Mạng y tế kết nối Việt Nam
Ngày nay, khái niệm “mạng xã hội” không còn xa lạ đối với người dân Việt Nam. Dịch vụ này giúp thỏa mãn nhu cầu kết nối, chia sẻ của con người khắp nơi trên toàn thế giới, lan tỏa nhanh và có tính tương tác cao. Với ngành y, nhu cầu về mạng xã hội đặc thù để kết nối giữa các bác sĩ lại càng quan trọng. Nhận định về tầm quan trọng của sự kết nối trong ngành y, PGS.TS Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết thực chất, để một ca phẫu thuật thành công, 90% là phụ thuộc vào “cái đầu” của bác sĩ chứ không phải bàn tay. Như vậy, tư vấn từ các chuyên gia đóng vai trò rất quan trọng trong sự thành công của cuộc mổ.
Theo thống kê, hiện nay, ngành y tế Việt Nam có khoảng trên 500.000 cán bộ, y, bác sĩ. Tuy nhiên, việc chia sẻ thông tin về các quy định liên quan của Bộ Y tế, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, hỗ trợ lẫn nhau trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh,… giữa đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế các tuyến còn nhiều hạn chế. Các bác sĩ, cơ sở y tế chưa có nền tảng kết nối, trao đổi thông tin hiệu quả và nhanh chóng.
Thực tế, nhiều nhân viên ở các trạm y tế xã đặc biệt là vùng sâu, vùng xa thừa nhận họ không biết gọi cho ai, liên lạc với đơn vị nào để xin ý kiến, trao đổi thông tin khi gặp các ca bệnh khó.
Để giải quyết bài toán đó, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Tập đoàn Viettel xây dựng và phát triển Mạng kết nối y tế Việt Nam. Mục tiêu của ứng dụng này là kết nối các cán bộ, thầy thuốc và nhân viên y tế với nhau. Họ sẽ được trao đổi thông tin, chia sẻ, hỗ trợ và đào tạo chuyên môn dựa trên nền tảng công nghệ mạng xã hội.
Mạng kết nối y tế Việt Nam bao gồm 6 tính năng chính: Kết bạn, chia sẻ thông tin; Nhắn tin, gọi thoại, gọi video; Chia sẻ bệnh án; Cập nhật thông tin hồ sơ cá nhân cán bộ, nhân viên ngành y tế; Tạo nhóm trao đổi kinh nghiệm; Tạo môi trường kết nối, giao lưu, chia sẻ giữa các y bác sĩ. Ứng dụng này được xây dựng trên nền tảng Cloud, người dùng có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi trên nền tảng webiste và ứng dụng di động thông minh (Android, iOS).
Mạng xã hội này không chỉ là kênh giúp các cán bộ y tế tự đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn mà còn là kênh tương tác trực tiếp giữa cán bộ y tế với lãnh đạo các cấp, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Thông qua Mạng kết nối Việt Nam, nhiều chính sách mới của ngành y đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các tuyến.
An toàn thông tin được đảm bảo
Vì sao bác sĩ lại cần “mạng xã hội” dành riêng cho ngành y mà không tận dụng các nền tảng có sẵn? Y tế là ngành đặc thù, trong đó mỗi bệnh án, hồ sơ sức khỏe của người bệnh là tài liệu cần được bảo mật, những trao đổi, hội chẩn đều phải được đảm bảo an toàn thông tin. Vì vậy, ngành y tế cần phải có một “mạng xã hội” riêng để có thể đảm bảo quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, chia sẻ hồ sơ bệnh án giữa các cán bộ y tế vẫn đảm bảo được yếu tố bảo mật.
Về vấn đề này, các kỹ sư của Viettel đã xây dựng hệ thống tích hợp công nghệ Big Data trong xử lý dữ liệu, công nghệ bảo mật 4 lớp (theo quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông) giúp xác thực danh tính người dùng và bảo mật thông tin. Toàn bộ dữ liệu trao đổi, thông tin chia sẻ trong hệ thống, đều được lưu trữ và bảo mật trên hạ tầng máy chủ do Viettel cung cấp cũng như vận hành bởi các kỹ sư, kỹ thuật viên chất lượng cao thực hiện.
Với các dữ liệu của các bác sĩ ở Mạng y tế kết nối Việt Nam, Viettel ứng dụng công nghệ mã hóa dữ liệu 2 lớp khi lưu trữ. Theo đó, sau khi được mã hóa, người truy cập phải sử dụng các phương án sinh trắc học hoặc OTP (one time password) để chỉ có duy nhất bác sĩ đó mới truy cập được dữ liệu của mình, giúp bảo đảm an toàn thông tin.
Là một Nền tảng thuộc Hệ sinh thái giải pháp Viettel Telehealth (Hệ thống hỗ trợ, tư vấn, khám chữa bệnh từ xa), Mạng kết nối y tế Việt Nam sẽ nối dài hơn, mở rộng hơn những “cánh tay” của các bác sĩ đầu ngành, giúp mạng lưới y tế của Việt Nam hoạt động thông suốt từ xã, phường cho đến Trung ương.
Thu Hà