- "Với cách thi như hiện nay thì tôi không ngạc nhiên khi học sinh bỏ môn sử..."-
GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch
sử Việt Nam cho biết sáng 23/4.
Môn thi bắt buộc không thể vắng sử
- GS Phan Huy Lê cho biết: Cải cách thi cử là cần thiết nhưng thi phổ thông với cách như vừa rồi có lẽ bộ chưa lường hết hệ quả của nó. Kết quả đăng ký chọn sử rất ít, có trường ko học sinh nào chọn sử.
Nói chung thí sinh chọn thi môn xã hội rất ít. Dư luận hiện có hai xu hướng. Thứ nhất là lo lắng vị thế môn xã hội thấp xuống và làm ảnh hưởng đến việc học môn sử. Xu hướng thứ hai lại cho rằng không nên quá lo lắng về điều này, do học sinh phải tính toán liên quan đến thi đại học nên đó là sự tính toán thông minh và tất yếu.
Cá nhân tôi nghĩ với cách thi như thế thì hoàn toàn không ngạc nhiên là học sinh sẽ bỏ môn sử, môn địa và chọn các môn tự nhiên. Cái đó xét về tính toán lợi ích của học sinh là hoàn toàn hợp lý. Nhưng về phương diện thứ 2, tôi muốn nhấn mạnh đến yêu cầu giáo dục toàn diện. Hiện chúng ta chưa phân ban, thì có nghĩa yêu cầu giáo dục phổ thông phải bao gồm tất cả các môn.
Cách thi thế này thì không riêng môn sử mà các môn xã hội nói chung sẽ bị hạ thấp, bị coi là môn phụ. Tôi rất lo lắng về điều này.
GS.NGND Phan Huy Lê |
Trong giáo dục phổ thông các môn xã hội rất quan trọng trong hình thành nhân cách, bản lĩnh, năng lực tư duy của con người. Bây giờ học sinh bỏ môn sử thì hệ quả thế nào, học sinh lớn lên không biết lịch sử dân tộc, công dân Việt Nam mù mờ về lịch sử đất nước.
GS bình luận thế nào về ý kiến phải đưa môn sử là môn thi tốt nghiệp bắt buộc?
- GS Phan Huy Lê: Đây là một vấn đề chúng tôi nhiều lần đề xuất và dư luận cũng bàn nhiều. Đây cũng không phải vấn đề riêng của Việt Nam mà kinh nghiệm quốc tế các nước phát triển trên thế giới. Kể cả các nước công nghiệp như Mỹ thì trong giáo dục phổ thông của họ vừa coi trọng chức năng của từng môn học, vừa không nên cào bằng mà phải đặt cho đúng mắt xích của nó trong hệ thống giáo dục phổ thông.
Nhiều nước trên thế giới đều coi văn, toán, sử (có nước có thêm môn ngoại ngữ) là môn cơ sở, cơ bản, hoặc môn bắt buộc.
Cá nhân tôi cho rằng các môn bắt buộc thi tốt nghiệp không nên vắng môn sử. Nếu tổ chức thi như đổi mới của Bộ thì trên thực tế là góp phần loại trừ môn sử học.
Chúng ta hình dung như thế nào nếu học sinh lớn lên trở thành những công dân hiểu biết về Sử dân tộc mình một cách rất mù mờ, thiếu hệ thống và thiếu căn bản, từ đó không chỉ thiếu kiến thức mà còn liên quan đến vấn đề tính cách, ý thức công dân, dân tộc. Theo tôi vấn đề này hết sức cơ bản và cần có sự nghiên cứu có trách nhiệm của ngành giáo dục.
Theo GS cần phải cấp thiết thay đổi việc dạy môn sử trong trường phổ thông như thế nào?
- GS Phan Huy Lê: Phải đặt môn sử trong cả hệ thống giáo dục phổ thông, không thể tách ra được. Muốn thay đổi môn sử phải thực hiện nó trong tổng thể, tức là trong đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông.
