Từ cuối năm ngoái, Apple đã mất hơn chục lãnh đạo cấp cao. Hầu hết đều giữ chức vụ Phó Chủ tịch, chỉ xếp sau Phó Chủ tịch cấp cao và CEO Tim Cook. Họ là những nhân vật quan trọng tại Apple, phụ trách hoạt động hàng ngày của nhiều bộ phận cốt lõi.

Trong đó, có các Phó Chủ tịch phụ trách thiết kế công nghiệp, cửa hàng trực tuyến, hệ thống thông tin, đám mây, kỹ thuật phần cứng và phần mềm, quyền riêng tư, bán hàng tại các thị trường mới nổi, dịch vụ thuê bao, mua sắm. Tổng cộng, 11 người đã rời bỏ Apple, con số cao nhất trong lịch sử gần đây.

Trụ sở Apple tại Cupertino, California (Mỹ). (Ảnh: Bloomberg)

Những năm qua, Apple chỉ mất khoảng 1 hoặc 2 Phó Chủ tịch trong khoảng thời gian 12 tháng. Chính vì vậy, sự ra đi của 11 người – bất kể họ nghỉ hưu, bị sa thải, hay bỏ sang nơi khác – thực sự đáng chú ý.

Tất nhiên, Apple cũng đón một số lãnh đạo mới như Giám đốc nhân sự, Giám đốc công nghệ thông tin. Dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, công ty phải thăng chức cho các nhân sự nội bộ. Cá biệt, “táo khuyết” chưa thể tìm ra người thay thế cho Evans Hankey, lãnh đạo bộ phận thiết kế công nghiệp. Thay vào đó, các thành viên của nhóm thiết kế sẽ báo cáo cho Giám đốc điều hành (COO) Jeff Williams. Tương tự, hãng cũng chưa có người ngồi vào chỗ của Giám đốc bảo mật.

Theo Bloomberg, phần lớn đều là những người dày dặn kinh nghiệm tại Apple, gắn bó với nhà sản xuất iPhone từ 15 năm trở lên. Làn sóng tháo lui này có thể chỉ là khởi đầu. Nhiều Phó Chủ tịch đã làm việc hơn một thập kỷ và có thể nghỉ hưu trong vài năm tới.

Trong lớp lãnh đạo cấp cao nhất của Apple, 10/12 người bằng tuổi nhau. Một nửa gia nhập “táo khuyết” trước năm 2000. Khoảng cách tuổi tác giữa CEO Tim Cook và COO Williams chỉ là 2 năm.

Những người gắn bó lâu năm nhất với Apple đang ở đoạn cuối của sự nghiệp. Chẳng hạn, cựu Giám đốc tiếp thị Phil Schiller nay chuyển sang vai trò nhỏ bé hơn, tập trung vào App Store và sự kiện truyền thông. Dan Riccio từ bỏ mọi trách nhiệm kỹ thuật phần cứng, ngoại trừ bộ phận thiết bị thực tế hỗn hợp.

Cấp lãnh đạo phía dưới cũng không chắc chắn ở lại. Theo nguồn tin của Bloomberg, một số lãnh đạo cấp Giám đốc và Giám đốc cấp cao đang cân nhắc nghỉ việc trong tương lai không xa.

Ngoài gánh nặng trách nhiệm đặt lên vai các nhà quản lý, Bloomberg cho rằng các nguyên nhân khác khiến nhiều người chia tay Apple là: Bộ máy ngày càng quan liêu, đặc  biệt khi xét đến phát triển sản phẩm; khó tạo ra dấu ấn cá nhân; nguồn lực chuyển sang các dự án dài hơi hơn, mất vài năm để hoàn thiện.

Bản thân cấu trúc của Apple cũng gây căng thẳng. Công ty được tổ chức theo chức năng, đồng nghĩa các nhóm cùng tham gia vào các sản phẩm lớn. Ví dụ, một Phó Chủ tịch kỹ thuật phần mềm sẽ giúp giám sát linh kiện của iPhone, Apple Watch, iPad, Mac và AirPods. Một lãnh đạo kỹ thuật phần mềm sẽ điều hành các nhóm iOS, macOS, watchOS và tvOS.

Tổ chức này phù hợp với những ngày đầu tại Apple nhưng dẫn đến trì hoãn phát triển sản phẩm kéo dài, nguồn lực bị dàn mỏng, phức tạp về kỹ thuật. Nó cũng có điểm tích cực như tập hợp các bộ óc giỏi nhất.

Cuối cùng, một yếu tố khác là tài chính. Cổ phiếu Apple mất giá khoảng 30% năm ngoái, sau 3 năm tăng mạnh. Nó ảnh hưởng đến lương thưởng của lãnh đạo. Trong trường hợp của Phó Chủ tịch, nó có thể đồng nghĩa với mức thu nhập còn một nửa.

CEO Tim Cook không phải ngoại lệ. Cuối tuần trước, cổ đông Apple phê duyệt gói lương mới, giảm 40%. Hơn 80% thu nhập năm 2023 của ông sẽ được trả bằng cổ phiếu, 75% trong số đó gắn với hiệu suất công ty.

(Theo Bloomberg)

Hé lộ nhóm dự án bí mật của Apple

Hé lộ nhóm dự án bí mật của Apple

Exploratory Design Group (XDG) được biết đến là nhóm được giao nhiệm vụ nghiên cứu các công nghệ mới tuyệt mật, nơi tập hợp những bộ óc thông minh và sáng tạo nhất của Apple.