57.055 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 61 địa phương, trong đó đã có 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố nhưng BộY tế vẫn chưa công bố dịch tay chân miệng.

TIN BÀI KHÁC

Các con số đáng ngại

Từ đầu năm 2011 đến nay, cả nước đã ghi nhận 57.055 trường hợp mắc bệnh tại 61 địa phương, trong đó đã có 111 trường hợp tử vong tại 24 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, hiện Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch tay chân miệng.

Mới đây nhất, vào sáng 27/9, tại Bình Định lại thêm một trẻ tử vong nghi do bệnh tay chân miệng. Đây là trường hợp bệnh nhi thứ 2 tử vong với các triệu chứng lâm sàng tương đối điển hình của bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Bình Định. Theo Trung tâm Y tế dự phòng Bình Định, đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, chủ yếu là trẻ em.

Tại miền Bắc, Thanh Hóa là địa phương có số người mắc tay chân miệng cao nhất với 1.870 ca. Còn tại Hà Nội, số liệu thống kê trong 4 ngày (15-19/9), trường Mẫu giáo Bách Khoa cũng ghi nhận 6 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Đặc biệt tại trường Mầm non số 5, phường Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), một bé gái 3 tuổi tử vong vì virus EV71 ở thể rất nặng. Khởi phát với các triệu chứng không điển hình của bệnh tay chân miệng, được đưa đến bệnh viện sớm, thế nhưng cô bé vẫn không thể qua khỏi. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên tại Hà Nội cũng như ở miền Bắc.

Ở khu vực miền Nam, các tỉnh, thành có số trẻ mắc bệnh nhiều nhất là TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu. Cá biệt tại Đồng Tháp đã phải đóng cửa 3 trường học vì dịch tay chân miệng. Riêng TP.HCM, đến nay bệnh viện Nhi Đồng 1 đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhân mắc bệnh này.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là do virus EV71, một tuýp cực kỳ nguy hiểm. Đối với những bệnh nhi mắc bệnh ở thể tối cấp, diễn biến xấu rất nhanh, có thể viêm cơ tim, viêm não, phù phổi cấp.

Bộ chờ địa phương

Bệnh tay chân miệng đang là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh ở các địa phương cả nước. Ông Trần Thanh Dương, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ngày 26/9 cho biết trên báo Người lao động, trong tuần, cả nước ghi nhận hơn 2.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại 45 địa phương. Trường hợp bé gái 3 tuổi ở quận Ba Đình, Hà Nội tử vong, hiện các chuyên gia dịch tễ vẫn chưa xác định được nguồn lây.

Với gần 60.000 trường hợp mắc bệnh, hơn 100 ca tử vong, việc Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch chân tay miệng khiến dư luận không khỏi thắc mắc, hoang mang.

Bóng nước của bệnh tay chân miệng tập trung ở vùng lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đầu gối (Nguồn: VietNamNet)

Vào sáng 15/8, tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng tuyên bố sẽ công bố dịch tay chân miệng trong hội nghị với 20 tỉnh, thành khu vực phía Nam. Thế nhưng, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên vào sáng ngày 17/8, Thứ trưởng y tế Trịnh Quân Huấn lại cho rằng vẫn chưa thể công bố dịch tay chân miệng. Theo ông Trịnh Quân Huấn, việc công bố dịch cần dựa trên các quy định.

Theo quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện khi có đủ hai điều kiện: có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố. Ngoài ra có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa….

Ngày 19/8 TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã giải thích về quyết định chưa công bố dịch trên báo Tin tức. Ông Bình cho biết, bệnh tay chân miệng là một trong những bệnh thuộc nhóm B. Do đó, thẩm quyền công bố dịch tay chân miệng thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh, thành, theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành đó. Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ công bố dịch đối với một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B khi có từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên đã công bố dịch.

Nhưng thực tế, tới nay chưa có địa phương nào công bố dịch. Qua theo dõi của các viện nghiên cứu thì tác nhân gây bệnh tay chân miệng cũng chưa biến đổi, các biện pháp phòng chống dịch đưa ra vẫn còn hiệu quả. Hiện tại, cũng không có tỉnh nào có bệnh nhân tay chân miệng ở trong tình trạng bị thảm họa. Do đó, hiện chưa phải là thời điểm Bộ Y tế công bố dịch tay chân miệng.

Người dân hoang mang

Trước tình trạng trên, nhiều bậc phụ huynh đã tỏ ra rất lo lắng, hoang mang. Trên diễn đàn của báo VietNamNet một bạn đọc bức xúc: “Chúng ta không thể chờ đợi được khi con số từ 80 cháu giờ lên 111 cháu và tình hình này còn bao nhiêu cháu nữa? Tại sao Bộ Y tế khi dịch tay chân miệng phát triển nghiêm trọng như vậy mà không công bố dịch?”. Đồng tình với ý kiến trên, độc giả khác cũng thẳng thắn: “Bộ y tế là cơ quan trực tiếp lo cho sức khỏe người dân nên không thể trả lời là chờ UBND cấp tỉnh”.

Chị Lê Hồng, một phụ huynh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng tỏ ra lo lắng khi tại Hà Nội đã có một cháu bé tử vong vì bệnh này. Chị cho biết: “Mỗi ngày đón con từ trường mầm non về tôi đều phải kiểm tra chân tay con có vết đỏ không, nếu có dấu hiệu gì bất thường thì phải cho đi bệnh viện kiểm tra ngay, tình trạng này thì không thể lơ là được”.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh tay chân miệng chưa có vắcxin phòng bệnh, cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh là rất quan trọng. Dù ở trường hay ở nhà, biện pháp quan trọng nhất để phòng bệnh cho trẻ là giữ vệ sinh sạch sẽ môi trường, đồ chơi, đặc biệt bàn tay của trẻ và người chăm sóc. Người chăm sóc trẻ và trẻ em phải rửa tay thường xuyên trong ngày bằng xà phòng và các dung dịch rửa tay sát khuẩn trong các nhà trẻ, mẫu giáo, nhóm trẻ và trong các hộ gia đình có trẻ dưới 6 tuổi. Đặc biệt, cần cách ly trẻ ốm tại nhà, không ăn chung thìa, bát, đĩa; chất thải của trẻ bệnh cần xử lý theo quy định của Bộ Y tế…

Quyết định về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết  dịch bệnh truyền nhiễm:
Điều kiện công bố dịch bệnh truyền nhiễm
Việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi có đủ hai điều kiện sau:
1. Có số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau:
a) Quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
b) Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
c) Bệnh dịch có tỷ lệ tử vong cao mà chưa rõ tác nhân gây bệnh và chưa có biện pháp khống chế hiệu quả;
d) Bệnh dịch xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Lê Ngọc (Tổng hợp)