Startup chưa hướng tới sản phẩm, dịch vụ dựa trên sáng chế, công nghệ cao
“Thời gian vừa rồi, tổng lượng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đổi mới sáng tạo của chúng ta vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với các nước như Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… Lý do cơ bản là các dự án startup của chúng ta chưa đủ hấp dẫn. Startup của Việt Nam chưa hướng tới những sản phẩm, dịch vụ có tính chất đột phá dựa trên công nghệ cao, sáng chế mới. Thông thường vẫn chỉ làm lại những sản phẩm, dịch vụ đã có ở những nơi khác. Tính hấp dẫn không cao”, ông Đặng Quang Vinh, Chuyên gia cao cấp Khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới (WB) trả lời phóng viên Báo VietNamNet khi so sánh hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Theo ông Vinh, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam thường chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) và dịch vụ, ít tập trung vào các lĩnh vực dựa trên bằng sáng chế, phần cứng.
Lý do là Việt Nam có lợi thế về lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và chi phí đầu tư cho phát triển các dịch vụ IT thường thấp hơn chi phí đầu tư để phát triển các sản phẩm phần cứng có công nghệ mới, ví dụ như drones (phương tiện bay không người lái) hay các thiết bị thông minh khác. Một lý do nữa là doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ trên nền Internet nhanh chóng với chi phí phân phối thấp, tiếp cận lượng lớn người dùng nhanh chóng. Trong khi đó, việc phân phối các sản phẩm phần cứng đòi hỏi chi phí logistics cao hơn.
Mặt khác, sáng chế được xem như một thước đo quan trọng của tri thức, công nghệ, và phát triển tri thức, công nghệ bản địa là điều không thể thiếu để Việt Nam trở thành nước phát triển, thế nhưng những năm gần đây, dù tổng số lượng sáng chế có tăng song số lượng sáng chế cấp cho tổ chức, cá nhân trong nước lại giảm nhẹ, đa số bằng sáng chế được cấp cho các đơn vị nước ngoài. Điều này cho thấy tiềm năng công nghệ có thể khai thác cho kinh tế của Việt Nam vẫn nhiều hạn chế, khó đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế dựa trên công nghệ và tri thức.
“Cần nâng cao nhận thức, đầu tư về nghiên cứu và phát triển (R&D) để có thể sáng chế. Đồng thời, làm rõ khung khổ quy định về quyền lợi của các nhà nghiên cứu trong việc đăng ký sáng chế, tăng thêm lợi ích để khuyến khích họ. Các thủ tục đăng ký sáng chế và việc bảo vệ bí mật trong quá trình đăng ký cũng cần được cải thiện. Đây là một quá trình và có nhiều việc phải làm, chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ”, ông Vinh khuyến nghị.
Tìm hiểu sự đóng góp của các đơn vị nghiên cứu trong việc tạo ra những ý tưởng kinh doanh, chỉ 12% doanh nghiệp nói rằng đã nhận được ý tưởng từ các đơn vị nghiên cứu, trường đại học.
Trong bối cảnh năng lực R&D trong nước còn hạn chế, thiếu kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu với các khu vực doanh nghiệp, mới có 20% doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cho biết đã đưa sản phẩm, dịch vụ mới ra thị trường quốc tế; hầu hết các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam chỉ tập trung thị trường trong nước
Bàn về câu chuyện này, vị chuyên gia cao cấp của WB phân tích: Ai cũng muốn vươn ra thế giới nhưng muốn ra được thế giới thì phải có sản phẩm, dịch vụ khác biệt và đáp ứng nhu cầu của số đông, giải quyết được bài toán khó, hoặc có những phát minh, sáng chế vượt trội.
“Để có thể phát triển được sản phẩm, dịch vụ đủ sức vươn ra thị trường quốc tế, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam cần tập trung vào R&D, tìm kiếm các vấn đề còn bỏ ngỏ trên thế giới và ứng dụng giải pháp công nghệ mới nhất. Họ cần hợp tác với các cơ sở nghiên cứu đề cùng tìm ra các giải pháp công nghệ mới. Họ cũng cần trang bị cho mình kiến thức và kinh nghiệm về tìm kiếm nguồn vốn cho giai đoạn phát triển ban đầu. Nếu có thể phát triển thành công và vươn ra thị trường quốc tế, họ có thể đạt tốc độ tăng trưởng vượt trội, năng suất vượt trội, qua đó góp phần nâng cao năng suất trung bình của cả nền kinh tế”, ông Vinh nhấn mạnh.
Đau đáu câu chuyện “Tiền đâu”?
Vốn cho startup giai đoạn đầu là vấn đề rất quan trọng. Các nhóm startup cần vốn để chuyển từ phát minh, sáng chế thành sản phẩm cụ thể và đem ra bán thử. Tuy nhiên, thực tế, cơ hội tiếp cận tài chính vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Đầu tư vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam gần đây chủ yếu vẫn là nguồn đầu tư từ nước ngoài, vốn đầu tư mạo hiểm (venture capital). Dòng vốn đã tăng mạnh, đạt 165 thương vụ tổng giá trị 1,5 tỷ USD vào năm 2021, nhưng sau đó chậm lại theo xu hướng chung của khu vực.
Hiện có khoảng gần 30 quỹ được thành lập theo Nghị định số 38 về đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhưng những quỹ này hoạt động rất nhỏ giọt, bởi vì nhiều hạn chế, chẳng hạn, quỹ chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư, doanh nghiệp lập quỹ phải chịu thuế, và một số rào cản khác.
