Sau khi đi vào thực tiễn, Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết đang đặt ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp khi mũi tên nhắm tới hành vi gian lận chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng lại khiến doanh nghiệp nghiệp nội địa chật vật vì “vòng kim cô” này.
Các tập đoàn lớn: EVN, Vinacomin, Lilama… "kêu cứu"
Cụ thể, tại khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 quy định: Tổng chi phí lãi vay được khấu trừ cho mục đích tính thuế không vượt quá 20% chỉ số EBITDA (lợi nhuận thuần trước thuế và lãi). Quy định này có tác dụng "siết chặt" việc quản lý thuế đối với các doanh nghiệp FDI nhưng lại đang gây ra nhiều trở ngại với doanh nghiệp trong nước. Hầu hết các doanh nghiệp đều kêu khó do quy định khống chế tỷ lệ lãi vay và phạm vi đối tượng áp dụng.
Vinacomin – đơn vị sở hữu hơn 70 công ty con, công ty liên kết và đơn vị trực thuộc – ước tính nộp thuế hơn 300 tỷ đồng vì Nghị định 20. (Nguồn: Thời báo Tài chính) |
Trong kinh doanh, "buôn tài không bằng dài vốn". Doanh nghiệp nếu thiếu vốn kinh doanh thì luôn phải áp dụng giải pháp đi vay. Bởi vậy, việc khống chế chi phí lãi vay sẽ làm cho các doanh nghiệp lo lắng và ngại ngần khi đưa ra chiến lược vay vốn, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, lợi nhuận thu được trong kinh doanh đôi khi không đủ bù đắp cho chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Đây chính là khó khăn, trở ngại của doanh nghiệp có ý định vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Là một trong số các doanh nghiệp gặp khó khăn, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Tài chính của Tập đoàn Vingroup cho hay, khoản 3, Điều 8 của Nghị định 20 quy định nội dung hoàn toàn mới, không được quy định rõ trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp là chưa phù hợp.
Trên thực tế, so với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào vốn vay nhiều hơn và không có động cơ về việc chuyển giá thông qua chi phí lãi vay.
"Việc điều chỉnh loại chi phí lãi vay làm tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng", bà Nguyễn Thị Thu Hiền phản ánh.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Xuân Nam bày tỏ Chính phủ cho phép công ty mẹ EVN là chủ thể vay để cho vay lại tới các tổng công ty phát điện (GENCO).
Theo ông Nguyễn Xuân Nam, bản chất mối liên kết này không phải EVN vay về để cho vay lại nhằm mục đích chuyển giá theo tinh thần Nghị định 20. Nhưng theo Nghị định 20 thì EVN phải nộp thuế (cho khoản chi phí lãi vay vượt 20% lợi nhuận thuần-PV) là không hợp lý, dẫn đến EVN buộc phải nộp thuế tăng 500 tỷ đồng.
Điều này thủ tiêu động lực phát triển của doanh nghiệp, tạo ra chi phí vô lý, tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, có thể thấy Nghị định 20 khiến khối doanh tư nhân trong nước bị tăng lợi nhuận ảo, dẫn đến phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn và lợi nhuận thật của doanh nghiệp bị giảm đáng kể, không ít doanh nghiệp bị lỗ nặng.
"Kiến nghị được bàn luận rất nhiều trên báo chí, hội thảo… nhiều chuyên gia phân tích là không hợp lý. Chính phủ giao Bộ Tài chính trả lời, Bộ Tài chính giao Tổng cục Thuế thì đại ý vẫn từ từ xem xét. Không biết từ từ thế nào nhưng việc thu thuế không từ từ…", ông Nam nói.
Trước đó, trong năm 2018, các công ty lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiệp than khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty xi măng Việt Nam... cũng đã gửi kiến nghị đến Bộ Tài chính và nhiều cơ quan chức năng về những điểm chưa hợp lý của Nghị định 20.
Nghị định 20 của Chính phủ: "Điểm huyệt" các doanh nghiệp FDI có ý định chuyển giá, trốn thuế
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) – đơn vị sở hữu hơn 70 công ty con, công ty liên kết và đơn vị trực thuộc – từng cho biết, Tập đoàn ước tính nộp thuế hơn 300 tỷ đồng vì Nghị định 20. Nguyên nhân là bởi vì mức trần 20% là tính gộp chung các khoản vay giữa công ty liên kết và các tổ chức độc lập như vay ngân hàng…
"Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cho phép chi phí lãi vay được tính khi quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp theo chi phí thực tế, nhưng Nghị định 20/2017/NĐ-CP thì lại khống chế. Như vậy, đối với các đơn vị độc lập thì không bị khống chế chi phí lãi vay tính trong giá thành nhưng các đơn vị hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con thì lại bị khống chế. Đó là sự không bình đẳng", ông Lê Quang Dũng chia sẻ.
Không chỉ các tập đoàn trên, cuối tháng 4/2019, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam (VASB) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phản hồi về một số điều chỉnh của Nghị định 20/2017/NĐ-CP. Thay mặt các Công ty chứng khoán, VASB cho rằng Nghị định 20/2017/NĐ-CP, cụ thể là khoản 3 điều 8 là chưa hợp lý và chưa đúng với tinh thần của pháp luật.
Thủ tướng đã 3 lần "nhắc nhở"
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức chia sẻ, quy định "tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần" không phù hợp với một số doanh nghiệp, chưa tính đến yếu tố có hay không có "giao dịch liên kết". Vì nhìn chung, doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu vốn, phải đi vay là chủ yếu và vay với lãi suất cao của mọi đối tượng từ các tổ chức tín dụng, công ty mẹ, công ty liên kết, cho đến người lao động và cá nhân, doanh nghiệp khác. Do đó, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20% mà là chi phí thật, hợp lệ thì cũng cần phải được chấp nhận.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) (Nguồn: Viẹtnamfinance) |
Theo ông Đức, tỷ lệ 20% nói trên là nhằm đặt ra giới hạn với mục đích hạn chế tình trạng chuyển giá, dẫn đến thất thu thuế. Vì vậy, không có lý gì áp đặt đối với các công ty Việt Nam cho nhau vay vốn, kể cả đối với giao dịch liên kết, nếu như không nhằm mục đích chuyển giá, trốn, giảm nghĩa vụ nộp thuế.
Trước sự phản đối và "kêu cứu" của doanh nghiệp, hồi tháng 5/2019, đại diện Tổng cục Thuế cũng cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổng cục đã nhận được kiến nghị từ một số tập đoàn có chức năng trung chuyển vốn nhưng không có điều kiện để chuyển giá, đang gặp khó khăn bởi Nghị định 20.
Tổng cục Thuế khẳng định đang tổng hợp lại các ý kiến còn vướng mắc của các tập đoàn. Từ đó, Tổng cục Thuế sẽ đánh giá các tác động, mức độ ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp kiến nghị và trình Chính phủ trong thời gian tới để có những định hướng sửa đổi.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Bộ đang nghiên cứu để điều chỉnh quy định khống chế chi phí lãi vay một cách phù hợp hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã 3 lần nhắc tới việc xem xét quy định khống chế lãi vay trong Nghị định 20.
Tuy nhiên, điều đáng nói là đến thời điểm này, Nghị định 20 vẫn chưa được sửa đổi.
(Theo Tổ quốc)