Nói tục chửi thề âm ỉ đã lâu
Trước thực trạng học sinh, sinh viên nói tục, chửi thề ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh Trường ĐH Công Thương TP.HCM, nhìn nhận học sinh, sinh viên nói tục, chửi thề một phần là do phản xạ tự nhiên của lứa tuổi.
Do lứa tuổi mới lớn, các em muốn khẳng định mình là người lớn bằng cách chửi thề, nói tục tĩu. Điều này vẫn xảy ra âm ỉ trong đời sống học đường, một phần vì thói quen, một phần vì các em thích thể hiện.
“Nói tục, chửi thề phần nào thể hiện văn hoá ứng xử, nhân cách của các em. Do vậy học sinh, nhất là sinh viên phải có trách nhiệm với lời nói của mình vì nói tục, chửi thề sẽ làm như vậy là hạ thấp giá trị của mình. Các em nên biết rằng nói tục, chửi thề không làm cho các em lớn lên mà làm cho người khác sẽ nhìn thiếu sự thiện cảm"- ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, việc học sinh sinh viên nói tục chửi thề âm ỉ từ lâu. Tuy nhiên tuỳ từng môi trường việc này có bộc lộ ra hay không. Có học sinh, sinh viên ở trong trường, trước mặt người lớn rất ngoan, lễ phép, ăn nói từ tốn nhưng khi ngồi chơi cùng nhóm bạn lại nói tục, chửi thề rất nhiều.
Cũng có những học sinh do ảnh hưởng của môi trường sống mà bộc lộ nói tục, chửi thề như một thói quen. Các em bị nhiễm bởi hành vi ứng xử từ người lớn, từ người khác nên thỉnh thoảng vẫn nói tục, chửi thề dù ý thức được điều này không tốt.
Ông Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho hay, môi trường sẽ quyết định một phần nào nhân cách của học sinh, sinh viên. Theo dõi giáo dục nhiều năm, ông Phú nói ở những trường học có chất lượng rất ít học sinh, sinh viên nói tục chửi thề.
Theo ông Phú, việc nói tục, chửi thề trong học đường thường khó phát hiện. Lý do là khi thấy thầy cô hoặc người lớn từ xa, các em sẽ ngưng câu chuyện này lại hoặc sẽ biết kiềm chế.
Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học phải từ những điều nhỏ nhất
Ông Huỳnh Thanh Phú cho rằng, để hạn chế việc học sinh nói tục, chửi thề các trường học phải xây dựng văn hoá ứng xử. Văn hoá này bao gồm nhiều hình thức, nhưng quan trọng nhất là giáo dục trong từng bài học, kể cả lời ăn tiếng nói của thầy cô, từng buổi sinh hoạt dưới cờ.
"Ở đây các thầy cô có thể chia sẻ những chuyên đề, nét đẹp trong sáng ngôn ngữ tiếng Việt, đề tài chủ đề giao lưu giao tiếp, nếp sống văn minh hay sử dụng không gian mạng. Những chia sẻ này sẽ mang lại giá trị cho học sinh, khi các em nghe sẽ biết cách ứng xử. Người lớn phải tuyên truyền giáo dục những buổi sinh hoạt câu lạc bộ..."- ông Phú nêu.
Ông Phú cho hay, việc giáo dục ứng xử trong trường học phải quan tâm tới những điều nhỏ nhất. "Như việc chọn một ca khúc văn nghệ được biểu diễn trong các buổi lễ, sinh hoạt cộng đồng của trường cũng phải chọn những bài hát hay, ý nghĩa không để những ca khúc có ngôn từ thiếu trong sáng đưa vào.
Ở ngoài xã hội, cơ quan văn hoá có thẩm quyền cũng cần quyết liệt bởi hiện nay có nhiều bài hát, ca khúc có ngôn từ không văn minh, từ lóng, từ lái được lưu hành. Điều này sẽ dẫn dắt cho một trào lưu tuổi trẻ bởi các em rất nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi thần tượng"- theo ông Phú.
Điều ông Phú lo ngại hiện nay một đội ngũ giáo viên trẻ có cách tương tác kiểu chữ giống học sinh. Các em cho rằng mình gen Z, 9X, người của thời đại thời thượng nên được quyền du nhập, sử dụng những ngôn từ, cụm từ “của thời đại”. Chính điều này phá đi hình ảnh chuẩn mực trong giáo dục.
Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân cho hay, việc xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học phải thực sự được chú trọng, đặc biệt người lớn cần phải làm công tác noi gương.
“Chúng tôi từng tập huấn thầy cô với những chuyên đề như giao tiếp sư phạm, quản lý và làm chủ giờ dạy, sự trong sáng của Tiếng Việt. Khi tổ chức những chuyên đề như vậy chúng tôi muốn gửi thông điệp muốn thầy cô khi giao tiếp với học sinh, phụ huynh phải có chuẩn mực, để giữ lề lối, phong cách, đạo đức trong sáng của người thầy.
Sự trong sáng đạo đức của người thầy liên quan đến ngôn ngữ mình phát biểu, ngôn ngữ nói chuyện, ngữ cảnh, từng lời ăn tiếng nói, cử động với học sinh, phụ huynh chứ không phải được cho mình có quyền là bề trên các em".
Ông Phú nhấn mạnh văn hoá ứng xử trong trường học là sự mô phạm được định hình chứ không phải ra khỏi lề lối, phá cách. Ngoài ra văn hoá ứng xử của nhà trường cũng là xây dựng môi trường học tập. Cụ thể như quang cảnh của nhà trường cũng thể hiện văn hoá ứng của của trường. Trường học phải sạch đẹp, khuôn viên đẹp.
"Môi trường sư phạm thì cỏ cây cũng phải sư phạm, nếu không được chăm sóc, trau chuốt sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan, văn hoá"- ông Phú nêu.