Thiếu hụt vốn là câu chuyện khá phổ biến của các hoạt động khởi nghiệp dựa vào tri thức và bằng sáng chế. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên phần cứng và công nghệ “than” rằng khó tiếp cận vốn trong giai đoạn phát triển ban đầu. Bởi các sản phẩm phần cứng cần sử dụng máy móc, thiết bị, linh kiện yêu cầu chi phí đầu tư cao hơn so với phần mềm. Giai đoạn làm thử sản phẩm mẫu có thể kéo dài. Quá trình này cần nhiều vốn, trong khi các dòng vốn cho giai đoạn đầu lại chưa có nhiều. Các quỹ đầu tư lớn thường chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp đã có sản phẩm hoàn chỉnh và đã có doanh thu. Số lượng các nhà đầu tư thiên thần (sẵn sàng đầu tư vào những dự án rủi ro để có được lợi nhuận cao) tại Việt Nam còn ít, chưa chuyên nghiệp và cũng không có nhiều hoạt động.
“Việc cấp vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn đầu có thể tạo ra sự khác biệt về khả năng tồn tại của startup ở giai đoạn khó khăn nhất, qua đó tăng tỷ lệ thành công của startup trong tương lai. Điều này có thể giúp tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới có công nghệ hiện đại, năng suất vượt trội, qua đó nâng cao năng suất trung bình của nền kinh tế, thu hẹp khoảng cách về công nghệ và thu nhập giữa Việt Nam các nước trên thế giới”, ông Vinh lưu ý, đồng thời dẫn số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á cách đây ít lâu cho hay, năng suất lao động bình quân của Việt Nam vẫn đứng sau khá xa các quốc gia so sánh. Cụ thể: Năng suất lao động mỗi giờ của Việt Nam là 5,4 USD, trong khi Philippines 9,7 USD, Indonesia 12 USD, Thái Lan 14,8 USD, Malaysia 26 USD, Hàn Quốc 40 USD, Singapore 68,5 USD.
Khó tiếp cận nguồn vốn “ngoại”, tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các cơ quan nhà nước cũng là chuyện không mấy khả thi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt.
“Chính phủ đã cố gắng triển khai nhiều chương trình, hoạt động khác nhau để có thể hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. 2 Bộ chịu trách nhiệm chính là Khoa học – Công nghệ và Kế hoạch – Đầu tư. Và tất nhiên cũng có nhiều bộ, ngành khác tham gia. Cấp địa phương cũng có nhiều chương trình, nổi bật nhất là của Thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng nhìn chung, các chương trình hỗ trợ của bộ/ngành/địa phương còn phân mảnh, manh mún, thiếu phối hợp giữa các cơ quan khác nhau, và mức độ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng rất hạn chế. Theo khảo sát PCI năm 2021, chưa đến 8% doanh nghiệp cho biết được hưởng lợi từ chương trình này”, ông Vinh thông tin thêm.
Một trong những hoạt động thu hút sự chú ý nhiều nhất ở Việt Nam là Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025"(Đề án 844) của Bộ Khoa học Công nghệ, hiện đã hỗ trợ khoảng 2.000 dự án và nhiều học viên thông qua các trung tâm ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, trung tâm tăng tốc khởi nghiệp… Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Vinh, tác động vẫn còn hạn chế.
Môi trường kinh doanh còn rào cản
“Quay lại năm 2016 – 2017, chúng ta đã thấy có một cuộc tranh luận lớn về mô hình kinh doanh Uber, Grab. Đến giờ, rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn đang phải đối mặt với những câu hỏi, băn khoăn tương tự. Môi trường kinh doanh của chúng ta còn nhiều rào cản. Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn khó gia nhập thị trường để thực hiện kinh doanh, đặc biệt là với những sản phẩm, dịch vụ mới trong những lĩnh vực còn chưa rõ ràng về quy định pháp lý. Đã có công ty làm game phải sang Singapore đăng ký kinh doanh vì liên quan câu chuyện tài sản trên mạng, tài sản trong game. Vì khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, minh bạch, nên nhiều nhà đầu tư không muốn đầu tư vào những sản phẩm có tính đột phá”, ông Vinh bày tỏ sự quan ngại.
Năm 2023, WB thực hiện nghiên cứu về Chỉ số cải cách thị trường hàng hóa tại Đông Á, với các quốc gia gồm: Campuchia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Lào, Myanmar, Fuji, Trung Quốc, Việt Nam, Mông Cổ, Nhật Bản, Singapore… Kết quả, điểm số của Việt Nam thấp hơn hầu hết các quốc gia còn lại, chỉ cao hơn một chút so với Mông Cổ.
Mới đây, WB vừa thực hiện nghiên cứu chuyên đề “Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, nhấn mạnh vai trò thiết yếu của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
38% doanh nghiệp tham gia khảo sát của WB cho biết vẫn gặp thách thức trong việc tiếp cận thị trường.
Cũng theo nghiên cứu chuyên đề của WB, khung pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam còn thiếu rõ ràng, chưa có cơ chế thí điểm hoặc sandbox cho nhiều lĩnh vực tiềm năng như tài chính, ngân hàng hoặc game (trò chơi)… Cơ chế chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ của Việt Nam còn thiếu đồng bộ và bị mâu thuẫn chính sách, gây cản trở các hoạt động chuyển giao công nghệ; chưa rõ quy định về giao quyền sở hữu tài sản nghiên cứu và phát triển.
Các chuyên gia WB khuyến nghị, Chính phủ cần đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.