi nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn. Những lập luận này dựa trên ý tưởng lạm phát tăng lên do các chính phủ đẩy mạnh tin tiền.

Tuy nhiên, trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Chủ tịch FED Jerome Powell khẳng định nguồn cung tiền tăng lên chưa chắc dẫn đến lạm phát. "Chúng ta đã nhiều lần chứng kiến nguồn cung tiền lớn mà không có lạm phát", ông khẳng định.

Yếu tố đầu cơ

Ông Jim Paulsen, chiến lược gia đầu tư trưởng tại Leuthold Group, đồng ý với quan điểm của Chủ tịch FED. Dù nhiều tiền được bơm ra, tốc độ lưu thông của tiền đã giảm xuống. Đây là một yếu tố quan trọng, cho thấy người tiêu dùng đang tiết kiệm nhiều hơn chi tiêu, từ đó tạo áp lực giảm phát.

Ngay cả khi tốc độ lưu thông của tiền tăng lên, các yếu tố làm giảm lạm phát (thiểu phát) vẫn có thể phát huy tác dụng, chẳng hạn dân số già hoặc xu hướng đẩy giá xuống của công nghệ kỹ thuật số.

"Lạm phát đang tăng lên một chút, nhưng tôi không cho rằng điều đó sẽ khiến tiền mã hóa bùng nổ", ông Paulsen nhận định. Bloomberg nhận định Bitcoin không giống hầu hết hàng rào phòng vệ rủi ro lạm phát khác. Giá trị của đồng tiền này hoàn toàn nằm ở niềm tin của người nắm giữ.

Giá trị của Bitcoin không nằm ở bất cứ tài sản nào như dầu, bất động sản hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp. "Có thể lạm phát và giá Bitcoin cùng tăng lên. Nhưng chưa chắc chúng nằm trong mối quan hệ nguyên nhân - kết quả", Bloomberg khẳng định.

Mới đây, bà Cathie Wood - nhà sáng lập Ark Investment Management, một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất của Bitcoin - thừa nhận nỗi lo ngại về những tác động của giảm phát cũng như lạm phát.

"Có đủ củi để làm bùng lên lạm phát. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ mồi lửa có đủ hay không", ông Marc Chandler, chiến lược gia thị trường trưởng tại Bannockburn Global Forex, nhận định.

Thay vì coi biến động giá của Bitcoin là một thước đo cho lạm phát, ông Chandler thường đánh giá qua các tín hiệu như giá dầu, giá chất bán dẫn hoặc chi phí vận chuyển.

Tất cả đều tăng giá khi nền kinh tế tăng trưởng. Nhưng điều đó không có nghĩa là sức mạnh của đồng USD sụt giảm vì lượng lớn tiền được bơm vào nền kinh tế.

"Những người ủng hộ Bitcoin nên tìm kiếm lý do khác để củng cố lập luận của họ. Tôi vẫn do dự khi nghĩ rằng giá Bitcoin có thể cho chúng ta biết bất cứ điều gì về các biến số kinh tế", ông nhận định.

(Theo Zing)