Trong bối cảnh trên, chuyến đi của Tổng thống Obama đến 4 nước châu Á lần này được kỳ vọng sẽ trấn an được tâm lý chung của khu vực.
>> Cơn ác mộng khi Mỹ mềm mỏng với Trung Quốc
Các khó khăn kinh tế ở trong nước, sự sụt giảm lòng tin vào tính "dẫn đầu" của nước Mỹ về mặt an ninh ở khắp mọi nơi, sự nổi lên của hàng loạt các cường quốc khu vực như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ đã khiến cho quyền lực của xứ cờ hoa bị suy giảm một cách tương đối, nhất là trong cảm nhận của thế giới.
Trong bối cảnh trên, chuyến đi của Tổng thống Obama đến 4 nước châu Á lần này được kỳ vọng sẽ trấn an được tâm lý chung của khu vực. Đặc biệt, các đồng minh của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương, trong khi đối phó với sự trỗi dậy mạnh mẽ cùng tính quyết đoán và hung hăng của Trung Quốc tại những tranh chấp khu vực, đã trông chờ một nước Mỹ với những hành động "mạnh tay" hơn.
TT Obama và thủ tướng Abe trong chuyến thăm Nhật Bản |
Nhật Bản và Hàn Quốc: Những đồng minh chia sẻ
Với ba trong số bốn nước mà Tổng thống Mỹ sẽ tới thăm là các đồng minh truyền thống tại khu vực, hành trình của ông Obama sẽ có mục tiêu thắt chặt thêm các mối liên minh này, và trên hết là trấn an họ. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã thăm Tokyo và khẳng định lại cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ bảo vệ an ninh của Nhật Bản.
Trong chuyến đi này, Tổng thống Obama sẽ ký kết một thoả thuận hợp tác an ninh mới giữa Washington và Manila. Bên cạnh đó, Mỹ cũng sẽ cần đóng vai trò hạ nhiệt những mâu thuẫn trong khu vực vốn đã nóng lên đáng kể sau việc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc và chuyến thăm đền Yasukuni của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Nhật Bản mong muốn một nước Mỹ thực hiện cam kết của mình mạnh mẽ hơn nữa, ngược lại, Mỹ mong muốn một nước Nhật có thể chia sẻ bớt gánh nặng cường quốc của mình. Các chính sách đối ngoại cứng rắn và có phần dân tộc chủ nghĩa của ông Abe thời gian vừa qua cho thấy Tokyo đã nhận thức được điều đó. Cần phải mạnh mẽ và "cơ bắp" hơn khi đồng minh lớn nhất của mình đang trong quá trình "tái nhận thức".
Tuy nhiên, như Tom Donilon, cựu cố vấn an ninh quốc gia và là một trong những kiến trúc sư của chiến lược xoay trục, "tái nhận thức" không có nghĩa là giảm cam kết, mà chỉ là giai đoạn "tái định hướng". Đối với Hàn Quốc, hai vấn đề trọng tâm mà ông Obama cần phải tiến hành là hàn gắn lại mối quan hệ giữa Seoul và Tokyo - hai đồng minh chiến lược, cũng như bàn thảo về vấn đề Triều Tiên.
Chủ đề kinh tế, cụ thể là việc xúc tiến đàm phán TPP, cũng là một nội dung đáng chú ý trong các cuộc thảo luận sắp tới. Hiện tại, Hàn Quốc và Philippines vẫn chưa gia nhập TPP. Nhật Bản, nước đã gia nhập từ tháng 7 năm ngoái, thì chưa tìm được tiếng nói chung với Mỹ trong cuộc hội đàm mới đây về thị trường nông sản và ô tô.
Là một dự án đầy tham vọng, bao phủ nhiều lĩnh vực và 12 nền kinh tế lớn nhỏ khác nhau, TPP hứa hẹn mang lại những lợi ích không ngờ cho các nước thành viên. Tuy nhiên, những bất đồng quan điểm về các tiêu chuẩn vẫn là trở ngại lớn ngăn trở tiến trình đàm phán. Do đó, ông Obama sẽ phải dành thời gian đáng kể để thảo luận với Nhật Bản về TPP nếu muốn hiện thực hoá hiệp định này - con át chủ bài để Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo về kinh tế trong khu vực, và dĩ nhiên là nhằm vào Trung Quốc.
Philppines và Malaysia: Kiến thiết một Đông Nam Á vững mạnh
Philippines đang lo lắng. Sự bất cân bằng quyền lực quá lớn giữa Trung Quốc và Philippines khiến cho Manila không còn cách nào khác ngoài việc dựa vào Hiệp ước tương trợ Mỹ - Phi để tạo một thể cân bằng tương đối. Song sự kiện Scarborough đã khiến Philippines nhận ra rằng không nên trông chờ quá nhiều vào Mỹ trong hiện tại. Vụ kiện với Trung Quốc và quá trình hiện đại hóa quân đội được đẩy mạnh đã cho thấy được quyết tâm "tự thân vận động" của đảo quốc này.
Ông Obama sẽ có nhiệm vụ khẳng định lại, một cách chắc chắn và mạnh mẽ, mối quan hệ đồng minh truyền thống với Philippines, làm nước này bớt lo lắng thông qua đàm phán tái bố trí quân lực Mỹ tại các căn cứ quân sự ở đây, và hỗ trợ Manila trong việc hiện đại hóa quân đội. Cần nhớ rằng Mỹ và Nhật Bản mới đây đã thống nhất sẽ cung cấp các tàu tuần tra biển cho các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Đối với Malaysia, đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đến nước này từ sau chuyến thăm của Tổng thống Lyndon Johnson năm 1966. Quan hệ giữa Washington và Kuala Lumpur trong những thập kỷ vừa qua không được nồng ấm lắm. Nguyên nhân là do tinh thần ủng hộ của người Malaysia dành cho các nước Hồi giáo Trung Đông, đặc biệt là trong giai đoạn cầm quyền của Thủ tướng Malaysia Manathir bin Mohammad (1981-2003). Việc đích thân Tổng thống Obama đến thăm có thể xem như biểu hiện của tinh thần trọng thị dành cho Malaysia, được hy vọng sẽ đem lại bước phát triển mới trong quan hệ hai nước.
An ninh và kinh tế không phải là những chủ đề duy nhất trong chuyến công du châu Á lần này. Trong một sự kiện tại Đại học Malaya (Malaysia), Tổng thống Obama sẽ gặp gỡ những lãnh đạo trẻ đến từ mười quốc gia Đông Nam Á. Ông cũng sẽ gặp gỡ các lãnh đạo nhân quyền tại Malaysia. Điều này thể hiện sự quan tâm nghiêm túc đến bốn lĩnh vực của chính sách tái cân bằng, được bà Susan Rice nêu ra trong bài diễn văn Georgetown, là tăng cường an ninh, thúc đẩy thịnh vượng, vun đắp dân chủ và đề cao các giá trị nhân quyền.
Bên cạnh đó, chuyến thăm hai nước thành viên ASEAN và buổi gặp gỡ tại Đại học Malaya cho thấy ASEAN sẽ tiếp tục được Mỹ coi là thể chế khu vực có tầm quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện chiến lược xoay trục. Một ASEAN mạnh sẽ phù hợp hơn với lợi ích quốc gia của Mỹ, vừa giúp Mỹ tạo được một công cụ thể chế phù hợp, lại vừa có thể giảm thiểu các gánh nặng nguồn lực hiện tại.
Thuận Phương - Hữu Duyệt (Irys)