Môn sử cũng phải được thay đổi trong toàn bộ hệ thống của nó, từ nhận thức về môn sử như thế nào, dạy sử nhằm mục đích gì, môn sử góp sức gì vào đào tạo con người ở lớp trẻ, từ đó mới xác định học cái gì, học như thế nào. Đó là hàng loạt câu hỏi phải trả lời trong nhận thức về môn sử và thể hiện nó trong chương trình môn sử, sau đó là biên soạn SGK.
SGK là cực kỳ quan trọng mà theo tôi, SGK sử hiện nay không thể chấp nhận được, phải thay đổi về căn bản.
Việc đào tạo giáo viên cũng phải đào tạo đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cải cách dạy và cách học của học sinh. Cách dạy và cách học của học sinh cũng phải thay đổi.
Tóm lại, phải hệ thống, nếu tách từng khâu nhỏ thì không thể giải quyết được. Đây là vấn đề hết sức quan trọng đang đặt ra trong đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông mà tôi đang rất chờ đợi, và cá nhân tôi cũng như hội sẵn sàng đóng góp ý kiến để xây dựng đề án mới, trong đó đặc biệt là chương trình và biên soạn SGK sử.
Phải lắng nghe ý kiến trái chiều
Bộ GD-ĐT đã nhận thấy được những bất cập này và hiện Bộ đang soạn thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Theo GS, môn sử sẽ phải thay đổi thế nào?
GS Phan Huy Lê: Theo tôi hiện nay trong đề án chúng ta mới chỉ xác lập được mấy vấn đề cơ bản.
Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục tôi nghĩ rằng có nhiều vấn đề rất lớn chưa được giải quyết mà vấn đề đó tôi nghĩ ngành giáo dục phải tự mình xác lập trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo và các chuyên gia, phải lắng nghe tất cả các ý kiến, kể cả các ý kiến trái chiều.
Đề án đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có một vấn đề rất lớn, Bộ GD phải xây dựng trên cơ sở tham khảo một cách rộng rãi đầy đủ các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, đặc biệt là các chuyên gia trên từng bộ môn, cần lắng nghe tất cả những ý kiến, kể cả ý kiến trái chiều.
Trong những ý kiến trái chiều đó có một phần những bức xúc của họ, những khía cạnh bất cập của nền giáo dục, có thể hơi cường điệu một chút. Và nên tổ chức những hội thảo chuyên đề có tính chất tranh luận lấy ý kiến...
Bản thân GS cũng như Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã, đang và sẽ có những đóng góp gì để đổi mới việc dạy và học sử trong chương trình giáo dục phổ thông?
- GS Phan Huy Lê: Sắp tới đây chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo các chuyên gia về đóng góp ý kiến cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa, trong đó đặc biệt là môn lịch sử.
Cần phải tạo ra một nền giáo dục bền vững. Ở mình thiếu định hướng vững vàng trên một nền tảng vững chắc mà thường chênh vênh, chuyển từ cục đoan này sang cực đoan khác…
Nguyên nhân căn bản là trong tư duy của các nhà quản lý, phải thay đổi nền tảng mới vững được.
Lỗi hệ thống trong giáo dục hiện nay tôi cho không phải là khiếm khuyết bộ phân mà khiếm khuyết hệ thống nên nếu mình chỉ chữa từng bộ phận thì nó thành chắp vá. Ví dụ như môn sử, sách nặng nề như vậy thì bổ sung, bỏ bớt đi như cách Bộ vừa làm là... chắp vá.
Cho nên SGK không chỉ dùng cho thầy giáo và học sinh mà nó chứa đựng trong đó cả vị thế và chức năng của môn học. Khi chương trình chưa thay đổi thì sửa SGK không có ý nghĩa gì cả. Phải thay đổi hệ thống nên vấn đề đặt ra là phải hiểu đổi mới căn bản toàn diện.
- Cảm ơn GS!
- Nguyễn Hiền - Mai Thảo (ghi)