Nhiều quốc gia sử dụng lực lượng cứu hoả tình nguyện viên, được tuyển chọn từ đủ các ngành nghề

Lính cứu hoả tình nguyện là một lực lượng được trưng dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đội ngũ này làm việc vào thời gian rảnh rỗi, được tuyển chọn và đào tạo cẩn thận. Đây là lực lượng có những đóng góp vô giá cho cộng đồng.

Các quốc gia có đội ngũ lính cứu hoả tình nguyện gồm: Mỹ, Anh, Đức, Canada, Pháp, Phần Lan, Australia, Áo, Argentina, Israel… Tuỳ vào mỗi quốc gia, lính cứu hoả tình nguyện có thể được trả lương hoặc không. 

Theo số liệu từ Hiệp hội Chống hoả hoạn quốc gia, 54% lính cứu hoả ở Mỹ là tình nguyện viên. Con số này ở Pháp lên tới 80%. Ở Phần Lan, công tác chữa cháy ở vùng nông thôn chủ yếu phụ thuộc vào các đội cứu hỏa tình nguyện. Thậm chí, ở nước này còn có cả đội lính cứu hỏa nhỏ tuổi. Các em thường ở độ tuổi từ 10 đến 17 nhưng cũng có một số em chỉ từ 7-9 tuổi. 

Trong khoảng 30.000 lính cứu hoả ở Bồ Đào Nha, có hơn 90% là tình nguyện viên. Họ tới từ đủ các ngành nghề - từ công nhân xây dựng cho tới luật sư. Điều đặc biệt, các cơ quan cứu hoả tình nguyện ở nước này hoạt động dựa vào tiền tài trợ của các mạnh thường quân và nguồn thu từ việc họ phục vụ các sự kiện của tư nhân - những người trả tiền để đội cứu hoả tình nguyện mua các trang thiết bị. 

Về công việc, lính cứu hoả tình nguyện cũng phải làm đủ các nhiệm vụ như lính cứu hoả chuyên nghiệp, gồm có: trả lời các cuộc gọi khẩn cấp; dập lửa; sơ cứu người bị thương; tuyên truyền các kỹ năng phòng cháy; vệ sinh, bảo trì, sửa chữa, thay thế các thiết bị, dụng cụ, đồng phục chữa cháy... 

Ở Mỹ, ngoài việc chữa cháy, lính cứu hoả còn làm nhiệm vụ cứu hộ trong các vụ tai nạn, sự cố xe hơi; kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dân cùng với cảnh sát khi có cuộc gọi khẩn cấp, hỗ trợ tìm kiếm người mất tích sau tai nạn…

Mặc dù thường phải làm việc trong những tình huống nguy hiểm nhưng lính cứu hoả tình nguyện cũng có thể nhận được nhiều lợi ích khi làm công việc này. Họ có cơ hội học các kỹ năng an toàn và chuyên nghiệp để giúp ích cho chính bản thân mình và trong các môi trường nghề nghiệp khác. 

Là lính cứu hỏa tình nguyện, họ có thể đủ điều kiện nhận tín dụng thuế, chương trình hưu trí và thậm chí cả học bổng. Những người đảm nhận vai trò này thường làm công việc tình nguyện trong thời gian rảnh rỗi, mà vẫn có một công việc chính khác được trả lương.

Người dân được tuyển chọn và đào tạo bài bản trước khi được phép làm nhiệm vụ

Nếu một người dân muốn trở thành lính cứu hoả tình nguyện, họ cần liên hệ với cơ quan cứu hoả địa phương để tìm hiểu về các yêu cầu và thủ tục. Trước khi quyết định tham gia, người nộp đơn nên đảm bảo rằng mình đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất cho nhiệm vụ này. Mặc dù mỗi phòng ban và mỗi cơ quan cứu hoả sẽ có những yêu cầu khác nhau nhưng vẫn có một số yêu cầu chung, gồm: đã tốt nghiệp trung học, vượt qua bài kiểm tra lý lịch, có bằng lái xe.

Sau khi nộp đơn, ứng viên sẽ được sàng lọc hồ sơ hoặc phỏng vấn trước khi được nhận chính thức. Quá trình này thường bao gồm việc kiểm tra lý lịch, khám sức khoẻ, xét nghiệm ma tuý. Nếu cần phỏng vấn, ứng viên cũng có thể gặp các câu hỏi như: tại sao muốn trở thành lính cứu hoả tình nguyện, chia sẻ về một thời điểm bạn phải vượt qua thử thách, chìa khoá để làm việc nhóm hiệu quả là gì, làm thế nào để giữ vóc dáng cân đối…

Đặc biệt, thể lực là một yếu tố quan trọng cần có. Vì thế, thường sẽ có một bài kiểm tra thể lực để đảm bảo ứng viên đủ khả năng làm công việc nặng nhọc này.

Sau khi đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra, ứng viên sẽ được đào tạo để có đủ kỹ năng và kiến thức xử lý các tình huống khẩn cấp, đặc biệt là cách dập lửa và thực hiện sơ cứu. Họ cũng có thể phải hoàn thành một số chứng chỉ hoặc nội dung đào tạo về kỹ thuật cứu sống cơ bản, hồi sức tim phổi, kỹ thuật viên y tế khẩn cấp…

Lính cứu hoả tình nguyện cũng được khuyến khích tham dự các hội thảo, học hỏi từ các chuyên gia và đọc thêm tài liệu tham khảo. Các cơ quan cứu hoả thường đề nghị người tình nguyện tham gia đào tạo thường xuyên để ghi nhớ quy trình và cập nhật những tiến bộ của ngành.